Cựu thiếu tướng cảnh sát biển xin giảm án trong vụ “bảo kê” xăng lậu

27/12/2022 - 10:48

PNO - Cựu thiếu tướng cảnh sát biển Lê Văn Minh cùng nhiều bị cáo có đơn xin giảm nhẹ hình phạt trong vụ án “bảo kê” xăng lậu.

 

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Ngày 27/12, Tòa án quân sự Trung ương mở phiên tòa phúc thẩm, xét xử vụ án “bảo kê” xăng lậu xảy ra tại một số đơn vị thuộc Cảnh sát biển Việt Nam.

Phiên tòa được mở do có kháng cáo của 9 người. Trong số này 7 người kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo, gồm: Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4), Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3), Nguyễn Văn Hùng (cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh); Phạm Hồ Hải (cựu Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh); Lê Văn Phương (cựu Phó trưởng phòng CSGT Công an Trà Vinh); Nguyễn Thanh Lâm (cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng) và Phạm Văn Trên (cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh).

Cả 7 bị cáo bị tòa sơ thẩm phạt 3 năm 6 tháng đến 16 năm tù do nhận hối lộ.

2 người còn lại kêu oan, kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm là đại tá Nguyễn Thế Anh (cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang) và em họ Nguyễn Văn An.

Ông Thế Anh là người duy nhất trong vụ án bị cấp sơ thẩm tuyên chung thân về 2 tội danh "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép". Trong phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo này phủ nhận cáo buộc, cho rằng bị ép cung nhưng không chứng cứ nào được đưa ra.

Tại tòa hôm nay, HĐXX triệu tập 4 nhân chứng, trong đó có "trùm xăng lậu" Phạm Thanh Hữu, người vừa bị TAND tỉnh Đồng Nai phạt 16 năm tù về tội buôn lậu và Cao Phước Hoài, người bị tòa sơ thẩm phạt 6 tháng 21 ngày tù, bằng thời gian tạm giam về tội không tố giác tội phạm, nhưng không kháng cáo.

Bất ngờ xảy ra, ngay sau khi nghe nội dung bản án sơ thẩm, được hỏi về nội dung kháng cáo, bị cáo Nguyễn Thế Anh nhận tội "Nhận hối lộ", xin HĐXX cho thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan, sang giảm nhẹ hình phạt.

Theo giải thích của ông Thế Anh, trong giai đoạn sơ thẩm do tâm lý hoang mang nên liên tục kêu oan do không nhận thức được hành vi, sau này khi suy nghĩ kỹ, đã nhận ra việc mình nhận tiền là sai. Bị cáo thừa nhận có nhận tiền từ trùm xăng lậu để "bảo kê" cho việc kinh doanh phí pháp, song xin tòa xem xét lại số tiền.

"Số tiền tòa sơ thẩm quy kết rất lớn, tới 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng, tức gần 17 tỉ đồng" - cựu đại tá biên phòng phân trần. Ông cho rằng có thông qua em họ, bị cáo Nguyễn Văn An, nhận tiền hối lộ, song không nhiều đến vậy.

Bị cáo An sau đó cũng xin thay đổi nội dung kháng cáo, không kêu oan mà xin giảm nhẹ hình phạt.

Với tội danh còn lại "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài", ông Thế Anh giữ nguyên nội dung kêu oan. Ông cho rằng việc An sang Lào là để kiếm việc làm, không liên quan đến mình. "Bị cáo không tác động, xúi giục, cho tiền để An trốn. Bị cáo không phạm tội này" - ông Thế Anh khẳng định.

Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, “ông trùm” Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cùng đồng phạm buôn lậu gần 200 triệu lít xăng, trị giá khoảng 2.900 tỉ đồng.

Trong đó, Phùng Danh Thoại (cựu đại tá, cựu Trưởng phòng xăng dầu Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) góp vốn 5 tỉ đồng để cùng nhóm của Hữu buôn lậu xăng từ nước ngoài đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Tính đến thời điểm bị phát hiện, ông Thoại cùng với nhóm của Hữu buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III với tổng giá trị gần 2.800 tỉ đồng, trong đó đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít. Hữu được hưởng lợi 105 tỉ đồng, ông Thoại hơn 22 tỉ đồng…

Ngoài ra để thực hiện việc buôn lậu xăng với số lượng lớn, trong thời gian dài mà không bị kiểm tra, bắt giữ, Hữu và đồng bọn thống nhất chi hối lộ cho nhiều cá nhân thuộc lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, cảnh sát giao thông…

Trong đó, 2 cựu Tư lệnh Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh lần lượt nhận hối lộ 6,9 tỉ đồng và 1,8 tỉ đồng; Nguyễn Thế Anh nhận 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng; Phạm Văn Trên nhận 1 tỉ đồng…

Riêng với Nguyễn Thế Anh, bị cáo này không trực tiếp nhận hối lộ mà thông qua em họ Nguyễn Văn An nhiều lần cầm tiền của Phan Thanh Hữu. Sau khi “ông trùm” bị bắt, Thế Anh chi tiền, hướng dẫn, nhờ người tổ chức cho An trốn ra nước ngoài.

Thanh Danh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI