Cửu đỉnh - khát vọng dân tộc hùng cường

02/02/2025 - 06:47

PNO - Ra đời gần 200 năm trước, bộ Cửu đỉnh trong Kinh thành Huế được coi là Đại Nam nhất thống chí bằng hình ảnh, chứa đựng tâm tư và ý niệm của con người về đất nước, vũ trụ và thiên nhiên.

“Bản kiểm kê tài sản” đất Việt

Với ý muốn “làm vật báu truyền lại đời sau”, từ tháng Mười năm Ất Mùi (1835) đến tháng Giêng năm Đinh Dậu (1837), vua Minh Mạng đã cho đúc Cửu đỉnh gồm: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh. 9 đỉnh được đặt trước Thế Tổ Miếu, nơi thờ các vua nhà Nguyễn, tượng trưng cho sự trường tồn, vững mạnh của vương triều; thể hiện độc lập tự chủ, khát vọng hòa bình thống nhất, cường thịnh của đất nước.

Di sản này được coi là những tác phẩm mỹ thuật tinh tế của các nghệ nhân, biểu tượng cho lòng tự hào dân tộc, tư tưởng thống nhất, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Đại Nam. Trên miệng mỗi đỉnh khắc 2 dòng chữ Hán, ghi niên đại đúc và trọng lượng của đỉnh, thân mỗi đỉnh đúc nổi 17 hình sông núi, biển đảo, địa danh, động thực vật, binh khí, xe thuyền… và 2 chữ Hán mang tên đỉnh. Tất cả các hình ảnh đúc nổi trên Cửu đỉnh được xem như đặc trưng của các vùng miền trải dài từ Bắc tới Nam. Vì vậy, Cửu đỉnh còn được xem là “bản kiểm kê tài sản” quốc gia vào thế kỷ XIX.

Cửu đỉnh được xem như bộ  bách khoa toàn thư về đất nước Việt Nam thống nhất có chủ quyền, được thể hiện dưới hình thức biểu trưng bằng hình ảnh  - ẢNH: NGUYỄN PHÚC BẢO MINH
Cửu đỉnh được xem như bộ bách khoa toàn thư về đất nước Việt Nam thống nhất có chủ quyền, được thể hiện dưới hình thức biểu trưng bằng hình ảnh - ẢNH: NGUYỄN PHÚC BẢO MINH

Theo nhiều chuyên gia, đây là di sản văn hóa quý hiếm, là các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị cao về mặt văn hóa và lịch sử của dân tộc. Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế Dương Phước Thu - tác giả cuốn sách Đất nước Việt Nam qua Cửu đỉnh Huế - đã có phát hiện thú vị: “Tất cả các loại cảnh vật khắc trên đỉnh đều được chọn lọc và sắp xếp theo con số 9: 9 ngọn núi lớn, 9 con sông lớn, 9 loài chim, 9 loài hoa… Đất nước Việt Nam ta núi nhiều, sông lắm, cây cối sản vật rất phong phú, nên chọn số 9 là sự lựa chọn rất khắt khe và khó khăn”.

Cũng theo ông, họa tiết hoa văn trên Cửu đỉnh hàm chứa quyền lực vương triều Nguyễn bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ và thiên nhiên của đất nước (kể cả vùng trời và biển), là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất và ước mơ triều đại mãi vững bền, hùng mạnh.

Ngày 23/11/2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ đón nhận bằng UNESCO  công nhận Di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” - ẢNH: THUẬN HÓA
Ngày 23/11/2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ đón nhận bằng UNESCO công nhận Di sản tư liệu “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” - ẢNH: THUẬN HÓA

Giá trị của Cửu đỉnh còn ở trình độ đúc đồng đỉnh cao dưới triều Nguyễn, thể hiện qua các họa tiết mỹ thuật tinh xảo, tạo nên tác phẩm đồ sộ có trọng lượng khoảng 2 tấn mỗi đỉnh. Với chất liệu đồng bền vững, trải qua bao biến thiên của lịch sử, đến nay Cửu đỉnh vẫn nguyên vẹn hình dáng ban đầu. Từ khi ra đời, cổ vật này chưa từng được sửa chữa, dù chỉ một chi tiết nhỏ.

Đặc biệt, 153 mảng hình trên Cửu đỉnh là 153 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng nước ta đầu thế kỷ XIX. “Qua nghiên cứu các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, thì bộ Cửu đỉnh ở Huế là độc bản. Mặc dù nhiều nước có nghệ thuật đúc đồng nhưng bộ Cửu đỉnh này và các hình ảnh được chạm nổi chỉ có duy nhất ở Huế” - nhà nghiên cứu Dương Phước Thu cho biết.

Chuyện ít biết về mãng xà trên Huyền đỉnh

Sách Đại Nam thực lục chép: “Trên Huyền đỉnh, khắc các hình: mưa, cầu vồng, núi Hoành Sơn, sông Tiền Hậu Giang, sông Thao, núi Thúc Thu, con ngựa, con cà cuống, con mãng xà, hoa lan 5 lá, quả vải, cây bông, sâm nam, cây sơn, cây tỏi, cái xe, ống phun lửa, đều 17 loại”. Huyền đỉnh cũng như 8 đỉnh khác đều khắc rất đa dạng về thiên nhiên đất nước với những hình ảnh tượng trưng cho từng vùng miền cũng như những điểm chung của cả nước.

Cửu đỉnh được giới sử học đánh giá là một bộ Đại Nam nhất thống chí bằng hình ảnh vô cùng độc đáo - ẢNH: THUẬN HÓA
Cửu đỉnh được giới sử học đánh giá là một bộ Đại Nam nhất thống chí bằng hình ảnh vô cùng độc đáo - ẢNH: THUẬN HÓA

Đặc biệt, trên Huyền đỉnh có hình mãng xà rất sinh động. Nhiều sách chép đây là mãng vương xà (vua của loài rắn). Theo quan niệm dân gian, rắn là vị thần (thần Lốt) ở miền sông nước, biến hóa khôn lường. Mãng xà lớn nhất trong loài rắn, nên gọi là vương xà; mùa xuân và mùa đông ở trên cạn, mùa hạ và mùa thu ngâm mình dưới nước.

Năm Minh Mạng thứ 17, khi đúc xong Cửu đỉnh, vua cho khắc hình tượng con rắn lớn vào Huyền đỉnh. Vì sao? Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, đây là điểm đặc biệt. Hình ảnh con rắn lớn trên Huyền đỉnh chứng tỏ rằng nguồn tài nguyên của quốc gia phong phú đa dạng về động thực vật, đất nước có rừng, biển, đất, trời, núi sông và có cả muông thú. Điều này còn thể hiện sự hưng thịnh của một quốc gia có chủ quyền lãnh thổ thống nhất.

Đặc biệt, hình tượng rắn còn có ý nghĩa lớn lao với nhà Nguyễn, vì trong những ngày bôn ba bởi sự truy đuổi của nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long, cha của vua Minh Mạng) đã được đàn rắn thần trợ giúp. Sách Đại Nam thực lục chép sự kiện này như sau: “Năm 1782, vua đến Hà Tiên, đi thuyền nhỏ qua biển. Đêm tối không thấy rõ, ở gầm thuyền hình như có vật gì đội, tang tảng sáng nhìn ra thì đó là một đàn rắn. Người đi theo đều lấy làm sợ. Vua giục cứ đi, một lát thì đàn rắn đi mất”…

Dù đã trải qua gần 2 thế kỷ, Cửu đỉnh vẫn là một trong những tuyệt tác của nghệ thuật đúc đồng, di sản văn hóa lịch sử đặc sắc có một không hai. Xuân Ất Tỵ này, nếu du khách có dịp ghé thăm Đại Nội, đừng quên đến ngắm Cửu đỉnh để cảm nhận và cầu chúc cho gia đạo bình yên, đất nước ấm no, hòa bình.

Huế là kinh đô cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Trải qua 143 năm (1802-1945), vương triều Nguyễn để lại nhiều công trình văn hóa có giá trị trên vùng đất Phú Xuân (TP Huế ngày nay). Trong đó, Cửu đỉnh (9 cái đỉnh đồng lớn) là một trong những công trình tiêu biểu.

Ngày 8/5/2024, tại thủ đô Ulaanbaatar nước Mông Cổ, hồ sơ “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam đã được thông qua và bộ Cửu đỉnh chính thức trở thành di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

Hồ Ngọc Minh

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=