Cứu sống bệnh nhân bị kéo đâm xuyên cổ nguy kịch

21/02/2024 - 14:12

PNO - Ngày 21/2, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, nơi đây vừa phẫu thuật thành công, lấy dị vật là chiếc kéo dài 24cm đâm xuyên cổ một bệnh nhân sâu khoảng 10cm.

Bệnh nhân nam L.V.H. (sinh năm 1980, ngụ tỉnh Sóc Trăng) được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng vết thương vùng hõm ức còn dị vật là chiếc kéo kim loại dài 24

cm, vết thương thấu bụng 2cm. Tiền sử hai mắt của bệnh nhân không còn thị lực khoảng 10 năm. Các bác sĩ nhanh chóng thăm khám, kiểm tra các khâu cần thiết. Kết quả X-quang và chụp cắt lớp vi tính ghi nhận dị vật kim loại xuyên giữa cột sống ngực D1. Ngay lập tức bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật và thám sát vết thương tủy sống.

Hình ảnh chiếc kéo đâm xuyên cổ bệnh nhân
Hình ảnh chiếc kéo đâm xuyên cổ bệnh nhân

Các bác sĩ nội soi thực quản bằng ống nội soi thấy không có tổn thương dọc theo ống thực quản qua vị trí kéo đâm xuyên từ trước vào thân sống ngực 1. Ê kíp chuyên khoa chấn thương chỉnh hình tiến hành bóc tách, thấy đầu kéo nằm sát động mạch cảnh bên trái đâm xuyên vào giữa thân đốt sống ngực 1 đến màng cứng, tổn thương màng cứng, rỉ ít dịch não tủy, xử lý tổn thương dưới kính hiển vi.

Các bác sĩ đã thực hiện vi phẫu thuật kéo dài 2g30 phút. Tiếp theo, ê kíp khoa Ngoại Tổng hợp thực hiện phẫu thuật mở bụng kiểm tra các cơ quan không tổn thương, lau rửa ổ bụng. Sau mổ, tình trạng bệnh nhân ổn định được chuyển hậu phẫu theo dõi và chăm sóc ngoại khoa.

Chiếc kéo được lấy ra ngoài sau khi phẫu thuật thành công
Chiếc kéo được lấy ra ngoài sau khi phẫu thuật thành công

Hiện, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, không sốt, không yếu liệt chi, đang được điều trị và chăm sóc tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ).

BS CKII Huỳnh Thống Em - Giám đốc Trung Tâm Chấn thương chỉnh hình cho hay: “Vùng cổ là nơi tập trung các bộ phận quan trọng như mạch máu lớn, đường thở… nên tổn thương ở vùng này có thể gây tử vong nhanh chóng, nếu không được xử trí kịp thời. Đối với bệnh nhân H. là ca phẫu thuật khó, do dị vật găm sâu, len lỏi vào vị trí nguy hiểm vùng cột sống cổ, khe khớp, gần các thực quản, khí quản, động mạch cảnh. May mắn cho bệnh nhân này khi dị vật đã không xuyên qua các cơ quan quan trọng ở gần đó như mạch máu, khí quản, thực quản…”.

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân

Các bác sĩ lưu ý không được tùy tiện rút vật xuyên thấu ra khỏi vết thương tại hiện trường hoặc ngay cả trong phòng cấp cứu, mà cần được đánh giá bằng các công cụ chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X quang, chụp cắt lớp vi tính trước để lường được mức độ tổn thương và các nguy cơ tai biến có thể xảy ra khi rút vật xuyên thấu; chỉ thực hiện lấy dị vật tại phòng mổ.

 

  Huỳnh Trọng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI