Cứu trẻ hơn 5 tháng tuổi, cơ hội sống "gần như bằng không" vì mắc loại virus thường gặp

28/04/2025 - 12:21

PNO - Nhập viện trong tình trạng sốc tim, suy thận cấp, tổn thương phổi lan tỏa, nếu không can thiệp kịp thời, cơ hội sống của trẻ "gần như bằng không".

Bé gái 5,5 tháng tuổi có bệnh lý nền trở nên nguy kịch sau khi nhiễm loại virus thường gặp gây bệnh hô hấp ở trẻ - ảnh: BVCC
Bé gái 5,5 tháng tuổi có bệnh lý nền trở nên nguy kịch sau khi nhiễm loại virus thường gặp gây bệnh hô hấp ở trẻ - ảnh: BVCC

Ngày 13/4/2025, bé P.C.A. (5,5 tháng tuổi, ở Bắc Ninh) được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực Nhi (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) trong tình trạng suy hô hấp nặng, cơ thể tím tái, nhịp tim 200 ck/phút.

Trẻ có tiền sử bệnh cơ tim giãn, suy tim mạn tính - một yếu tố nguy cơ cao khiến diễn tiến bệnh thêm phức tạp.

Kết quả chẩn đoán xác định bé nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV), tổn thương phổi lan tỏa, sốc tim, suy thận cấp và toan chuyển hóa nặng. Mặc dù đã được điều trị tích cực bằng thở máy, thuốc vận mạch và các biện pháp nội khoa hỗ trợ, tình trạng bệnh vẫn không cải thiện.

Trước nguy cơ tử vong rất cao, các bác sĩ đã đưa ra quyết định "sống còn" là can thiệp bằng kỹ thuật lọc máu liên tục (CRRT). Chỉ sau 12 giờ, các chỉ số huyết động cải thiện rõ rệt, chức năng thận phục hồi, tim tiến triển tích cực. Sau 48 giờ lọc máu và 6 ngày điều trị, bé được rút ống nội khí quản và hiện đã hồi phục tốt, sẵn sàng ra viện.

“Đây là một trong những ca bệnh nguy kịch nhất chúng tôi từng gặp. Nếu không can thiệp kịp thời, cơ hội sống gần như bằng không" - bác sĩ Lê Mạnh Trường, người trực tiếp điều trị cho trẻ chia sẻ.

Thời điểm giao mùa xuân - hè kèm theo thời tiết nồm ẩm, khiến virus RSV phát triển mạnh. Virus này gây bệnh đường hô hấp dưới và viêm phổi ở trẻ với khả năng lây lan mạnh. Virus RSV không mới, có tới 90% trẻ em nhiễm loại virus này trong 2 năm đầu đời. Đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh hệ miễn dịch còn kém.

Khi trẻ nhiễm RSV, triệu chứng khởi phát ban đầu thường là ho khan, hắt hơi, sổ mũi và có thể sốt nhẹ tới cao. Các triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với nhiễm cúm hay các loại virus khác. Đến giai đoạn toàn phát, trẻ có dấu hiệu khò khè, ho nhiều, thở nhanh. Đối với trẻ sơ sinh, có thể có các dấu hiệu nặng như sốt cao khó hạ, tím tái, rút lõm lồng ngực, trẻ kích thích quấy khóc hoặc có cơn ngừng thở.

Bác sĩ Hoàng Văn Kết - Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Nhi của bệnh viện - khuyến cáo: “Viêm tiểu phế quản do RSV thường gặp, nhưng với trẻ có nền bệnh tim mạn tính thì diễn tiến rất nhanh và khó lường”.

Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng ngừa virus hợp bào hô hấp. Tuy nhiên, cha mẹ có thể chủ động phòng tránh giảm nguy cơ nhiễm hoặc lây nhiễm RSV cho trẻ, tránh bùng phát thành dịch, bằng cách: cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời kéo dài đến 2 tuổi. Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, nhất là khi vừa tiếp xúc với những trường hợp có biểu hiện cảm cúm; giữ gìn môi trường sạch sẽ, thoáng mát; vệ sinh mũi họng, thân thể, rửa tay thường xuyên cho trẻ; khi cho trẻ ra ngoài cần đeo khẩu trang.

Đặc biệt, người xung quanh cần tránh hôn, thơm, bắt tay trẻ; nên cho trẻ dùng riêng cốc và dụng cụ ăn uống.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI