Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết được giúp sức sai phạm ra sao?

23/07/2024 - 11:22

PNO - Ngày 23/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo trong vụ án thao túng chứng khoán và lừa đảo.

Ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc cùng đồng phạm nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, sau đó tạo lập hồ sơ để đề nghị niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, ông Quyết có sự giúp sức của nhiều bị cáo thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose).

Dù hồ sơ của Công ty Faros có vấn đề và không đủ căn cứ, thế nhưng vẫn có thể lách qua “khe cửa” để được chấp thuận là công ty đại chúng, rồi niêm yết trên sàn Hose, bán cho hàng ngàn nhà đầu tư.

Các bị cáo trong vụ án liên quan Tập đoàn FLC
Các bị cáo trong vụ án liên quan Tập đoàn FLC

Khai tại tòa, bị cáo Lê Công Điền - Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng - cho hay, có nhận thấy Công ty Faros tăng vốn nhanh và nhiều trong một thời gian ngắn, nên đã xem xét kỹ càng. Nhận thấy các báo cáo kiểm toán tài chính còn một số vấn đề, Vụ Giám sát công ty đại chúng đã tham khảo ý kiến từ phía hiệp hội kiểm toán viên.

Kết quả như cáo trạng đã nêu, công ty kiểm toán thừa nhận các bằng chứng là chưa đầy đủ để chấp thuận toàn phần đối với báo cáo tài chính của Công ty Faros, nên đề xuất cho kiểm toán lại. Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng chấp nhận vì điều này phù hợp với thực tiễn.

Sau khi kiểm toán lại, công ty kiểm toán bảo lưu quan điểm và kèm theo bổ sung một số lưu ý. Tại thời điểm ký tờ trình, ông Điền nói bản thân nhận thức việc chấp thuận công ty đại chúng đối với Công ty Faros là phù hợp.

Đáng chú ý, bị cáo này khai Công ty Faros không bổ sung một số tài liệu, thậm chí có 2 đơn thư khiếu nại cho rằng bị cáo gây khó khăn khi giải quyết hồ sơ. Do lo sợ ảnh hưởng đến công việc và hình ảnh của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, bị cáo đã chấp thuận nhưng có kèm theo một số cảnh báo.

Về phía Hose, Viện KSND tối cao xác định, với sự giúp sức từ dàn lãnh đạo đơn vị này, 430 cổ phiếu ROS đã được niêm yết và giao dịch trên sàn. Các bị cáo gồm: Trần Đắc Sinh - cựu Chủ tịch HĐQT; Lê Hải Trà - cựu Tổng giám đốc; Trầm Tuấn Vũ - cựu Phó tổng giám đốc và Lê Thị Tuyết Hằng - cựu Giám đốc Phòng quản lý và thẩm định niêm yết HOSE.

Trước bục khai báo, ông Trần Đắc Sinh khai việc xét duyệt hồ sơ niêm yết là nhiệm vụ chuyên môn sâu thuộc ban điều hành và hội đồng thẩm định niêm yết. Khi 2 đơn vị này đã xem xét và đề nghị cho Công ty Faros niêm yết thì hồ sơ mới chuyển lên HĐQT để nghe và thống nhất ý kiến. Do đó, trách nhiệm chính thuộc về người quyết định việc niêm yết, tức là tổng giám đốc Hose.

Bị cáo này còn khai, trước khi cổ phiếu ROS lên sàn khoảng 5 - 6 tháng, trong một chuyến công tác, ông có gặp cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết. Sau đó, Doãn Văn Phương - Tổng giám đốc FLC, hiện đang bỏ trốn - đến văn phòng HOSE, đề nghị ông chỉ đạo cấp dưới "làm nhanh" hồ sơ của Công ty Faros.

Đối với cáo buộc của Viện KSND tối cao, ông Sinh thừa nhận có sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Với trách nhiệm người đứng đầu, bị cáo không có ý kiến gì.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI