PNO - Cựu Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giáo sư về sức khỏe toàn cầu Anthony Costello vừa nêu quan điểm về tình trạng các nước giàu trữ vắc xin khiến nước nghèo thiếu hụt. Theo ông, các hành động này cần phải được mang ra tòa án quốc tế.
Người dân xếp hàng để chích vắc xin COVID-19 ở Narok, Kenya - Ảnh: Reuters
Hôm 14/12, tờ Guardian đã đăng bài viết của ông Anthony Costello - Giáo sư về Sức khỏe Trẻ em Quốc tế và Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học College London, Anh - về tình trạng bất bình đẳng vắc xin. Ông bày tỏ sự bất bình khi nước nghèo đang thiếu hụt trong khi các nước giàu có tích trữ khiến cho tình trạng đại dịch kéo dài.
Mở đầu bài viết, ông Costello cảnh báo nếu tình trạng mất cân đối vắc xin vẫn tiếp tục diễn ra thì toàn cầu sẽ có thêm hàng triệu người chết. "Sẽ có nhiều người chết vì COVID-19 trong năm tới, và hầu hết sẽ không được tiêm chủng. Các loại vắc xin có thể cứu sống hàng triệu người nhưng không đến được với những người nghèo trên thế giới. Hãy nhìn vào tỷ lệ người được tiêm chủng đầy đủ hiện nay sẽ thấy: Ở các nước có thu nhập cao (69%), thu nhập trung bình (68%), thu nhập thấp (30%) và nước nghèo (3,5%).
Vương quốc Anh, Canada, Đức và các quốc gia EU khác đã ủng hộ một chính sách "có chủ ý" để ngăn chặn vắc xin đến các nước nghèo nhất trên thế giới, và bảo vệ một hệ thống kinh tế vô luân và trái đạo đức, nơi đặt các bằng sáng chế dược phẩm lớn trước hàng triệu sinh mạng. Trong bối cảnh này, lựa chọn duy nhất còn lại là đặt ra câu hỏi liệu các quốc gia tạo điều kiện cho việc này có thể bị truy tố trước tòa án hình sự quốc tế, với lý do tội ác chống lại loài người hay không?", ông Anthony Costello viết.
Để dẫn chứng tác động của việc làm này, cựu Giám đốc sức khỏe của WHO đưa số liệu thống kê chính thức về số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu là 5,2 triệu, nhưng theo ông thực tế có thể cao hơn nhiều thậm chí là có thể ở mức 20 triệu. Ví dụ như ở Ấn Độ, các phân tích số liệu cho thấy tỷ lệ tử vong thực tế cao hơn 10 lần so với con số chính thức là hơn 400.000. Trong khi đó, một nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng hơn 1,5 triệu trẻ em đã bị mồ côi vì đại dịch.
"Nhưng điều tồi tệ nhất là, một năm sau khi phát hiện ra nhiều loại vắc xin hiệu quả, chúng ta vẫn phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc. Các vắc xin được bảo hộ bằng sáng chế được một số công ty dược phẩm bán với lợi nhuận lớn cho các nước giàu có. Giá vắc xin toàn cầu dao động từ 2 USD ( AstraZeneca) đến 37 USD mỗi liều (vắc xin mRNA như Pfizer / BioNTech và Moderna). Từ tháng 1/2020 đến tháng 12 năm nay, vốn hóa thị trường của Moderna đã tăng từ 6,9 tỷ USD lên 134 tỷ USD; Pfizer từ 206 tỷ lên 314 tỷ; và BioNTech từ 6,6 tỷ USD lên 84 tỷ USD.
Rõ ràng là những nỗ lực hiện có để phân phối vắc xin cho các nước nghèo hơn đã không có kết quả. Cam kết COVAX được Liên minh vắc xin Toàn cầu với WHO được thiết lập vào tháng 9/2020 nhằm đẩy nhanh việc phát triển và sản xuất vắc xin COVID-19, cũng như chẩn đoán và điều trị, đồng thời đảm bảo nhanh chóng, quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng của mọi người ở tất cả các quốc gia. Do đó, COVAX sẽ tài trợ số vắc xin được đảm bảo từ các nhà sản xuất để cung cấp cho các nước có thu nhập thấp và trung bình nhưng đến nay vẫn chưa đạt được", giáo sư người Anh viết tiếp.
Mục tiêu của chương trình COVAX là cung cấp 2 tỷ liều vào cuối tháng này nhưng vào ngày 5/12, hơn một năm kể từ khi ra mắt, chương trình COVAX chỉ vận chuyển được 669 triệu liều đến 144 quốc gia, trong đó chỉ có 250 triệu liều được tặng cho 95 quốc gia nghèo nhất trên thế giới. "Không chỉ đi chệch hướng, hàng triệu liều vắc xin được tặng cho các nước châu Phi đã hết hạn sử dụng và đã bị gửi trả lại hoặc bị tiêu hủy.
Vào tháng 4/2021, WHO đã thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ vắc xin COVID-19 mRNA để cố gắng tăng tốc sản xuất toàn cầu. Nhưng cả ba nhà sản xuất vắc xin mRNA đều từ chối tham gia. Nếu chúng ta muốn thế giới được tiêm ba liều, thì cần phân phối ít nhất 20 tỷ liều. Trong khi vắc xin của Pfizer/BioNTech, có yêu cầu bảo quản cực lạnh, gây khó khăn cho việc phân phối ở các nước có thu nhập thấp", ông Anthony Costello nêu thêm tình trạng khó khăn tiếp cận vắc xin ở các nước nghèo.
Ông bức xúc cho rằng thế giới sẽ khó có thể làm gì khi những lợi ích tài chính khổng lồ bị đặt trước sự sống còn của hàng triệu người. "Đã có một vài giải pháp. Một là sự từ bỏ bằng sáng chế nhưng Đức, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh đã chặn động thái này để bảo vệ các hãng dược phẩm lớn. Thậm chí ngay cả tỷ phú Bill Gates, một nhà tài trợ lớn cho COVAX, cũng bảo vệ quyền bằng sáng chế.
Một lựa chọn khác, được tiến sĩ Peter Singer, cố vấn cấp cao của Tổng giám đốc WHO, đưa ra là kêu gọi lòng trắc ẩn, các giá trị đạo đức từ các thành viên hội đồng quản trị các hãng dược phẩm lớn và các nhà đầu tư... Nhưng có rất ít tiền lệ", giáo sư Costello bày tỏ quan điểm.
Cuối cùng, ông Anthony Costello cho rằng còn một con đường hiệu quả hơn để chống lại các nước ngăn chặn chia sẻ bằng sáng chế là đưa ra tòa án quốc tế vì hành động này phá vỡ công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, vốn yêu cầu các quốc gia "phải chống lại bệnh tật và suy dinh dưỡng… thông qua ứng dụng công nghệ sẵn có", cũng như đặc biệt chú ý đến "nhu cầu của các nước đang phát triển". Ngoài ra, hành động ngăn chặn trên cũng vi phạm các nguyên tắc hướng dẫn về kinh doanh được Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua...
"Các luật sư quốc tế nên cân nhắc lựa chọn này và nên hành động nhanh chóng. Chúng ta không thể để thảm cảnh chết chóc này kéo dài. Chúng ta có thể thấy thêm 12 triệu người chết trong năm tới. Mọi người trên khắp thế giới muốn công lý. Họ nên có quyền tiếp cận vắc xin, bất cứ ai cản đường cứu người dưới danh nghĩa tư lợi đều phải chịu trách nhiệm", ông Anthony Costello kết thúc.
Chính quyền địa phương cho biết, ít nhất 38 người đã thiệt mạng sau tai nạn giao thông "thảm khốc" giữa xe buýt và xe tải ở bang Minas Gerais của Brazil.