PNO - PN - Trận động đất kinh hoàng ở Nepal đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người. Hậu quả khủng khiếp không dừng lại ở số người thương vong mà đáng sợ hơn, nó để lại nỗi đau quá lớn với các nạn nhân sống sót, những...
edf40wrjww2tblPage:Content
Cánh bướm hi vọng mang yêu thương đến người dân Nepal - Ảnh: Baltic Review
Bên cạnh hỗ trợ lương thực, y tế và nhu yếu phẩm, nhiều tổ chức đã cử chuyên viên tâm lý đến động viên, trấn an tinh thần những người may mắn thoát chết. Theo cô Magali Roudaut, phụ trách hỗ trợ khẩn cấp của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), các nhân viên tình nguyện của tổ chức đã tập trung lực lượng đến những quận bị thiệt hại nặng nề nhất là Sindhupalchowk, Rasuwa, Gorkha và Dhading. Đoàn bắt đầu tiếp cận những nạn nhân sống sót để hỗ trợ tinh thần.
Magali kể: “Khi chúng tôi đặt chân đến vùng đất tang thương này, những khuôn mặt chết lặng hay thất thần của nhiều người khiến cả đoàn ngậm ngùi. Nhìn thoáng qua, họ có vẻ bình thường nhưng sau khi tiếp xúc, chúng tôi mới hiểu nỗi đau quá lớn đã lấp đầy tâm trí họ. Vài người còn có thể òa khóc nhưng phần lớn vẫn chôn vùi nỗi đau vào sâu thẳm trong lòng, họ thu mình và im lặng chờ đón những ngày sắp tới. Vết thương quá lớn nếu không chữa khỏi sẽ là cơn ác mộng dai dẳng theo họ đến suốt đời. Đó là lý do vì sao họ cần được hỗ trợ tâm lý càng sớm càng tốt”.
Tạo không gian để trẻ em khuây khỏa, quên đi đau buồn - Ảnh: Baltic Review
Ngày 3/5, nhóm tình nguyện “Hug and Heal” có mặt ở một số lều tạm tại thủ đô Kathmandu để hỗ trợ tinh thần cho 2.500 người không còn nhà để về. Các chuyên gia mong muốn giúp nhiều người giải tỏa căng thẳng, nỗi sợ và truyền cho họ sức sống mới. Trưởng nhóm “Hug and Heal”, chuyên gia tâm lý Indra Gurung chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng khơi gợi cho họ nói ra nỗi đau của mình để vượt qua nó. Với những ai chưa sẵn sàng trò chuyện, chúng tôi để lại những bông hoa tươi thắm, như một lời an ủi. Chúng tôi muốn họ hiểu, mọi người cần sát cánh bên nhau để vượt qua thảm kịch”. Một số người bộc bạch, họ đã gục ngã vì nỗi đau quá sức chịu đựng nhưng nhờ sự động viên, quan tâm của những người xa lạ, họ hy vọng những ngày mới sẽ đến.
Động viên một nạn nhân sống sót sau trận động đất Nepal - ẢNH: REUTERS
Chuyên gia tâm lý Michael Blumenfield thuộc Viện Phân tâm học và tâm thần học Mỹ nói: “Nỗi đau không của riêng ai. Bất cứ người dân Nepal nào ít nhiều cũng đang có vết thương trong lòng”. Trong khi đó, các cơ quan hỗ trợ của Nepal cho biết họ cố gắng giảm thiểu tối đa thương tổn tinh thần của nạn nhân. Chính quyền Nepal nói rằng, sau trận động đất ở Haiti năm 2010, Nepal cũng tự rút ra bài học để ứng phó với khủng hoảng tâm lý. Đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) ở Nepal đã thiết lập nhiều không gian thân thiện cho trẻ em ở những trại tập trung. Tại đây, các em được hướng dẫn cùng chơi những trò chơi tập thể để dồn sự tập trung vào hoạt động chung.
Cậu bé Neeraj (11 tuổi) may mắn sống sót sau trận động đất vẽ lại ngôi nhà trong ký ức của mình - Ảnh: CNA.
Cùng các chuyên gia tâm lý, một số nghệ sĩ Nepal cũng đã có những hành động thiết thực để thể hiện sự đồng cảm của mình với người dân Nepal đang gánh chịu hậu quả của trận động đất. Bảo tàng trẻ em Nepal (CAM) kêu gọi lập quỹ để mang đến những liệu pháp nghệ thuật giúp các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em, khuây khỏa tinh thần, tạm quên đi những hình ảnh tàn phá nặng nề.
Trong khi đó, nghệ sĩ Milan Rai vực dậy tinh thần người dân bằng cánh bướm trắng mang tình yêu và niềm hy vọng. Những cánh bướm bằng giấy mềm mại được gửi đến người dân Nepal cũng như người dân các thành phố lớn như London, New York, Berlin với thông điệp mong muốn gắn kết tình thương yêu của cả thế giới đến với Nepal.
Bốn năm trước, khi nước Nhật bị trận động đất kéo theo sóng thần tàn phá, ngay lập tức, Hiệp hội Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên Nhật Bản đã khuyến cáo trẻ em trải qua những sự kiện căng thẳng hay những cú sốc tâm lý có thể trở nên ích kỷ hay nổi loạn, tinh thần hỗn loạn, mất ngủ vì bị ám ảnh, rối loạn cuộc sống sinh hoạt hàng ngày vì không thể ăn uống, ngủ nghỉ dễ dàng.
Trong thực tế, nhiều gia đình, cá nhân chứng kiến chính mình và người thân là đối tượng của khuyến cáo trên. Nỗi đau càng khó nguôi ngoai hơn khi tin tức về thảm họa liên tục được phương tiện truyền thông cập nhật. Những người may mắn sống sót vô tình bị mắc kẹt trong bi kịch của cả cộng đồng.
Trẻ em đến trường sau động đất Nhật Bản - Ảnh: NPR
Đại diện tổ chức “Save the children” khi ấy cho biết, tổ chức này đã hỗ trợ tâm lý cho rất nhiều gia đình có trẻ trở nên xa lánh mọi người, các em chỉ muốn ở bên cạnh bố mẹ, ngoài ra không muốn gặp ai và không thể bày tỏ cảm xúc của mình. Sau thảm họa này, cụm từ “kodomo no kokoro no care” nghĩa là “hãy quan tâm tới tâm hồn trẻ thơ” được nhắc đến rất nhiều ở Nhật Bản.
Vài tuần sau khi xảy ra thảm họa, nhiều trường học ở gần khu vực bị ảnh hưởng bắt đầu đón học sinh trở lại. Những buổi học đầu tiên vô cùng khó khăn với nhiều giáo viên và học sinh vì nhiều em không còn được gặp lại bạn mình. Thế nhưng, chính sự bình tĩnh, trấn an cùng tình cảm của các giáo viên mà các em sớm hòa nhập lại cùng bạn bè.
Khi thảm kịch xảy ra, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng nhiều chuyên gia tâm lý đặc biệt chú trọng đến nỗ lực khắc phục chấn thương tâm lý với những người còn sống, giúp họ giải tỏa được cú sốc tinh thần để lấy lại khát vọng sống.