Cựu tiếp viên hàng không và hành trình đi trong nỗi nhớ

12/09/2021 - 21:40

PNO - Chớp mắt đã 20 năm kể từ sự kiện chấn động ngày 11/9, nhưng cựu tiếp viên lão thành Paul Veneto chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ các đồng nghiệp trên chuyến bay xấu số mang số hiệu 175 của hãng United Airlines. Ông may mắn thoát chết vì thời điểm đó vừa xuống ca nên không làm việc trong chuyến bay ấy. 20 năm sau thảm họa, Paul Veneto đã thực hiện một hành trình tưởng niệm đồng nghiệp có một không hai: đẩy xe bán nước trên máy bay đi bộ 200 dặm (hơn 300km) từ Boston đến khu Ground Zero.

Ông Paul trước giờ xuất phát
Ông Paul trước giờ xuất phát

 

Chuyến đi bộ đặc biệt

Ngày 21/8 vừa qua, ông Paul Veneto (tên thường gọi là Paulie) đã xuất phát tại sân bay Logan (TP.Boston) - nơi chuyến bay 175 cất cánh rồi mãi mãi không quay về. Cái ông mang theo là chiếc xe đẩy bán nước trên máy bay - thứ gắn bó với các tiếp viên hàng không. Trên xe đầy những dòng chữ, con số ghi lại thời khắc đáng nhớ của chuyến bay số 175 (của United Airlines) và số 11 (của American Airlines) cùng ảnh chân dung những đồng nghiệp có mặt trên hai chuyến bay định mệnh.

Kế hoạch của ông Paul Veneto là đi bộ hơn 300km từ sân bay Logan ở Boston đến khu tưởng niệm Ground Zero ở thành phố New York vào đúng ngày 11/9 nhằm kỷ niệm 20 năm ngày những đồng nghiệp của mình đã ngã xuống. Ông đặt tên cho hành trình của mình là Paulie’s Push. Tất cả thông tin về hành trình cũng như số tiền ủng hộ của người đi đường dành cho hoạt động tưởng niệm này đều được cập nhật trên trang web pauliepush.com sau mỗi 10 dặm hành trình.

Nói về việc làm có một không hai này, cựu tiếp viên hàng không 62 tuổi tâm sự: “Tôi muốn gia đình những thành viên đã mất biết con em mình đã dũng cảm thế nào trong ngày định mệnh đó. Tôi muốn công chúng hiểu được trong tình cảnh hôm đó, các đồng nghiệp của tôi không ai được huấn luyện trước việc họ sẽ làm. Họ cần được ghi nhận là những anh hùng. Cái ngày khủng khiếp đó khiến gần như cả đời tôi gắn với thuốc giảm đau đến nghiện. Giờ đây, tôi đã có thể hành động để tưởng nhớ các đồng nghiệp đã mất”.

Tuy vậy ông nói không muốn mình trở thành tâm điểm chú ý của dư luận mà chỉ muốn mọi người nhớ đến các phi hành đoàn trên bốn chiếc máy bay bị không tặc hôm đó. “Tôi chỉ là gã đẩy xe thôi”, ông nói. Theo kế hoạch, mỗi ngày ông sẽ đi 10-20 dặm. Ông tâm sự, những tấm ảnh chân dung đồng nghiệp dán trên xe đẩy là nguồn động viên, khích lệ ông trên mỗi bước chân: “Mỗi khi chân đau hay gặp tiết trời lạnh lẽo, mưa gió, cứ nhìn những nụ cười trên gương mặt họ, tôi có cảm giác như mình được đồng nghiệp hỗ trợ phía sau, nỗi đau vì vậy sẽ tan đi”.

Ngày xuất phát (21/8), ông Paulie được rất nhiều đồng nghiệp đến tiễn chân. Hôm ấy, tên các thành viên phi hành đoàn của bốn chuyến bay số 175, 11, 77 và 93 đã được xướng lên trong sự ngậm ngùi của mọi người. Ông Aram Jarret - cha của Amy Jarret, nữ tiếp viên 28 tuổi tử nạn trên chuyến bay 175 - rưng rưng nói: “Paulie biết trên hành trình này Amy sẽ đi cùng nó”. Dave McGillivray, Giám đốc Marathon Race - giải chạy marathon lâu đời nhất Boston, cũng có mặt trong buổi xuất phát và tặng ông Paul lá cờ mà ông từng mang khi chạy bộ xuyên nước Mỹ cách đây 43 năm để gây quỹ từ thiện. Lá cờ do chính tay mẹ ông may để chúc phúc cho con trai. “Nó sẽ bảo vệ anh như đã từng bảo vệ tôi. Anh sẽ làm được và sẽ hoàn thành tốt chuyến đi”, Dave McGillivray động viên ông Paul Veneto.

Mấy ngày đi bộ vừa qua, ông Paul Veneto đã hứng chịu đủ cả nắng mưa, trong đó đáng nhớ nhất là những cơn mưa như trút nước do ảnh hưởng từ cơn bão Henri. Trên đường đi, sự ủng hộ từ những người xa lạ như tiếp thêm sức mạnh cho ông vững bước. Anh John Mahan ở thị trấn Holliston kể: “Tôi nói với ông ấy rằng điều ông làm thật tuyệt vời. Tôi đã gửi tiền ủng hộ và mong nhiều người sẽ làm giống tôi”. Sân bay Logan đã tặng Paul Veneto hai chiếc xe đẩy để dùng suốt hành trình. Một số khách sạn đã ngỏ lời mời ông qua đêm miễn phí. Hai người bạn thân từ thời thơ ấu tự nguyện tháp tùng theo ông để hỗ trợ. Một số cựu tiếp viên hàng không và gia đình, người thân của các phi công, tiếp viên xấu số cũng bày tỏ ý muốn tham gia hành trình cùng ông.

Các tiếp viên hàng không tiễn ông Paul Veneto lên đường
Các tiếp viên hàng không tiễn ông Paul Veneto lên đường

Nỗi đau khôn nguôi

Paul Veneto sống ở thành phố Braintree, bang Massachusetts, hành nghề tiếp viên hàng không đã 30 năm và từng phục vụ cho năm hãng hàng không. Ông gắn bó với chuyến bay 175 của United Airlines từ năm 1997 và hành trình quen thuộc từ sân bay Logan đến sân bay Los Angeles. Vào cái ngày 11/9 kinh hoàng ấy, Paul Veneto đang ở nhà một người bạn sau khi xuống ca cách đó ba ngày. Sáng đó, ông nghe tin chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa tháp phía bắc của tháp đôi World Trade Center và rồi nhìn thấy chiếc máy bay số 175 mà ông thường phục vụ đâm vào tòa tháp phía nam. “Từ lúc đó, cuộc sống của tôi thay đổi mãi mãi”, ông Paul ngậm ngùi nhớ lại. Thảm kịch đã khiến nhiều tiếp viên sợ hãi bỏ nghề.

Ông Paul Veneto vẫn làm việc nhưng từ đó, mỗi lần bước lên máy bay, ông lại căng thẳng vì lo sợ. Ông còn luôn mường tượng về hoàn cảnh lúc xảy ra thảm kịch, nghĩ về những nỗi sợ mà đồng nghiệp của mình phải gánh chịu. Nghe những đoạn băng ghi âm giờ phút cuối cùng trên máy bay, ông càng cảm nhận được sự căng thẳng, áp lực của phi hành đoàn. Chính vì những ám ảnh đó, ông phải tìm đến thuốc giảm đau, thành con nghiện thuốc suốt 15 năm trời. Trong những năm tháng sống phụ thuộc vào chất gây nghiện ấy, ông vẫn không nguôi nỗi nhớ về những đồng nghiệp đã ngã xuống. Ngoài chín người trên chuyến bay 175, còn có sáu thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay số 11 đâm vào tòa tháp bắc, sáu người trong phi hành đoàn của chuyến bay 77 thuộc hãng American Airlines đâm vào Lầu Năm Góc và bảy người trong phi hành đoàn của chuyến bay số 93 thuộc hãng United Airlines đâm xuống một cánh đồng tại xã Stonycreek gần Shanksville, bang Pennsylvania. 

Tình trạng nghiện thuốc của ông mỗi năm mỗi nặng thêm. Bà Annete Rago, 69 tuổi, chị ông Paul Veneto, nhớ lại: “Nó luôn nghĩ về đồng nghiệp và nói về họ suốt. Có lúc tôi sợ nó chết đâu đó”. Ngoài sự thương tiếc đồng nghiệp, trong ngần ấy năm, ông Paul còn day dứt với nỗi lo họ bị người đời lãng quên và nhất là sự dũng cảm của họ không được ghi nhận. “20 năm qua, không ai công nhận họ là anh hùng”, ông buồn bã. Ông Paul Veneto vẫn gắn bó với hãng United Arlines gần mười năm sau thảm họa dù gia đình ngăn cản. Mỗi khi đi làm, ông lại đem theo tấm ảnh chụp chung với phi hành đoàn chuyến bay 175. Ông luôn nung nấu ý nghĩ phải làm việc gì đó để đồng nghiệp của mình không bị lãng quên. Ý tưởng đẩy xe bán nước trên máy bay đi bộ từ sân bay Logan đến nơi tưởng niệm Ground Zero được ông ấp ủ. Để làm được, ông đã quyết tâm cai nghiện. Năm 2015, ông cai nghiện thành công và từ tháng Mười năm ngoái, ông đã tập đẩy xe bán nước mỗi ngày đi 16 dặm xung quanh khu vực ông ở để chuẩn bị cho chuyến đi. Ông cũng chuẩn bị thật nhiều bánh xe để thay phòng khi bị hỏng dọc đường. Việc không lập gia đình, không con cái có lẽ cũng là sự thuận lợi để ông thoải mái lên đường theo ước nguyện.

Chuyến đi bộ của ông Paul Veneto ngoài ý nghĩa tưởng nhớ các phi công, tiếp viên xấu số; quyên tiền cho thân nhân của họ còn là dịp để ông kêu gọi mọi người ủng hộ cho Power Forward - tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ những người cai nghiện thuốc. 

Hương Nhu

 

Từ khóa 11/9tháp đôimỹ
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI