Cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa không thừa nhận CNC là công ty bình phong

20/11/2018 - 12:41

PNO - Nói về công ty CNC, Nguyễn Thanh Hóa không thừa nhận đây là công ty bình phong. "Tất cả do Nguyễn Văn Dương ngộ nhận", cựu Cục trưởng C50 nói.

Sáng 20/11, ngày thứ 8 phiên tòa xét xử 92 bị cáo trong đường đây đánh bạc nghìn tỷ, sau phần trả lời của bị cáo Phan Văn Vĩnh (Cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), HĐXX đã yêu cầu bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (SN 1958, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP Hà Nội), bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, lên bục xét hỏi.

Theo cáo trạng của VKS, với chức năng, nhiệm vụ được Bộ Công an giao đấu tranh phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao, Nguyễn Thanh Hóa không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, mà đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới soạn thảo một số văn bản và trực tiếp tham mưu cho Phan Văn Vĩnh ký Quyết định số 158/QĐ-C41(C50) ngày 14/5/2015 về việc thành lập công ty bình phong (Công ty CNC) trái với Quyết định của Bộ Công an và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an. 

Đồng thời Nguyễn Thanh Hóa đề nghị lãnh đạo Tổng cục cảnh sát cho Công ty CNC được thuê sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám, Đống Đa, Hà Nội do Tổng cục cảnh sát quản lý, tạo ra rào cản đối với các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh xử lý đối với Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm.

Cuu tuong Nguyen Thanh Hoa khong thua nhan CNC la cong ty binh phong
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa - cựu Cục trưởng Cục C50

Khi biết Công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, Nguyễn Thanh Hóa không ngăn chặn, xử lý mà còn tham mưu, ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tổ chức đánh bạc, bao che không cho các phòng nghiệp vụ có chức năng phòng chống tội phạm công nghệ cao được xác minh, xử lý.

Khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo hành vi đánh bạc của 2 game bài Rikvip.com và 23zdo.com có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Nguyễn Thanh Hóa không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Đến khi có văn bản lần thứ 2 sau 50 ngày mới chỉ đạo Phòng Tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, nhưng báo cáo không trung thực để che giấu hành vi phạm tội của Công ty CNC. Bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới soạn thảo văn bản ký hợp thức trình Phan Văn Vĩnh để che giấu việc góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an.

Không thừa nhận CNC là công ty bình phong

Nói về mối quan hệ với Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch công ty CNC), bị cáo khai quen Dương từ năm 2010. “Tôi nhớ khi đó là một trường hợp đặc biệt, khi đi lễ hội. Lúc đó xe của đoàn chúng tôi đỗ sai quy định nên bị bắt. Tôi biết anh Dương có quen biết rộng và nhờ Dương xin hộ. Còn với bị cáo Phan Văn Vĩnh, tôi chỉ biết khi bị cáo Vĩnh làm Tổng cục trưởng”, ông Hóa nói. 

Khi HĐXX hỏi: “Ai là người đề xuất thành lập CNC?”, ông Hóa xin phép được trình bày dài trong giai đoạn này. Theo đó, từ năm 2011, C50 có chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao. Khi đó, cố thứ trưởng Phạm Quý Ngọ gọi lên hỏi C50 có chức năng thành lập công ty bình phong hay không thì bị cáo Hóa trả lời có. 

“Anh Ngọ nói cho thằng cháu anh nó về. Lúc đó tôi nói cháu anh không có khả năng làm doanh nghiệp. Anh Ngọ nói có Dương làm doanh nghiệp được không. Sau đó, bị cáo gặp bị cáo Vĩnh và Dương thì được biết Dương rất thích làm công nghệ”, bị cáo Hóa khai. 

Cuu tuong Nguyen Thanh Hoa khong thua nhan CNC la cong ty binh phong
Nguyễn Văn Dương được gọi lên đối chất

Nguyễn Thanh Hóa thừa nhận thống nhất với ông Phan Văn Vĩnh thành lập công ty nghiệp vụ và giao cấp dưới tìm hiểu các quy định và báo cáo về việc góp vốn thành lập công ty bình phong. Nguyễn Thanh Hóa cũng thừa nhận mình là người ký tờ trình xin thành lập công ty bình phong. Văn bản gửi Phan Văn Vĩnh xin phép thành lập công ty bình phong cũng là do bị cáo Hóa ký. 

Tuy nhiên, ban đầu C50 có ý định “góp vốn” bằng sản phẩm trí tuệ nhưng nhân lực không có nên mới đề xuất đóng góp 20% và cử cán bộ tham gia vào công ty bình phong. Việc này có văn bản gửi lên ông Phan Văn Vĩnh báo cáo góp tiền vì không có đội ngũ kỹ thuật. Ông Hóa cho biết, sau khi được các cấp phê duyệt, cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ đồng ý thì ông chỉ đạo cấp dưới tiến hành các thủ tục ký bản ghi nhớ hợp tác với CNC.

Lý giải việc trong bản ghi nhớ có nói về việc đóng góp 20% nhưng thực tế không góp tiền, theo bị cáo là vì “chưa có điều kiện”.

Sau khi nhắc lại biên bản ghi nhớ hợp tác, HĐXX yêu cầu bị cáo Nguyễn Văn Dương lên đối chất: “Do có cam kết C50 đóng góp 20% và con người nhưng C50 không có nên bị cáo Hóa thông báo với bị cáo Dương về việc hợp tác này không có hiệu lực nữa đúng không?”.

Bị cáo Dương nói: "Tôi xin tôn trọng lời trình bày của anh Hóa".

"Bị cáo trình bày đúng hay không đúng ", chủ tọa gay gắt.

Dương tiếp tục nói muốn hội đồng xét xử xem xét trong hồ sơ vụ án trong đó có nhiều chứng cứ quan trọng. "Tôi không tiện nói đúng hay không", Dương trả lời. Đến đây, tòa tạm dừng đối chất và cho bị cáo Dương về chỗ.

Ông Hóa tiếp tục khai sau khi ký bản ghi nhớ với CNC ông không thực hiện mà đã báo cáo lại anh Vĩnh: "Tôi bảo không có tiền góp vốn, không có người, tôi nói anh Vĩnh họ chỉ là doanh nghiệp bình thường", ông Hóa đưa ra lý lẽ. 

HĐXX tiếp tục truy vấn: “Tháng 4/2017 bị cáo làm văn bản yêu cầu bị cáo Vĩnh ký hợp thức văn bản năm 2011 về C50 có đóng góp vốn?".

Bị cáo Hóa cho rằng sau khi không có vốn thì chỉ coi CNC là cơ sở bình thường. Bị cáo Hóa còn khai sau khi ký xong biên bản ghi nhớ thì có gọi điện cho Dương nói không tham gia thành lập công ty nữa và Dương chấp nhận.

Trước đó, trong phần thẩm vấn cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh, ông Vĩnh đã nhắc nhiều tới một số kiến nghị, đề xuất của Nguyễn Thanh Hóa về việc hợp thức hóa đánh bạc cho công ty CNC.

Tất cả do Nguyễn Văn Dương Ngộ nhận

Trả lời về việc CNC là công ty nghiệp vụ của Bộ Công an vào thời điểm nào, bị cáo Hóa nói CNC chính thức là công ty nghiệp vụ từ khi có Quyết định 158. 

“Sau đó nhiều người hiểu không đúng nghĩa, cả bị cáo Dương cũng ngộ nhận, dẫn đến sai lầm đáng tiếc. Cục C50 chỉ phối hợp với CNC trong hóa trang nghiệp vụ. Nghĩa là khi nào có vụ việc, chúng tôi mới sử dụng chứ không coi, hướng dẫn bị cáo Dương đi sâu vào trinh sát, điều tra. Do đó trong suốt quá trình hợp tác, tôi không có văn bản nào hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo anh Dương”, Nguyễn Thanh Hóa khai.

Chủ tọa tiếp tục hỏi: "Có thời gian trong trụ sở CNC treo biển tên bị cáo lên đó, bị cáo biết không?”. "Sau khi sự việc xảy ra tôi mới biết", bị cáo Hóa khai. 

Chủ tọa tiếp tục cho bị cáo Nguyễn Văn Dương lên đối chất về việc treo biển tên. Dương khai nhận: "Tôi xác nhận việc này. Nhưng sau khi treo biển tên thì anh Hóa có ý kiến phải đảm bảo bí mật nên đã dỡ xuống”. 

Tuy nhiên, lý giải về việc này, ông Hóa cho rằng: “Đó như căn hộ nhỏ chẳng có lý do gì ra đó giải quyết khâu oai. Tôi hoàn toàn không biết việc treo biển này. Lời khai báo của cá nhân tôi từ khi bị bắt tới nay không thay đổi". 

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI