Cứu sống bệnh nhân có máu đục như sữa

14/10/2022 - 06:29

PNO - Tỷ lệ người bị máu nhiễm mỡ hiện nay rất cao nhưng người dân vẫn còn chủ quan, chưa nhìn nhận đúng mức độ hệ lụy của bệnh đối với sức khỏe.

Đến khám bệnh vì một nguyên nhân khác nhưng khi rút máu xét nghiệm thấy màu đục như sữa, bệnh nhân mới biết mình bị biến chứng do một căn bệnh mà rất nhiều người mắc phải.

Chung bệnh cảnh đau bụng, nôn ói

Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Khôi Nguyên - Khoa Nội tiết thận Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết vừa tiếp nhận một ca bệnh nghiêm trọng. Bệnh nhân tên là N.N.D., 33 tuổi, ngụ tại TP.Thủ Đức. Chị D. đến khám trong tình trạng đau bụng, nôn ói, khó thở.

Theo gia đình, chị D. bị đau bụng và ói hơn một ngày. Nghĩ chị bị rối loạn tiêu hóa, gia đình đã mua thuốc cho chị uống nhưng tình trạng không thuyên giảm mà còn nặng hơn. Sau khi ói xong, thấy vẫn còn đau bụng rất nhiều, chị D. mong muốn được bác sĩ kiểm tra xem có phải mình bị nhiễm trùng tiêu hóa hay không.

Máu của bệnh nhân D. khi rút ra để làm xét nghiệm có màu đục như sữa - ẢNH: Đ.N.
Máu của bệnh nhân D. khi rút ra để làm xét nghiệm có màu đục như sữa - Ảnh: Đ.N.

Sau khi thăm khám, bác sĩ Nguyên đã chỉ định cho bệnh nhân làm xét nghiệm máu và chụp CT - Scan ổ bụng. Điều khiến cả người bệnh lẫn nhân viên phòng xét nghiệm bất ngờ là máu của chị D. khi được rút ra không có màu đỏ như bình thường mà có màu đục như sữa. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số triglycerid tăng cao.

“Ở người bình thường, chỉ số này chỉ từ 150-200, còn của bệnh nhân D. tận 14.000, cao gấp 70 lần”, bác sĩ Nguyên nói. Vì chỉ số triglycerid ngất ngưởng như vậy đã khiến máu của bệnh nhân chuyển màu đục như sữa. Kết quả chụp phim và những xét nghiệm khác xác định chị D. bị viêm tụy cấp, suy thận và tổn thương tế bào gan. Bệnh nhân đau bụng là do máu nhiễm mỡ gây biến chứng viêm tụy cấp chứ không phải rối loạn tiêu hóa.

Ngay lập tức, bệnh nhân được nhập viện, tiến hành hồi sức tích cực. Để cứu sống chị D., ngoài phác đồ điều trị thông thường, các bác sĩ còn phải áp dụng phương pháp thay huyết tương. Tuy nhiên, quá trình thay huyết tương gặp nhiều khó khăn do máu của bệnh nhân nhiễm mỡ quá nặng, không thể chảy qua được màng lọc. Vì vậy, trước khi thay huyết tương, bệnh nhân cần trải qua bước lọc hấp thụ để loại bỏ bớt chất triglycerid trong máu. Tới nay, sau hai tuần, sức khỏe của chị D. đã ổn định, qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Nguyên nhận định, chị D. là trường hợp máu nhiễm mỡ với chỉ số triglycerid cao nhất từ trước tới nay được ông ghi nhận. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do chị D. bị đái tháo đường, tiền sử máu nhiễm mỡ nhưng lại không tái khám để kiểm soát bệnh.

Tháng trước, bác sĩ Nguyên cũng tiếp nhận một ca máu nhiễm mỡ gây biến chứng viêm tụy cấp nghiêm trọng không kém. Bệnh nhân là ông Đ.T.Đ., 45 tuổi, cũng chung một bệnh cảnh đau bụng, nôn ói dữ dội nên mới đi khám. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số triglycerid của ông Đ. là 13.000. Bệnh nhân đã được thay huyết tương kịp thời nên chưa nguy hiểm đến tính mạng.

50% bệnh nhân khám nội tiết bị máu nhiễm mỡ 

Bác sĩ Nguyên cho biết tỷ lệ người bị máu nhiễm mỡ hiện nay rất cao nhưng người dân vẫn còn chủ quan, chưa nhìn nhận đúng mức độ hệ lụy của bệnh đối với sức khỏe. Trung bình mỗi ngày, bác sĩ Nguyên khám từ 140-180 ca liên quan tới các bệnh lý nội tiết thì phát hiện 50% số ca bị máu nhiễm mỡ.

Những người có nguy cơ cao bị máu nhiễm mỡ là các trường hợp mắc bệnh lý mạn tính như huyết áp, tiểu đường, tim mạch, thừa cân - béo phì. Bên cạnh đó, các thói quen không lành mạnh như sử dụng bia rượu, ăn thức ăn chứa quá nhiều dầu mỡ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh máu nhiễm mỡ. 

Ngoài ra, đa số mọi người hiểu chưa đúng về máu nhiễm mỡ, chỉ nghĩ rằng mỡ máu liên quan tới cholesterol. Mỡ máu có nhiều thành phần. Bốn thành phần thường được xét nghiệm là cholesterol, triglycerid, HDL - cholesterol (mỡ tốt), LDL - cholesterol (mỡ xấu). Nếu thành phần triglycerid tăng cao sẽ gây viêm tụy, còn LDL - cholesterol tăng cao thì dẫn tới các bệnh lý tim mạch, xơ vữa mạch máu, tai biến mạch máu não, đột quỵ. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, bệnh máu nhiễm mỡ diễn tiến rất âm thầm, chưa có triệu chứng gì cụ thể. Đến khi bệnh nhân cảm thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì bệnh đã gây biến chứng nguy hiểm.

Chính vì vậy, để tránh được bệnh máu nhiễm mỡ, cách tốt nhất là phòng ngừa và kiểm soát tốt các chỉ số mỡ trong máu. Cần duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, không uống rượu bia quá độ. Cần đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh lý nền mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường - những yếu tố làm khởi phát bệnh máu nhiễm mỡ. Bên cạnh đó, nhờ kiểm tra sức khỏe chủ động sẽ phát hiện chỉ số mỡ máu bất thường (nếu có), từ đó can thiệp và kiểm soát kịp thời. Người có tiền sử máu nhiễm mỡ thì cần tái khám đúng lịch để được bác sĩ theo dõi và điều chỉnh thuốc phù hợp.

Thông thường, khi lớn tuổi, quá trình chuyển hóa lipid máu bị rối loạn mới dẫn tới tình trạng máu nhiễm mỡ. Tuy nhiên, ngày nay, do cường độ học tập, làm việc quá gấp gáp dẫn tới mọi người có xu hướng ăn nhiều thức ăn nhanh (chứa dầu mỡ) khiến tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng cao. Điều này đã tác động làm bệnh máu nhiễm mỡ ngày càng trẻ hóa. Tại Việt Nam, người bị máu nhiễm mỡ đa số ở độ tuổi từ 35-44, khoảng 20% trẻ thừa cân, béo phì có dấu hiệu ban đầu của mỡ máu tăng cao. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI