Cứu sống trẻ sơ sinh phình mạch não bẩm sinh hiếm gặp

23/03/2022 - 22:52

PNO - Tối 23/3, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, nhờ được sàng lọc trước sinh, một trẻ sơ sinh 22 ngày tuổi có dị tật phình tĩnh mạch não được cứu sống kịp thời.

Thai phụ Trần Thị Nhi (29 tuổi, quê ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được sàng lọc trước sinh và phát hiện trẻ có dị tật phình tĩnh mạch não (hay còn gọi là tĩnh mạch Galen). Vào tuần thai thứ 36, thai phụ được chỉ định mổ lấy thai vì thai kém phát triển. Trẻ ra đời trong tình trạng thiểu dưỡng, nặng 1,8kg, suy hô hấp và hạ đường máu.

Hiện tại sức khỏe cháu bé tiến triển tốt
Hiện tại sức khỏe cháu bé tiến triển tốt

Ngay sau khi được sinh ra, trẻ sơ sinh được chụp MRI sọ não và chẩn đoán dò động tĩnh mạch Galen. Khoa Đột quỵ của Bệnh viện Trung ương Huế đã chỉ định chụp và nút dị dạng thông động tĩnh mạch não cho bệnh nhi. Êkip đột quỵ (Khoa Đột quỵ) đã can thiệp bằng kỹ thuật nút túi phình mạch não bằng vòng xoắn kim loại (coil) khi trẻ được 22 ngày tuổi. 

Thai phụ Trần Thị Nhi sung sướng khi con mình được cứu sống kịp thời
Thai phụ Trần Thị Nhi vui mừng khi con mình được cứu sống kịp thời

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Diễm Chi, phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, đây là một trường hợp dị dạng mạch máu não hiếm gặp có tỷ lệ 1/25.000 cuộc sinh. Nếu không được can thiệp sớm thì trẻ sẽ có nguy cơ cao bị rối loạn về thần kinh, suy tim và tỷ lệ tử vong cao lên đến 90%. Trường hợp dò động tĩnh mạch, phình tĩnh mạch Galen này được phát hiện sớm bằng sàng lọc trước sinh và được can thiệp nút mạch rất sớm, đạt thành công, lúc trẻ chỉ mới 3 tuần tuổi, giúp thay đổi hẳn tiên lượng cuộc sống của trẻ.

Các bác sĩ chụp hình kỷ niệm cùng chị mẹ con thai phụ Trần Thị Nhi
Các bác sĩ chụp hình kỷ niệm cùng mẹ con chị Trần Thị Nhi

Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Vũ Huỳnh, phó Trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Huế), can thiệp nút mạch thường được trì hoãn tới lúc bệnh nhân được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhi được can thiệp từ tuổi sơ sinh rất ít được thực hiện, ngay ở tại các trung tâm đột quỵ lớn trên thế giới bởi liên quan đến tay nghề, dụng cụ thích hợp và nguy cơ cao đi kèm thủ thuật. Hiện tại cháu bé đã thở được khí trời, bú mẹ tốt và được xuất viện sau can thiệp 5 ngày. 

Ê kíp can thiệp mạch não cho trẻ sơ sinh 22 ngày tuổi
Ê kíp can thiệp mạch não cho trẻ sơ sinh 22 ngày tuổi

Bệnh viện Trung ương Huế đã thành lập Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để tạo điều kiện phát hiện, can thiệp sớm bệnh, tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Bệnh dị tật tĩnh mạch Galen, một loại bệnh khá hiếm gặp trong đó não bị thiếu các mạch máu – các mao mạch, làm chậm lại quá trình tuần hoàn máu từ các động mạch áp suất cao đến các tĩnh mạch áp suất thấp. Nếu không có các mao mạch, máu sẽ chạy đến các tĩnh mạch này, làm cho chúng bị giãn rộng, cho phép máu đọng thành từng vũng không cần thiết. Dị tật tĩnh mạch Galen khiến 98% bệnh nhi chết yểu.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI