"Cứu" cải lương hay làm hại cải lương?

12/06/2022 - 16:10

PNO - Sau 2 lần đang thả hồn với giọng ca của các nghệ sĩ thì bên cạnh "rộp rộp" tiếng gặm bắp, mùi mỡ hành xộc vào mũi... tôi thề không bước chân vào nhà hát đó xem cải lương lần nào nữa.

 

Cảnh 1 vở diễn ở Nhà hát Trần Hữu Trang
Một vở diễn ở Nhà hát Trần Hữu Trang

"Cải lương đang hấp hối", "Khán giả trẻ quay lưng với cải lương", "Nhà nước cần phải cứu cải lương", "Nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một"... vì những điều này, tôi đã không ngại ngần chi số tiền không nhỏ so với thu nhập để bước vào Nhà hát Trần Hữu Trang, ngoài lý do muốn thưởng thức những làn điệu đã gắn liền với ký ức, còn là vì muốn cổ vũ những con người đang nỗ lực vực dậy bộ môn nghệ thuật truyền thống đã từng một thời vàng son.

Thế nhưng, điều cuối cùng tôi nghĩ khi bước ra khỏi nhà hát sau những suất diễn ấy, là sẽ không bao giờ bước vào đây lần nữa. Và tôi nhận ra, cải lương "chết" là có lý do. Hay nói đúng hơn, những con người đang kêu gọi ủng hộ cải lương và cho rằng mình đang làm hết sức để "cứu" cải lương, lại đang góp phần giết chết cải lương.

Họ tềnh toàng trong khâu tổ chức, mặc định khán giả cải lương là lớp khán giả bình dân, để rồi vô tư xem nhẹ cảm xúc thưởng thức của khán giả.

4 năm trước, khi Nhà hát Trần Hữu Trang có những suất diễn các trích đoạn cải lương kinh điển sau khi nhà hát hoàn thành và sáng đèn, giá 500.000đ/vé, tôi và bạn mình ngay lập tức đi mua vé. Nhưng khi yên vị ngồi xem, tôi mới biết mình bị lừa. Đơn vị tổ chức bán vé cho khán giả thưởng thức, nhưng họ đồng thời cũng nhân tiện tranh thủ ghi hình (được biết là để phục vụ cho việc phát hành đĩa, sản phẩm số). Thế là suốt buổi diễn khán giả bị tra tấn bởi những màn di chuyển của người quay phim, việc chuyển cảnh với âm thanh chỉ đạo của đạo diễn ghi hình vang lên inh ỏi. Sau mỗi trích đoạn, khi cảm xúc của người xem vẫn còn cao trào, thì nhiều nhân viên kỹ thuật xuất hiện láo nháo, dời ghế rột rẹt không chỉ trên sân khấu mà còn dưới khán đài, ngay trước mặt khán giả... 

Còn khán giả thì, kẻ nói người cười, vô tư bình phẩm với âm lượng không cần cân nhắc. Nhiều người còn thản nhiên nhào lên sân khấu tặng hoa khi nghệ sĩ vừa dứt câu vọng cổ mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

4 năm sau, là mới đây, vì quá mê cải lương mà tôi phá vỡ "lời thề" của mình, mua vé đến Nhà hát Trần Hữu Trang lần nữa, giá vé lần này là hơn 1 triệu đồng. Để rồi, tôi gặp lại cảm giác y như lần trước: bức xúc lẫn tổn thương, giận dữ...

Ở khoảnh khắc cảm xúc của mình vừa được người nghệ sĩ trên sân khấu đưa lên cao, bỗng dưng bên cạnh tôi vang lên tiếng nhóp nhép, tiếng "cạp cạp" và mùi mỡ hành xộc vào mũi. Trời ạ, vị khán giả ghế bên đang ngồi cạp bắp nướng mỡ hành! Rồi tiếng hút cà phê "rột rột" cộng với mùi cà phê phảng phất từ vị khách nam phía sau. Cô bạn tôi thì liên tục bịt mũi và dáo dác nhìn xung quanh xem quý ông nào đang hút thuốc để "cự".

Đặc biệt, cũng như lần trước, khán giả hô hố cười, thản nhiên bình luận với âm lượng không nhỏ. Tiếng chuông điện thoại thỉnh thoảng vang lên ở bên phải, bên trái... Việc tặng hoa (có cả nhét tờ tiền cuộn tròn vào hoa) càng không thiếu. Tất cả điều đó cứ vô tư diễn ra mà không gặp phải lời nhắc nhở nào, sự cản ngăn nào. 

Sau tất cả, tôi không tiếc số tiền hơn 1 triệu đồng bỏ ra nhưng lại rước về một trải nghiệm tồi tệ trong không gian được gắn chữ nghệ thuật. Điều tôi tiếc nhất là ý thức tổ chức của chính những người đang kêu gọi vực dậy cải lương. Từ khi nào họ lại mặc định khán giả cải lương là bình dân, và bình dân nghĩa là thiếu ý thức?

Mẹ tôi kể, thời bà còn con gái, mỗi lần đi xem cải lương là bà và bạn chọn những bộ trang phục rất đẹp. Trong suy nghĩ của những khán giả thế hệ của mẹ, cải lương rất tôn quý, mà ngoài trang phục đẹp còn có những cư xử nhã nhặn, dáng ngồi cũng sao cho thanh lịch... Những điều ấy bây giờ đâu rồi?

Câu hỏi đó, đầu tiên phải được đặt ra cho chính những người tổ chức, rằng chính họ đã thật sự xem đó là không gian thưởng thức nghệ thuật chưa? Họ đã có động thái gì, nhắc nhở nào để hạn chế những hành vi thiếu ý thức? Không cần phải tìm về những thập niên trước, hiện tại ở các sân khấu kịch (một hình thức trực diễn như cải lương), không bao giờ có việc tiếng chuông điện thoại vang lên inh ỏi, hay thức ăn được tuỳ tiện mang vào khán phòng... Văn hoá đó được xây dựng từ chính những nhà tổ chức, qua vài năm, hình thành ở chính những khán giả kịch. 

Cải lương nói riêng hay nghệ thuật truyền thống nói chung đều bị thoái trào như một dòng chảy chung, nhưng với những gì diễn ra hiện tại, vin vào điều gì để mà "cứu" cải lương?

Hà Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI