Cựu Tổng thống Donald Trump có 16 giờ để biện hộ trong cuộc luận tội lần 2

09/02/2021 - 12:06

PNO - Phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Donald Trump lần thứ hai sẽ bắt đầu hôm 9/2 sau khi các nhà lãnh đạo Thượng viện đạt được thỏa thuận cho phép phía ông Trump có 16 giờ để biện hộ.

Quy tắc xét xử luận tội

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer thông báo hôm 8/2 rằng, các quy tắc xét xử đã được lưỡng đảng Thượng viện, cũng như các nhà quản lý cuộc luận tội ở Hạ viện và nhóm pháp lý của ông Trump đồng ý.

Thượng viện sẽ bỏ phiếu về các quy tắc vào ngày 9/2 và phiên tòa sẽ bắt đầu với cuộc tranh luận kéo dài 4 giờ về tính hợp hiến của thủ tục, sau đó là một cuộc bỏ phiếu mà dự kiến ​​kết quả sẽ thông qua với đa số phiếu.

Ông Schumer nói: “Cơ cấu mà chúng tôi đồng ý rất công bằng. Nó sẽ cho phép phiên tòa đạt được mục đích: sự thật và trách nhiệm giải trình".

Các Hạ nghị sĩ rời khỏi phòng họp tại Điện Capitol hôm 8/2 sau khi đạt thỏa thuận về các nguyên tắc xét xử trong cuộc luận tội
Các Hạ nghị sĩ rời khỏi phòng họp tại Điện Capitol hôm 8/2 sau khi đạt thỏa thuận về các nguyên tắc xét xử trong cuộc luận tội

Các nhà quản lý phiên điều trần tại Hạ viện sẽ bắt đầu bài thuyết trình của họ vào trưa 10/2, với thời lượng lên đến 16 giờ để đưa ra yêu cầu của họ trước Thượng viện trong hai ngày.

Sau đó, các luật sư của ông Trump sẽ có hai ngày để thuyết trình. Tiếp đến là một phiên họp, trong đó các thượng nghị sĩ có thể đặt câu hỏi bằng văn bản cho cả nhóm pháp lý, do chủ tọa phiên tòa đọc, giống như trong các phiên tòa luận tội trước đó.

Luật sư của ông Trump, David Schoen, một người gốc Do Thái ban đầu đã yêu cầu ngưng thủ tục xét xử trong ngày Shabbat (thứ Bảy) nhưng đã rút lại kiến nghị.

Thời gian nghỉ do Shabbat có thể đồng nghĩa với việc nhóm biện hộ của ông Trump sử dụng ít hơn 16 giờ, vì các quy tắc cho phép họ sử dụng 8 giờ mỗi ngày trong hai ngày và phiên luận tội theo lịch trình hiện tại sẽ chỉ diễn ra trong vòng 5 giờ vào thứ Sáu 12/2.

Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell đã ca ngợi thỏa thuận, nói rằng nó "bảo toàn thủ tục hợp pháp và quyền lợi của cả hai bên."

“Tội ác tày trời” hay chỉ là một “vở kịch”?

Hôm 8/2, nhóm pháp lý của ông Trump cáo buộc đảng Dân chủ tạo ra "sân khấu chính trị" và lập luận trong một cuộc họp ngắn trước xét xử rằng phiên tòa luận tội tại Thượng viện sắp tới là vi hiến vì ông Trump không còn là tổng thống.

Nhìn chung, các luật sư của cựu tổng thống khẳng định ông không phạm tội kích động đám đông bạo lực tại Điện Capitol để lật ngược cuộc bầu cử, trong khi các công tố viên nói rằng ông phải bị kết án về "tội phạm hiến pháp" dù ông đã rời Nhà Trắng.

Đám đông ủng hộ ông Trump đã gây ra bạo loạn, xâm nhập tòa nhà Quốc hội Mỹ tại thủ đô hôm 6/1
Đám đông ủng hộ ông Trump đã gây ra bạo loạn, xâm nhập tòa nhà Quốc hội Mỹ tại thủ đô hôm 6/1

Cựu Tổng thống Donald Trump phải đối mặt với cáo buộc duy nhất là kích động nổi dậy trong cuộc bao vây Điện Capitol vào ngày 6/1, một cuộc tấn công gây choáng váng cả quốc gia và thế giới sau khi ông khuyến khích một đám đông biểu tình "chiến đấu" giành lại nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Những người nổi loạn đã xông vào tòa nhà để ngăn chặn việc chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Dự kiến ​​sẽ không có nhân chứng nào được gọi, một phần bởi vì các thượng nghị sĩ tuyên thệ với tư cách là bồi thẩm đoàn sẽ được trình chiếu các video về cảnh họ buộc phải bỏ trốn để tìm kiếm sự an toàn vào ngày 6/1.

Do COVID-19, các thượng nghị sĩ sẽ tham gia phiên luận tội từ xa. Riêng tại câu lạc bộ Mar-a-Lago của mình ở Florida, ông Trump đã từ chối yêu cầu làm chứng.

Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên phải đối mặt với các cáo buộc sau khi rời nhiệm sở và là người đầu tiên bị luận tội hai lần, tiếp tục thách thức các chuẩn mực và truyền thống dân chủ của quốc gia ngay cả khi rời Nhà Trắng.

An ninh vẫn được triển khai cực kỳ chặt chẽ tại Điện Capitol. Mặc dù có khả năng cao ông Trump được tuyên trắng án, phiên tòa sẽ kiểm tra thái độ của quốc gia đối với thương hiệu quyền lực của ông Trump, quyết tâm của đảng Dân chủ trong việc theo đuổi việc luận tội và lòng trung thành của các đồng minh Cộng hòa.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết rằng, Tổng thống Biden bận rộn với công việc của mình và sẽ không dành nhiều thời gian theo dõi quá trình tố tụng: “Ông ấy sẽ để quyền quyết định lại cho các đồng nghiệp cũ của ông ấy ở Thượng viện”.

Các nghị sĩ hốt hoảng tìm chỗ trốn hôm 6/1 khi đám đông giận dữ tiến vào Điện Capitol
Các nghị sĩ hốt hoảng tìm chỗ trốn hôm 6/1 khi đám đông giận dữ tiến vào Điện Capitol

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Rand Paul của bang Kentucky đã yêu cầu một cuộc bỏ phiếu nhằm hủy bỏ phiên tòa xét xử với lý do vi hiến vì ông Trump không còn tại vị.

45 phiếu ủng hộ từ đảng Cộng hòa cho rằng kiến nghị của Rand Paul cho thấy Thượng viện khó lòng kết tội ông Trump. Bởi dù đảng Dân chủ nắm giữ 50 ghế, họ cần phải có 2/3 phiếu tương đương 67 thượng nghị sĩ để kết tội ông Trump.

Tấn Vĩ (theo CNN, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI