Cựu chiến binh Sư đoàn 328: “Tự hào là người Việt Nam!”

30/04/2025 - 10:15

PNO - Những cựu chiến binh từng đi qua bom đạn chiến tranh, nay trở lại miền Nam trong ngày thống nhất với lòng tự hào và xúc động nghẹn ngào.

Trong dòng người tề tựu về TPHCM dịp lễ 30/4 năm nay, có những gương mặt đặc biệt: các cựu chiến binh từng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường xưa, nay trở lại với tâm thế của chứng nhân lịch sử, mang trong tim niềm tự hào sâu sắc về một thời máu lửa và chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Hơn 40 cựu chiến binh Sư đoàn 328  từ miền Bắc vào TPHCM, trong chuyến đi mang theo ký ức hào hùng và niềm tự hào khi chứng kiến đất nước đổi thay từng ngày - Ảnh: Thanh Tâm
Hơn 40 cựu chiến binh Sư đoàn 328 từ miền Bắc vào TPHCM, trong chuyến đi mang theo ký ức hào hùng và niềm tự hào khi chứng kiến đất nước đổi thay từng ngày - Ảnh: Thanh Tâm

Ở tuổi 76, ông Nguyễn Văn Hạnh - người từng chiến đấu tại chiến trường Bình Định năm 1968 và sau này là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn quân y 18, Sư đoàn 328 vẫn giữ vững vóc dáng khỏe mạnh, ánh mắt sáng rực niềm tin. Ông kể, sau nhiều năm kiên cường chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, ông bị thương, được đơn vị cho rút về miền Bắc học đại học. Tốt nghiệp bác sĩ, năm 1979, ông tái ngũ theo lệnh Tổng động viên, tiếp tục khoác áo lính lên chiến trường biên giới phía Bắc.

Ký ức về ngày 30/4/1975 vẫn in đậm trong ông như vừa mới hôm qua: "Khoảnh khắc miền Nam được giải phóng, đất nước nối liền một dải, ai cũng vỡ òa. Là người đã góp một phần nhỏ xương máu vào cuộc kháng chiến ấy, tôi không khỏi xúc động và tự hào".

Sau 20 năm, ông Hạnh mới trở lại TPHCM. Những con đường, cây cầu giờ đã hiện đại hơn, thành phố như khoác lên mình chiếc áo mới rực rỡ. "Người dân miền Nam thật hiếu khách và yêu nước. Họ luôn nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi, những người lính già, bằng tất cả sự trân quý" - ông chia sẻ.

Người dân TPHCM chụp ảnh lưu niệm cùng các cựu chiến binh nhân dịp lễ 30/4 - Ảnh: Thanh Tâm
Người dân TPHCM chụp ảnh lưu niệm cùng các cựu chiến binh nhân dịp lễ 30/4 - Ảnh: Thanh Tâm

Trong đoàn cựu binh còn có ông Trần Đình Minh, cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang - nơi từng được xem là “lò vôi thế kỷ” trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Gia đình có 6 anh em trai, tất cả đều từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông là người em út và cũng là người duy nhất còn đủ sức khỏe để vào Nam. "Tôi đi thay các anh, để tận mắt chứng kiến sự thay đổi của thành phố mang tên Bác. Sự phát triển hôm nay là thành quả của máu xương một thời" - ông nghẹn ngào.

Suốt 5 ngày tại TPHCM, các cựu chiến binh đã thăm Thảo Cầm Viên, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đền thờ Vua Hùng… Trước lễ diễu binh mừng 50 năm thống nhất đất nước, họ đã xếp hàng từ rất sớm, lặng lẽ nhìn dòng người, ánh mắt rưng rưng khi nghe nhạc hiệu vang lên.

"Chờ đợi cả buổi không mệt mỏi, vì lòng háo hức và xúc động luôn dâng trào" - ông Minh nói.

Các cựu chiến binh Sư đoàn 328 không giấu được xúc động khi được chứng kiến lễ diễu binh mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước - Ảnh: Thanh Tâm
Các cựu chiến binh Sư đoàn 328 không giấu được xúc động khi được chứng kiến lễ diễu binh mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước - Ảnh: Thanh Tâm

Cô Ngô Thị Mai Hương - nữ cựu chiến binh không giấu nổi xúc động khi lần đầu khoác lại quân phục sau nhiều năm: "Cảm giác như sống lại một thời hào hùng. Người dân trẻ ở đây đi ngang đều chào, hỏi thăm, khiến tôi thấy mình vẫn là một phần không thể tách rời của lịch sử dân tộc".

Sau nửa thế kỷ, những người lính già với mái đầu bạc trắng, dáng đi chậm rãi vẫn luôn mang theo lời thề bất tử của người lính năm xưa: “Sống bám đá, chết hóa đá”. Nhìn về một đất nước hòa bình, phát triển hiện tại, họ chỉ mong thế hệ trẻ biết giữ gìn, trân trọng những hy sinh đã tạo nên ngày hôm nay.

Thanh Tâm

 
TIN MỚI