Cựu lãnh đạo SCB tiếp tục khai về vai trò của bà Trương Mỹ Lan tại SCB

12/03/2024 - 14:49

PNO - Sau phần xét hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX) và đại diện Viện kiểm sát (VKS), các luật sư bắt đầu hỏi các thân chủ, bị cáo và những người liên quan.

Sáng 12/3, luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan, xác nhận lại thông tin từ một số bị cáo là cựu lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã khai về ảnh hưởng của bà Trương Mỹ Lan tại SCB.

Luật sư Phan Trung Hoài (bìa trái) bắt đầu
Luật sư Phan Trung Hoài (bìa trái) đặt nhiều câu hỏi cho các cựu lãnh đạo SCB

Ông Bùi Anh Dũng - cựu Chủ tịch HĐQT SCB - cho biết, bà Lan có xuất hiện trong cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc tái cơ cấu SCB.

“Theo cách hiểu của ông, tại sao bà Trương Mỹ Lan được NHNN mời họp và với vai trò gì?” - luật sư Phan Trung Hoài hỏi.

“Có thể NHNN biết chủ thực sự của SCB là bà Lan nên mới mời làm việc” - ông Bùi Anh Dũng nói.

Ông Bùi Anh Dũng tại tòa.
Ông Bùi Anh Dũng tại tòa

“Ông thấy việc NHNN coi SCB là của bà Trương Mỹ Lan thì có đúng quy định không? Là chủ tịch HĐQT thì ông có vai trò gì?” - luật sư Phan Trung Hoài hỏi.

“Tôi xuất thân là nhân viên SCB, lúc nào cũng nghĩ mình là người làm thuê cho SCB. Việc kinh doanh, nhân sự đều xin ý kiến bà Trương Mỹ Lan” - ông Dũng trả lời.

Trả lời câu hỏi của luật sư về việc đã ký đơn kêu cứu khẩn cấp về thực trạng của SCB gửi NHNN vào ngày 28/7/2021, ông Bùi Anh Dũng nói mình không nhớ rõ việc này.

Bà Trần Thị Mỹ Dung
Bà Trần Thị Mỹ Dung tại tòa

Bà Trần Thị Mỹ Dung - cựu Phó tổng giám đốc SCB - khẳng định: “Về bản chất, được chị Lan bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc SCB. Nhưng trên hồ sơ là HĐQT đề xuất”. Bà Dung cũng cho biết, có biết việc bà Trương Mỹ Lan đưa các tài sản như Time Square, Windsor, Chợ Vải, Royal Garden… vào để tái cơ cấu các khoản nợ của SCB trong giai đoạn đầu. “Nhưng từ năm 2021 đến nay thì tôi không thấy chị Lan làm việc này nữa” - bà Dung nói.

Bà Dung cũng trình bày thêm về các khoản vay, các tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại SCB. Trong đó, dự án Mũi Đèn Đỏ (quận 7) tuy chưa có chủ trương đầu tư nhưng nói dự án này không có giá trị là không đúng vì thực tế đã có đầu tư một số hạng mục. Nếu Luật Đầu tư không thay đổi (2014), thẩm quyền xét duyệt dự án vẫn thuộc về TPHCM thay vì chuyển lên chính phủ thì đã không kéo dài đến giờ.

Về các khoản vay của nhóm Công ty Dầu khí Đông Phương (35 công  ty), bà Dung cho biết, nhóm này cũng như nhóm của ông Nguyễn Phương Anh, về hồ sơ thì không sai nhưng bản chất lại sai. Phần giải ngân nhóm vay này được bà Trương Mỹ Lan và ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch HĐQT công ty Dầu khí Phương Đông - sử dụng. “Trong cáo trạng chỉ ghi số tiền giải ngân cho nhóm Đông Phương khoảng hơn 1.700 tỉ đồng nhưng thực tế công nợ nhiều hơn (khoảng 4.000 - 5.000 tỉ đồng). Ngoài 35 công ty trong nhóm, còn thêm vài công ty liên quan kinh doanh xăng dầu” - bà Dung khai.

Bà Dung cũng nói mình chỉ là người giải ngân, còn xử lý dòng tiền phía sau thì không theo dõi tiếp. “Đây là sai lầm của bị cáo” - bà Dung tự nhận.

Liên quan đến vấn đề thẩm định giá, luật sư hỏi: “Có thông tin, tài liệu nào chứng minh được bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo nâng khống giá trị tài sản bảo đảm?”. Bà Dung khẳng định: “Bị cáo được chị Lan chỉ đạo. Riêng dự án Mũi Đèn Đỏ thì cứ điều tra, bị cáo không liên hệ mà chắc chắn nhân viên của Vạn Thịnh Phát liên hệ công ty thẩm định giá”. Nói thêm về dự án Mũi Đèn Đỏ, bà Dung cho biết, ban đầu, bà Trương Mỹ Lan yêu cầu giá thẩm định là 200.000 tỉ đồng nhưng các công ty quen đều không thực hiện được. Nhóm của bà Lan đã tự liên hệ tìm công ty thẩm định giá, dù không được như mong muốn ban đầu nhưng kết quả cũng khá cao.

Ông Trương Khánh Hoàng tại tòa.
Ông Trương Khánh Hoàng tại tòa

“Tại sao anh cho rằng mặc dù bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ gì nhưng tầm ảnh hưởng trong SCB lại rất lớn” - luật sư hỏi ông Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng giám đốc SCB. Ông Trương Khánh Hoàng nói rằng như các bị cáo khác đã khai và chính bà Trương Mỹ Lan cũng công nhận thì bà Lan như “người đỡ đầu” của SCB.

Về việc thành lập thêm 3 trung tâm kinh doanh có chức năng cho vay trực thuộc hội sở SCB, ông Trương Khánh Hoàng cho biết, thời điểm siết chặt tín dụng, phần lớn nhóm vay của bà Trương Mỹ Lan bị đình lại. Bà Lan đã họp với lãnh đạo SCB và yêu cầu giải pháp khắc phục vấn đề này. Sau đó, có phương án thành lập 3 trung tâm trực tiếp phục vụ giải ngân cho các khoản vay của bà Lan.

“Có bằng chứng nào không? - luật sư hỏi. “Bà Lan không chỉ đạo trực tiếp mà có trao đổi với lãnh đạo SCB về giải pháp ứng phó với việc thắt chặt tín dụng ngân hàng” - ông Hoàng nói.

Đảm nhận nhiệm vụ ngay sau khi SCB được hợp nhất từ 3 ngân hàng, ông Uông Văn Ngọc Ẩn - nguyên Tổng giám đốc, nguyên Phó chủ tịch HĐQT SCB - cho biết, có biết bà Trương Mỹ Lan là cổ đông lớn của SCB nhưng không biết tỉ lệ là bao nhiêu. Bản thân ông nhận chỉ đạo từ bà Nguyễn Thị Thu Sương - cựu Chủ tịch HĐQT SCB - không chịu ảnh hưởng từ bà Trương Mỹ Lan.

Tuyết Hoa Bích

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI