Khám phá kỳ diệu của thế kỷ XX
Phạm Việt Nước, 40 tuổi, bây giờ đã là thành viên cốt cán của Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên - Huế. Nước ở huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế. Nhà anh nằm tựa lưng vào dãy Trường Sơn. Thuở nhỏ, anh vẫn theo chân cha đi rừng, từng nghe chuyện người dân nhìn thấy con vật “giống sao la”.
“Cặp sừng dài, có những chấm trắng hai bên má”, Nước miêu tả lại. Sau này, khi công tác ở khu bảo tồn, tiếp xúc với nhiều hình ảnh về sao la, anh nghĩ: “Những thứ mà lúc xưa bố hay kể, người dân truyền miệng có thể đúng là của con vật này”.
|
Một chiếc đầu sao la được treo trong nhà dân ở Quảng Nam - Nguồn ảnh: Khu Bảo tồn sao la Quảng Nam |
Sao la có tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis, là một trong các loài thú quý hiếm nhất trên thế giới hiện đang sống tại những cánh rừng tự nhiên của dãy Trường Sơn. Loài này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992, trong Vườn quốc gia Vũ Quang. Việc phát hiện đã làm chấn động cả giới bảo tồn trên toàn thế giới bởi trong vòng 100 năm trước đó, chỉ có năm loài thú lớn được tìm thấy.
Sống sót qua vô vàn mối đe dọa từ thời cổ đại nhưng giờ đây, sao la đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Trong một công bố vào năm 2012 của giới khoa học, có thể chỉ còn chưa đến 50 cá thể sao la ngoài tự nhiên. Việc phát hiện ra loài này được xem là một trong những khám phá động vật kỳ diệu nhất thế kỷ XX.
Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam, từng nhấn mạnh: “Sao la tượng trưng cho tất cả những điều quan trọng hiện đang bị đe dọa. Nếu có thể cứu sao la, chúng ta sẽ cứu được cảnh quan rừng, đa dạng sinh học và những lợi ích hệ sinh thái mang lại, ví dụ như nguồn nước ngọt chúng ta đang phải phụ thuộc vào”.
Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện nhiều cuộc khảo sát về sao la từ năm 1996-1997. Kết quả cho thấy loài này vẫn còn tồn tại ở 19/40 xã thuộc năm huyện: A Lưới, Nam Đông, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền và nhiều mẫu vật của loài này đã được thu thập.
Năm 1998, hai cá thể sao la khác cũng được phát hiện và công bố tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đánh dấu mốc quan trọng đối với sự phân bố của loài thú này trên bản đồ đa dạng sinh học của tỉnh.
|
Trong vòng 5 năm, hàng ngàn chiếc bẫy như thế này được đội tuần tra bảo vệ rừng Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên - Huế phá gỡ - Ảnh: Nhật Linh |
Sao la được xếp hạng ở mức “cực kỳ nguy cấp” trong Sách đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN). Đây là bước cuối cùng trước mức tuyệt chủng. Ý nghĩa của việc tìm ra và bảo tồn được loài này, như ông Văn Ngọc Thịnh từng nói, là “cuộc chiến nhằm cứu lấy thiên nhiên, các lợi ích sinh thái, sinh kế cộng đồng và tất cả những gì mà loài sao la đại diện”.
Giữ lại dấu chân sao la
15 năm sau ngày thống kê được mật độ phân bố, Thừa Thiên - Huế quyết định thành lập Khu bảo tồn Sao La với diện tích hơn 15.000ha. Diện tích này có thể sẽ được mở rộng, tạo thành vùng liên kết giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Vườn quốc gia Bạch Mã và các khu vực lân cận giữa Quảng Nam và nước bạn Lào.
Một tháng 22 ngày, Phạm Việt Nước vẫn cần mẫn cùng anh em trong đội mang vác gạo, thức ăn, lều bạt vào rừng đặt bẫy ảnh hoặc phá gỡ bẫy săn nhằm bảo vệ sao la và các loài thú khác.
“Điểm xa nhất trong rừng mà chúng tôi đến để dựng lán cũng trên 20km. Từ đó sẽ bắt đầu hành trình tuần tra, gỡ bẫy, thu thập các dấu tích” - Nước nói về công việc thường nhật của mình khi vào rừng. Anh xin vào công tác ở khu bảo tồn cũng một phần do tò mò về loài vật này. Giới bảo tồn nói sao la được xem là “linh hồn của Trường Sơn” hay “kỳ lân châu Á”. Người bản địa không dùng những cái tên đầy văn vẻ đó mà gọi là “a ngao”.
Hơn mười năm ở khu bảo tồn, những gì khó khăn, nguy hiểm nhất, anh Nước đều từng trải: lũ quét, mưa rừng ngoài dự báo, cây gãy đè sập lán giữa đêm, những cuộc giải cứu đồng nghiệp gặp nạn trong rừng… “Đi theo một con vật có quá nhiều điều hay ho, bí mật cũng là điều thúc giục mình bám nghề. Hy vọng sẽ có một ngày tôi thấy lại được sao la ngoài đời thực” - Phạm Việt Nước mong mỏi.
|
Đội tuần tra bảo vệ rừng thuộc biên chế Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Nhật Linh |
Một sáng tháng 11, khi những cánh rừng vẫn còn ướt đẫm sương, mây núi phủ khắp đỉnh, Nước và anh em lại đi tuần rừng. Anh kéo khóa áo kín cổ, mang thêm tất dài, vác ba-lô lên đường. Mỗi tháng chỉ ở nhà tám ngày, đi mãi rồi cũng thành quen. Các cánh rừng đã in hằn dấu chân của đội nhưng họ vẫn chưa có cơ duyên gặp được sao la.
Một ngày cuối tháng 5/1998, từ thông tin người dân cung cấp, một con sao la với kích thước khá lớn bị mắc bẫy ở khu vực xã Hương Nguyên, huyện A Lưới. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng lập đoàn tiến vào rừng sâu giải thoát cho con vật trước khi thông tin đến được tai các thợ săn.
Trong phạm vi khu bảo tồn, những thành viên như Phạm Việt Nước sẽ tuần tra, đặt bẫy ảnh và truy tìm các dấu tích khả nghi về sao la; lấy mẫu máu từ con vắt/sên, mẫu phân để gởi nhờ các chuyên gia nước ngoài phân tích. Đây là một trong những cách cùng với đặt bẫy ảnh để tìm tung tích loài vật huyền bí này.
Ngay từ cổng vào khu bảo tồn, nhiều bức tượng sao la được đúc, dựng trong khuôn viên. Những việc làm cụ thể nhất để tuyên truyền, nhận diện về sao la đều được thực hiện nhằm kêu gọi sự chung tay của mọi người trong việc bảo tồn. SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam cũng lấy sao la làm linh vật.
|
Hình ảnh sao la được ghi nhận - Nguồn ảnh: Toon Fey/WWF |
Ngày 9/7, nhân ngày Quốc tế sao la, Google phối hợp với WWF Việt Nam khởi động chiến dịch “Giữ lại dấu chân sao la”. Đây là loài động vật quý hiếm đầu tiên ở Việt Nam được Google số hóa với mô hình AR 3D. Năm 2016, dự án “Cứu sao la - đứa em cùng đất mẹ” cũng được khởi động với hy vọng có thêm nhiều thông tin hữu ích của sao la.
Thông qua một chiếc bẫy ảnh được đặt ở rừng thuộc Khu bảo tồn sao la Quảng Nam, hình ảnh về loài này được ghi nhận trong năm 2013. Đến nay, vẫn chưa có thêm thông tin nào về sao la được ghi nhận ở các cánh rừng dọc Trường Sơn. Nhân giống sao la là hành động tiếp theo để chạy đua trong việc bảo tồn loài vật này. Vườn quốc gia Bạch Mã được chọn làm trung tâm nhân giống sao la đầu tiên trên thế giới. “Không còn nhiều thời gian cho sao la nữa” - ông William Robichaud, điều phối viên nhóm các nhà nghiên cứu sao la thuộc IUCN, nói.
Nguyễn Đắc Thành