Cứu được 38 người sau khi triển khai tăng mức phạt vi phạm giao thông

16/01/2020 - 20:57

PNO - Sau 2 tuần tiến hành ra quân triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí, số người chết giảm so với cùng kỳ năm trước.

Đó là thông tin được Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT trả lời trong cuộc họp báo thông tin về việc triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP, do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức chiều nay (16/1). 

Theo ông Đức, từ ngày 1/1 đến 15/1, đã có 322 vụ tai nạn giao thông khiến 249 người chết, 158 người bị thương. Như vậy tai nạn giao thông đã giảm 31 vụ, tương đương 8,8%  và giảm 38 người chết, tương đường 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái

"Như vậy giống như chúng ta đã cứu được 38 người. Đây là kết quả hết sức vui mừng", Thiếu tướng Đức nhấn mạnh.

Ngoài ra, thông qua công tác nắm tình hình tại các bệnh viện cho thấy, số trường hợp tai nạn giao thông liên quan đến sử  dụng rượu, bia đã giảm. Điều đó thể hiện được tác dụng của Nghị định 100, người dân đã ý thức hơn về việc vi phạm nồng độ cồn, nguy cơ gây tai nạn cho bản thân và người khác.

Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, sau 2 tuần triển khai Nghị định 100, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 54.892 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền gần 50 tỷ đồng. Trong đó, phát hiện xử lý 6.279 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 21 tỷ đồng.

Cục CSGT tiến hành đo nồng độ cồn
Cục CSGT tiến hành đo nồng độ cồn

Chia sẻ về số trường hợp nhập viện điều trị trong năm vừa qua, đại diện Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, khoảng 75% các ca cấp cứu hàng ngày liên quan đến tai nạn giao thông. Trong đó, gần 60% bệnh nhân có nồng độ cồn trong cơ thể. Điều này cho thấy tác hại của rượu, bia đối với người dân. Khi Luật và Nghị định mới đi vào đời sống, theo đại diện Bệnh viện Việt Đức, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, tỉ lệ bệnh nhân có nồng độ cồn trong cơ thể phải nhập viện điều trị đã giảm 10%. Đặc biệt, các trường hợp tai nạn gia thông liên quan đến nồng độ cồn đã giảm hẳn. Đây thực sự là tín hiệu tốt cho toàn quốc, cho nền kinh tế và người dân khi tham gia giao thông.

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) bày tỏ sự ngạc nhiên trước hiệu quả mà Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Theo số liệu thống kê trước đó, tổng mức sử dụng rượu, bia ở nam giới (độ tuổi trên 15 tuổi) đứng thứ 2 ở Đông Nam Á, đứng thứ 10 ở châu Á và 29 trên thế giới.

"Nghị định 100/2019/NĐ-CP là Nghị định "mở đường" nghiêm khắc nhất nhưng vẫn đảm bảo tính giáo dục, răn đe", ông Quang đánh giá.

Liên quan đến việc ăn hoa qua, sử dụng thuốc ho siro làm tăng nồng độ cồn, đại diện Cục CSGT cho biết, đối với việc sử dụng hoa quả hoặc uống siro, Cục CSGT đã tổ chức hơn 150 lần lấy mẫu test đều cho ra kết quả không làm tăng nồng độ cồn. Cục CSGT khẳng định không có chuyện ăn hoa quả mà bị phạt nồng độ cồn.

Theo đó, nếu đo nồng độ cồn ngay sau khi ăn hoa quả hoặc uống siro, kết quả có thể cho lên tới 0,6 mg/lít khí thở, thậm chí trên 1 mg/lít khí thở. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 2 đến 5 phút, nồng độ cồn sẽ không còn.

Cục CSGT đã quán triệt tới các đơn vị chức năng nếu tài xế trình bày mình vừa ăn hoa quả hoặc uống siro thì sẽ cho họ uống nước hoặc 5 phút sau thổi lại. Nếu kết quả thông báo không có nồng độ cồn thì không xử lý, ngược lại nếu chính xác có nồng độ cồn thì phải xử lý theo quy định.

Về băn khoăn của người dân liên quan đến độ chính xác của máy đo nồng độ cồn, đại diện Cục CSGT cho biết không có sai số trong việc đo nồng độ cồn. Các máy đo nồng độ cồn đều được kiểm định hàng năm. Máy đo nồng độ cồn trong hơi thở là thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác của lực lượng CSGT thuộc danh mục kiểm định theo quy định tại Thông tư 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Các thiết bị đưa ra kiểm tra đều được kiểm định chính xác.

 

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI