Cứu sống bé sinh non, mừng nhưng lo

27/09/2018 - 06:00

PNO - Cứu được ca sinh non, gia đình bệnh nhân vui mừng, nhưng các bác sĩ lại lo lắng cho tương lai của đứa bé, bởi các biến chứng mà bé có thể phải đối diện suốt đời.

Cứu ca sinh non thiếu tháng, nhẹ cân nhất

Ngày 21/9, trường hợp sinh non nhỏ tháng và nhẹ cân nhất được phép xuất viện, xác lập kỷ lục cho Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM. Bệnh nhi là bé gái, con bà Đ.T.N.H., ngụ tại H.Củ Chi 

(TP.HCM), chào đời ngày 7/5/2018 khi chỉ mới ở tuần thai thứ 24, nặng 500g do mẹ bị hở eo tử cung. Bé là ca nhẹ cân, thiếu tháng nhất từ trước tới nay, khi lọt lòng mẹ bị suy hô hấp nghiêm trọng, lập tức được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM. Tất cả các chức năng của bé đều chưa hoàn chỉnh. Cụ thể, sự phân chia tế bào phổi bị hạn chế, tuần hoàn bào thai vẫn còn (ống nối động mạch chủ với động mạch phổi còn tồn tại nên nguy cơ suy tim khá cao). 

“Với bé sinh non ở tuổi thai nhỏ thế này, tổn thương về não, thần kinh là khó tránh khỏi, cần theo dõi lâu dài. Tình trạng suy hô hấp của bệnh nhi đã được khống chế, nhưng phải theo dõi bệnh phổi mạn tính. Bé rất dễ bị viêm phổi, xơ hóa phổi nếu mắc các bệnh lý viêm hô hấp thông thường”, bác sĩ Nguyễn Kiến Mậu - Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - cho biết. 

Cuu song be sinh non, mung nhung lo
Bác sĩ Nguyễn Kiến Mậu đang khám cho bé trai sinh non 29 tuần tuổi nặng 1kg

Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cũng thông báo về một trường hợp sinh non được cứu sống là bé gái N.T.B., sinh ngày 4/7/2018, sinh ở tuần thai 30, từ Bệnh viện Kiên Giang chuyển lên do bị nhiễm trùng sơ sinh, tắc mạch, hoại tử. Dù các bác sĩ đã giành lại được tính mạng nhưng vẫn đành phải cắt bỏ hai ngón tay của bé.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng bảo tồn, cắt lọc để chỉ loại bỏ hai ngón tay. Nếu chần chừ có thể em bé sẽ tử vong. Bệnh nhi không chỉ bị tắc mạch, hoại tử mà còn viêm màng não mủ, suy hô hấp”.

Cứu sống được một trường hợp sinh non là niềm vui của bác sĩ, hạnh phúc của gia đình. Nhưng sau đó là sự lo lắng, ái ngại cho tương lai của đứa bé. Cứu sống được một bé sinh non chưa gọi là thành công, bởi những vấn đề diễn tiến sau đó chưa ai dám chắc chắn điều gì cả. Theo bác sĩ Mậu, các bác sĩ sơ sinh thấp thỏm chờ đợi mỗi lần bệnh nhi sinh non tái khám, chỉ cầu mong các bé đừng gặp 
biến chứng. 

Tỷ lệ trẻ sinh non không biến chuyển

Khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM mỗi năm tiếp nhận khoảng 500 trường hợp sinh non có cân nặng dưới 1,5kg, 100 ca sinh non có cân nặng dưới 1kg. Tỷ lệ tử vong của những bé này chỉ từ 1-2% nhưng tỷ lệ cần theo dõi bệnh lý võng mạc chiếm 20%, 10% cần can thiệp bệnh lý võng mạc. Số liệu thống kê về trẻ sinh non bị biến chứng sau khi được cứu sống chưa đầy đủ, bởi nhiều bé không quay lại bệnh viện tái khám. 

So sánh số liệu trẻ sinh non nhập khoa, bác sĩ Mậu đánh giá trong vòng vài năm qua không có gì thay đổi. Chẳng hạn năm 2016, khoa tiếp nhận 1.500 ca sinh non/7.000 ca nhập viện thì năm 2017 cũng khoảng 1.500 ca sinh non/6.544 ca nhập viện. Đa số nguyên nhân được ghi nhận ở các bé sinh non này đều có thể phòng ngừa và ngăn chặn được nhưng lại không được thai phụ phát hiện và đi khám để can thiệp kịp thời.

Nguyên nhân gây sinh non rất nhiều, nhưng những nguyên nhân có thể phòng tránh và can thiệp là: lần mang thai gần nhau quá, đa thai, mẹ mắc bệnh mạn tính (tiểu đường, huyết áp), mẹ suy dinh dưỡng trong quá trình mang thai hoặc mắc các bệnh lý nhiễm trùng (nhiễm trùng tiểu, viêm nhiễm phụ khoa nặng), té ngã, hở eo tử cung… Để phòng tránh sinh non, thai phụ cần tuân thủ khám thai định kỳ, điều trị dứt điểm các bệnh lý nhiễm trùng, chế độ dinh dưỡng hợp lý, cẩn trọng trong vận động đi lại. Ngoài ra, với từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ có chỉ định thích hợp. 

Khi xuất hiện dấu hiệu dọa sinh non, các bác sĩ sẽ làm gì để giúp cho thai phụ là câu hỏi được rất nhiều phụ nữ mang thai quan tâm. Các bệnh viện sản sẽ cho thai phụ nhập viện để theo dõi, một trong các giải pháp là: chích corticoid để kích thích trưởng thành phổi cho thai nhi, dùng thuốc giảm co bóp tử cung nhằm hạn chế sự chuyển dạ…

Tuy nhiên, không phải trường hợp sinh non nào cũng may mắn cứu được, hoặc cứu được nhưng có thể phải gánh chịu các biến chứng. Biến chứng sớm ở trẻ sinh non là: suy hô hấp, nhiễm trùng, vàng da… Biến chứng muộn phải kể tới là bệnh lý võng mạc, thính lực, tâm thần vận động… 

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI