Cứu trợ xã hội - việc cần làm ngay

01/04/2020 - 10:46

PNO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 "đang trở nên lớn hơn". Liệu dịch bệnh có gây ra những thảm cảnh “bước đường cùng”? Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương đã chia sẻ trăn trở về những khó khăn mà người dân nghèo đô thị có thể gặp phải trong thời gian tới.

Hiện tại, trước sự lan rộng của dịch bệnh, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương nói: “Chúng ta sẽ kiểm soát được dịch bệnh trong năm nay. Nhưng kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam và các tỉnh thành nói riêng sẽ phải hứng chịu nhiều cú sốc liên hoàn, dẫn đến doanh nghiệp phá sản hàng loạt, nạn thất nghiệp lan tràn trên diện rộng. ”. 

Hai năm nay, bến xe buýt này trở thành nhà của ông Nam
Hai năm nay, bến xe buýt này trở thành "nhà" của ông Nam

Có thể chúng ta từng lạc quan nghĩ, hậu quả của dịch bệnh chỉ là một bước lùi hoặc sự đi chậm lại bất khả kháng của các nền kinh tế. Nếu điềm tĩnh nhìn xa hơn một chút, sẽ thấy rằng, do tính cấp bách, chính quyền và xã hội buộc phải tập trung  toàn lực vào việc phòng, chống dịch bệnh, chưa quan tâm đúng mức đến công tác an sinh xã hội. 

Ở quy mô toàn cầu, cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kenneth Rogoff nhấn mạnh: “Các khách sạn, nhà hàng, hãng hàng không và doanh nghiệp nhỏ đều cần cứu trợ để sống sót qua dịch. Những đối tượng thu nhập thấp cần được hỗ trợ đầu tiên”. Vậy, giải pháp cấp thời của Việt Nam nên là gì?

Ông Trần Sĩ Chương kiến nghị: “Trước tiên, chúng ta cần xác định nhóm đối tượng cần được cứu trợ ngay. Theo tôi, danh sách có thể gồm: những gia đình có con nhỏ, người già, người tàn tật; người lao động bưng bê, khuân vác, người bán hàng rong hoặc bán vỉa hè; nhân viên khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp nhỏ đã bị cho nghỉ việc mà không có một đồng hỗ trợ…  Họ là nhóm nhạy cảm nhất của xã hội, vốn “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, chỉ cần bị mất nguồn thu nhập là lâm vào tình trạng túng quẫn, ngặt nghèo, không còn biết dựa vào đâu mà sống”.  

Trên thực tế, có thể đã xuất hiện lẻ tẻ tình trạng này và thậm chí đang âm thầm tăng từng ngày. Có điều, hoàn cảnh của những người này hiện chưa được chú ý đến chỉ vì toàn xã hội đang tập trung đối phó với dịch bệnh và ai ai cũng đang có cái lo riêng của mình. Thế nhưng, xã hội không thể cho phép có người bị đói. 

Trong mùa dịch, nhiều người nghèo vẫn lầm lũi mưu sinh, nhưng thu nhập của họ đã giảm đi rất nhiều
Trong mùa dịch, nhiều người nghèo vẫn lầm lũi mưu sinh, nhưng thu nhập của họ đã giảm đi rất nhiều

Ông Trần Sĩ Chương đề xuất: “Trước mắt, Việt Nam chỉ cần ưu tiên cung cấp thực phẩm cho những gia đình trong nhóm “nhạy cảm” mà tôi vừa đề cập ở trên. Chỉ cần nhờ cán bộ tổ dân phố đi rà soát, sẽ có ngay danh sách những hộ gia đình cần được cứu đói. Bên cạnh đó, các đơn vị, tổ chức cần nỗ lực kêu gọi đóng góp thực phẩm cũng như tiền bạc để mua thực phẩm; sau đó, các gia đình khó khăn lấy giấy giới thiệu từ tổ dân phố và đến những trung tâm phân phối nhận thực phẩm định kỳ, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Khó khăn tiếp tục chực sẵn trước hiên nhà của những người nghèo. Nếu chúng ta không quan tâm, sẽ trở tay không kịp. 

Ông Chương bày tỏ: “Đây không chỉ là trách nhiệm của chính quyền các cấp mà còn là trách nhiệm của những người có tấm lòng tương thân tương ái trong xã hội. Đã đến lúc cần vòng tay dang rộng của các nhà hảo tâm với tinh thần “lá lành đùm lá rách” như truyền thống vốn có của dân tộc Việt Nam.

Mỗi người dân đang có điều kiện sống tốt hơn, hãy chung tay cứu trợ, sẻ chia, bởi Nhà nước hiện đang có quá nhiều chuyện phải lo toan, không thể lo đủ, lo kịp cho tất cả”. 

 Diễm Châu 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI