Sau bữa tiệc mừng em rể lên chức khoảng một tháng, em gọi điện cho chị thông báo đã nộp đơn xin nghỉ việc. Chị thảng thốt hỏi lý do, em trả lời ngắn gọn: “Đã đến lúc em cần nghỉ ngơi rồi, chừng ấy năm gồng gánh việc nhà lẫn việc cơ quan làm em quá mệt mỏi. Giờ chồng em có thể lo chu toàn chuyện kinh tế gia đình, em phải sống cho ra sống chứ, tội gì đầu tắt mặt tối mãi”.
“Thế em đã hỏi ý chồng chưa” chị vội vàng hỏi. Em bảo: “Anh ấy đồng ý chị à”. Nghe em nói vậy, trong lòng chị gợn lên nhiều nỗi băn khoăn, hình như mừng thì ít mà lo thì nhiều.
|
Đã đến lúc em cần nghỉ ngơi. Ảnh minh họa |
Công việc của em là mơ ước của nhiều người, không quá vất vả mà lương bổng khá. Em mới ngoài 40 tuổi, đang ở độ tuổi chín muồi để phấn đấu cho sự nghiệp đang lên. Vậy mà, đột nhiên em bỏ ngang chỉ với lý do đơn giản như thế. Dẫu biết giờ đây chồng em đã có một địa vị vững chắc, thu nhập cao nên em không cần phải bận tâm chuyện lo kinh tế. Nhưng đời người tốt nay xấu mai, ai biết được trước tương lai sẽ ra sao mà vội vàng từ bỏ.
Công việc lẫn cuộc sống đâu thuận buồm xuôi gió mãi, lỡ mai này sóng gió nổi lên, một tay lái liệu có giữ vững được con thuyền. Trong gia đình khi trách nhiệm nghiêng về một phía sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Có thể thời gian đầu em sẽ thấy thoải mái vì rảnh rỗi nhưng lâu dần em bắt đầu cảm nhận được phụ nữ chỉ ở nhà lo cơm nước thiệt thòi đến chừng nào.
Những mối quan hệ giao tiếp sẽ thu hẹp dần vì ít khi gặp gỡ, chuyện trò không thoải mái vì chẳng còn chung vấn đề quan tâm. Dần dần, em sẽ lơi là việc chăm sóc bản thân với lý do “ở nhà thôi mà cần gì phải đẹp”, chưa kể em không thể theo kịp xu thế mới của xã hội nếu chỉ ru rú ở nhà.
Và rồi, ánh mắt chồng nhìn em sẽ dần thay đổi, sức hấp dẫn cuốn hút sẽ phôi phai dần. Chưa kể, không đi làm đồng nghĩa với việc không có tiền, mua gì cũng phải suy trước nghĩ sau vì mình đang tiêu tiền của người khác.
|
Em đừng nghĩ ở nhà nhàn nhạ. Ảnh minh họa |
Em đừng nghĩ ở nhà mà nhàn hạ. Lúc em đi làm, chồng em có thể chia sẻ cảm thông đôi chút còn em nghỉ hẳn, mọi chuyện đều phó mặc cho em. Vất vả là vậy nhưng hiếm khi được ghi nhận, chưa kịp nấu cơm lau nhà đã bị dằn dỗi, con không ngoan thì trách nhiệm đổ cho em.
Có thể giờ đây chồng ủng hộ em nghỉ việc nhưng tâm tính con người thay đổi theo thời gian. Khi em phụ thuộc về kinh tế thì ý kiến của em trong mọi vấn đề sẽ giảm sức nặng, kể cả trong mắt những đứa con.
Em có nhớ đến những tâm sự buồn tủi của mẹ khi nhắc nhở chị em mình phải cố gắng học để có một cái nghề trong tay, khỏi phó mặc số phận mình vào tay một ai khác. Dù ba rất yêu thương mẹ nhưng những lúc cơm không lành canh không ngọt vẫn dằn vặt chuyện ai mới là người nuôi cả nhà khiến mẹ tủi hờn.
Mẹ hối hận mãi vì bỏ việc ở nhà chăm con. Ba từ một người biết chia sẻ cảm thông trở thành độc đoán ích kỷ khi gánh nặng gia đình đè nặng trên vai.
|
Mẹ hối hận vì đã bỏ việc ở nhà trông con |
Em còn nhớ những bữa cơm hai chị em được quyền ăn trước để học bài còn mẹ thì không, vẫn phải nhẫn nhịn đợi ba về dù muộn thế nào. Bởi khi đã ngà hơi men, ba sẵn sàng trách móc: “chỉ ở nhà thôi cần gì mà ăn trước chồng”.
Mẹ nghỉ việc có lý do chính đáng vì một nách hai đứa con sinh đôi ốm đau dặt dẹo, nội ngoại ở xa, lương đi làm không đủ tiền thuốc mà còn khổ sở đến vậy. Bởi người ta không cảm thấy khổ vì thiếu thốn vật chất nhưng nếu bị đầy đọa về tinh thần thì còn hơn cả khổ.
Nghe chị phân tích, em vội đưa ra lý do muốn lui về làm hậu phương vững chắc, hỗ trợ từ phía sau để chồng tiếp tục thăng tiến. Chị thấy đó không phải là ý nghĩ thấu đáo bởi ngần ấy năm em đi làm, chồng vẫn có thể phát triển sự nghiệp, liệu em ở nhà có trợ giúp được gì thêm khi con cái đã lớn. Chưa kể điều đó còn có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của em trong mắt đồng nghiệp, bạn bè, đối tác của chồng. Chị nghĩ, thời gian này rất thích hợp để em tập trung để phát triển sự nghiệp của bản thân.
|
Em cần phát triển bản thân. Ảnh minh họa |
Theo chị, điều kiện để gia đình hạnh phúc chính là sự bình đẳng giữa vợ và chồng về cả công việc, tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ bởi hai người luôn phải “đồng hành” trong mọi việc. Nếu em lùi về phía sau là em đang tự tước bỏ cái quyền bình đẳng ấy và hạnh phúc chẳng thể cân bằng nữa mà rất dễ ngả nghiêng.
Ngày trước, trong nhiều trường hợp, người vợ cần phải hy sinh, lùi một bước để dành cơ hội cho chồng. Nhưng hiện tại, đặc biệt trong hoàn cảnh của em thì nhất định “đừng lùi về phía sau”, em nhé!.
Hiền Lê