Cứu cây xanh ở thành phố xanh

02/10/2020 - 08:01

PNO - Phải mất hơn một tháng nữa, việc dọn dẹp, xử lý cây xanh bị gãy, đổ do bão ở TP. Huế mới hoàn tất. Huế là thành phố có mật độ cây xanh cao nhất cả nước với hơn 750ha, đạt mức bình quân 18,5m2/người, nhưng cơn bão số 5 (bão Noul) giữa tháng Chín vừa qua đã làm gần 12.000 cây gãy, đổ, trong đó có hơn 1.000 cây bật cả gốc, rễ.

 

Cây đổ la liệt trước khu Đại nội Huế sau bão số 5 ẢNH: THUẬN HÓA
Cây đổ la liệt trước khu Đại nội Huế sau bão số 5 - Ảnh: Thuận Hóa

Tiếc “rừng cây trong phố”

Đứng cạnh cây bồ đề khổng lồ nằm trơ gốc cạnh ngã ba đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ, ông Nguyễn Hữu Lạc tỏ vẻ tiếc nuối. Cây bồ đề này đã gắn bó với ông từ thời tuổi thơ đến nay. Ánh mắt đượm buồn, ông kể, ông ở khu tập thể Đại học Huế này từ lúc nhỏ, thấm thoát đã hơn 40 năm rồi.

Lúc còn nhỏ, cứ mỗi chiều hè, ông cùng bọn trẻ con trong xóm kéo nhau ra hàng cây bồ đề và long não trước khu tập thể để chơi trốn tìm. Sau này, khu tập thể dành cho giảng viên Đại học Huế không còn nữa, nhưng thỉnh thoảng có dịp đi ngang qua đây, ông đều dừng xe bên đường để ngắm cây bồ đề tuyệt đẹp, hồi tưởng về tuổi thơ. 

“Cơn bão năm 1985 được đánh giá là bão to nhất đổ bộ vào Huế, vậy mà cây này chẳng mảy may. Năm nay thì uổng quá, bão cấp 8 quật chưa được 30 phút đã làm cây bật gốc rồi. Tiếc quá con ơi! Không biết mai này người ta đưa cây này đi trồng đâu, liệu cây bật gốc như vậy có sống lại được không” - ông Lạc lo xa.

Theo thống kê của Trung tâm Công viên Cây xanh (CVCX) TP. Huế, nhóm cây mới được trồng 20 năm trở lại đây bị ngã, đổ, bật gốc chiếm số lượng nhiều nhất. Cụ thể, có hàng trăm cây phượng vàng gãy, đổ trên khắp các tuyến đường Ngô Quyền, Phan Bội Châu, 23 Tháng 8, Lê Huân, Nguyễn Trãi, công viên hai bờ sông Hương. Thiệt hại nặng nhất là tuyến đường Tôn Đức Thắng với toàn bộ cây bằng lăng bị gãy ngang thân, chỉ còn trơ trụi gốc. 

UBND TP. Huế đã lên kế hoạch chuẩn hóa lại hệ thống cây xanh đường phố Huế để bảo đảm thành phố phát triển gắn với không gian xanh, bền vững. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần tuyển chọn được những loài cây mang tính bản địa, tạo bóng mát cũng như hạn chế ngã, đổ mỗi mùa mưa bão. 
 

Nhiều lực lượng chuyên nghiệp được huy động  để khắc phục cây ngã đổ
Nhiều lực lượng chuyên nghiệp được huy động để khắc phục cây ngã đổ

Mất gần 1/6 cây xanh sau bão số 5

Huế là thành phố hiếm hoi ở Việt Nam có những “tán rừng trong phố” với hơn 65.200 cây xanh; mật độ cây xanh ở TP. Huế cao nhất cả nước với hơn 750ha trong tổng số 7.100ha đất công cộng, đạt 18,5m2/người, chưa tính cây xanh trong vườn nhà dân, đất vườn ươm, cây công sở, cây xanh trong hệ thống di tích, rừng cảnh quan. Tuy nhiên, bão số 5 vừa qua đã làm gần 12.000 cây gãy, đổ, trong đó có hơn 1.000 cây bật cả gốc, rễ, thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay. 

Trải qua nhiều năm tâm huyết nghiên cứu về hệ thống cây xanh ở đường phố Huế, tiến sĩ Nguyễn Đính - nguyên Trưởng ban Quản lý các dự án sông Hương - cảnh báo, dải đất miền Trung nói chung và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng thường xuyên có bão, lũ vào mùa đông, do đó, khi trồng cây xanh để tạo cảnh quan cho đô thị, cần phải ươm trồng từ lúc cây còn nhỏ để rễ bám chặt vào lòng đất. Rễ sâu thì gốc mới bền. Không nên chọn cây đã lớn để trồng theo kiểu “ăn xổi ở thì”.

Tiến sĩ Đính cũng đưa ra ví dụ điển hình: trên tuyến đường Đống Đa, Lý Thường Kiệt, cây được chọn trồng có gốc và thân rất to, hoa đẹp nhưng trong đợt bão vừa rồi, chúng đều nhanh chóng bật gốc, một số cây bật gốc còn nguyên bầu đất cũ. 

Sau bão số 5, tiến sĩ Đính đã đi khảo sát nhiều tuyến đường ở TP. Huế và một số trung tâm, thấy lượng cây xanh bị bật gốc, gãy ngang thân, gãy cành rất lớn nhưng hầu hết là các cây trẻ, có tuổi từ 20 năm trở lại đây, chủ yếu là cây phượng hoa vàng, bằng lăng, bồ đề, hoàng lan có bộ rễ rất nông.

“Điều đó đặt ra vấn đề rất cấp thiết đối với TP. Huế trong thiết kế chủng loại và kỹ thuật trồng cây xanh đô thị hiện nay. Để Huế xứng đáng được quốc tế vinh danh là “thành phố xanh quốc gia” và đi đầu cả nước trong phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, trước tiên phải thay đổi tư duy trong việc trồng cây như hiện nay (ươm cây lớn, chặt cành, chặt cụt rễ rồi bứng gốc đem ra đường phố trồng). 

Người dân tham gia thu dọn cây ngã đỗ trên đường phố
Người dân tham gia thu dọn cây ngã đỗ trên đường phố

Quy hoạch đô thị phải gắn liền với cây xanh 

Huế là cố đô nên có rất nhiều kỳ hoa dị thảo. Tuy nhiên, để có thể chống chịu với gió bão, việc quy hoạch ở những khu đô thị mới cần song hành với phát triển hệ thống cây xanh. Thế nhưng, ở những khu đô thị mới dọc tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp hay khu đô thị An Cựu City, chủ đầu tư dự án thường tự lập thiết kế hệ thống cây xanh, sau khi hoàn thành dự án, mới bàn giao cho Trung tâm CVCX TP.Huế tiếp quản, bảo dưỡng. Điều này khiến công tác quản lý cây xanh vô cùng thụ động. 

Được mệnh danh “ăn, ngủ cùng cây xanh”, ông Đặng Ngọc Quý - Phó giám đốc Trung tâm CVCX TP. Huế - nói, rất đau lòng mỗi khi nhìn thấy cổ thụ gãy cành, bật gốc. Theo ông, hậu quả bão số 5 để lại đối với cây xanh tại TP. Huế rất lớn, ảnh hưởng đến giao thông, cảnh quan, môi trường.

Nếu chỉ lực lượng gần 300 người và vài chiếc xe cẩu, xe ben, máy cưa của trung tâm CVCX, chắc chắn không thể sớm dọn dẹp cây ngã chắn đường, đè nhà dân, công sở, trường học... Nhờ sự chung tay giúp đỡ của hàng vạn người dân nên hiện tại, cây xanh ngã, đổ gây ách tắc giao thông đã được dọn sạch. Hiện trung tâm vẫn tiếp tục cưa các tán cây gãy, thu dọn cành gãy trong công viên và điều tra xem cây nào bật gốc để có hướng trồng lại.  

Ông Quý đề xuất, khi đưa cây xanh vào trồng mới, cần chọn cây có đường kính từ 10-12cm, cao từ 3,5-4m để hạn chế việc cắt rễ, đồng thời chọn giống cây có hệ rễ cọc phát triển vững chắc. “Cây xanh ngã, đổ vừa qua một phần do bị chắn đứt rễ trong quá trình thi công, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật khiến cây suy yếu, tuổi thọ giảm. Vỉa hè trên nhiều tuyến đường không đủ diện tích để rễ cây phát triển đồng đều” - ông Quý giải thích. 

Để hạn chế gãy đổ do tác động của gió bão, ông Quý cũng đề xuất ở các đường phố Huế, nên chọn những loài cây có sức chống chịu tốt, có bóng mát mà lại mang đặc trưng xứ Huế, như cây dái ngựa, cây long não, cây nhội... kết hợp trồng xen kẽ thêm một số cây du nhập có hoa thơm, dáng đẹp như hoàng yến, chuông vàng để làm đa dạng hệ thống cây xanh. 

Trung tâm CVCX TP. Huế được giao nhiệm vụ quản lý hệ thống cây xanh đường phố, công viên, điểm xanh để bảo tồn và phát huy giá trị đặc trưng của Huế. Thế nhưng, nhiều lúc, nhân viên trung tâm phải chấp nhận trồng cây trên những hố đất với diện tích nhỏ, không đúng kỹ thuật trồng, vì bên dưới khoảnh đất trồng cây, có vô số công trình điện, nước, cáp quang. Do đó, có những cây vẫn lên tốt nhưng hệ thống rễ không bám chắc, gặp gió mạnh là dễ dàng bật gốc.  

Việc cán bộ Trung tâm CVCX TP. Huế có chân trong hội đồng quy hoạch đô thị sẽ giúp họ hiểu rõ chủ đầu tư muốn trồng loại cây gì, trồng như thế nào… nhưng chủ đầu tư nhiều lúc không chịu, hoặc từ chối khéo. Họ chỉ giao trung tâm quản lý hệ thống cây xanh sau khi đã xây dựng xong khu đô thị, khu dân cư mới. Điều này dẫn đến quy hoạch hạ tầng không đồng bộ với quy hoạch trồng cây xanh.

UBND TP.Huế đang xây dựng quy hoạch hệ thống cây xanh giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung chỉnh trang, trồng thay thế cây tạp, cây già cỗi, cây chưa phù hợp tại một số tuyến đường trung tâm và ven thành phố.

Mới đây, trong buổi kiểm tra việc khắc phục tình trạng cây xanh bị đổ, gãy do ảnh hưởng của cơn bão số 5, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - đã yêu cầu lãnh đạo TP. Huế, Trung tâm CVCX TP. Huế và các đơn vị liên quan đánh giá thấu đáo, nghiên cứu trồng hệ thống cây xanh công cộng theo hướng bền vững, chống chịu được với gió bão.

Ông Thọ cho rằng, đây là bài học quý giá để đánh giá lại công tác quản lý và bảo vệ cây xanh trong thời gian qua, từ đó có những phương án phù hợp, loài cây phù hợp đối với khí hậu và cảnh quan của Huế để trồng thay thế. 

“Phải lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người dân sống lâu năm ở Huế để chọn những loài cây chống chịu được với gió bão, những loài cây đặc trưng của xứ Huế” - ông Thọ nói. 

Cây xanh ở TP.Huế ngã la liệt trong bão số 5
Cây xanh ở TP. Huế ngã la liệt trong bão số 5

Huế là thành phố xanh quốc gia

Ngày 28/6/2016, TP. Huế chính thức được Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) vinh danh là Thành phố xanh quốc gia của Việt Nam năm 2016. Chương trình Thành phố xanh quốc tế (EHCC) là một sáng kiến của WWF nhằm kêu gọi các thành phố trên khắp thế giới hành động và hướng tới một hành tinh tương lai thân thiện với môi trường, đồng thời xây dựng và thực hiện các kế hoạch để giảm thiểu phát thải các-bon và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các thành phố dự thi phải có báo cáo phát thải các-bon kèm theo ít nhất một cam kết và một kế hoạch hành động phát triển bền vững về các lĩnh vực môi trường, xây dựng, giao thông, năng lượng, lương thực và nguồn nước. 

Ngay trong lần tham gia đầu tiên, TP. Huế đã vượt qua các tiêu chí khắt khe của chương trình để lọt vào danh sách các thành phố xanh trên thế giới với cam kết đến năm 2020, sẽ giảm 20% mức phát thải khí nhà kính so với mức phát thải của năm 2011. Kèm với cam kết này là bảy kế hoạch hành động cụ thể, trong đó chú trọng xanh hóa đô thị, phát triển du lịch xanh, xử lý nước và rác thải hiệu quả, sử dụng hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu xây dựng thân thiện môi trường.

Huế đã cùng 17 thành phố khác lọt vào vòng chung kết chương trình Thành phố xanh quốc tế. Trong số này, Paris (Pháp) đã được bầu chọn là quán quân của chương trình. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI