Cứu bé trai sơ sinh mang khối bướu giống “quái vật hút máu người”

06/02/2017 - 15:16

PNO - Mới chào đời được 1 ngày, bé trai đã phải nhập viện vì khối bướu máu trên chân, đang lớn nhanh theo từng giờ. Các bác sĩ ví loại bướu máu này như “quái vật hút máu người”.

Nếu không điều trị kịp thời, cháu bé có thể tử vong vì xuất huyết.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết vào ngày mùng 5 Tết âm lịch, các bác sĩ tiếp nhận bé trai (1 ngày tuổi, nhà ở TP.HCM) mang 1 khối bướu máu ở vùng đùi bên phải. Khối bướu đang to ra với tốc độ nhanh một cách bất thường.

Xét nghiệm máu cho thấy, các chất cầm máu và tiểu cầu trong người bé giảm nặng. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhi có thể tử vong vì xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa do tình trạng rối loạn đông máu.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Tâm, cái khó của ca này là trong thời gian khẩn cấp phải tìm được máu và sản phẩm máu phù hợp với cả nhóm máu của mẹ và cháu bé. Bởi nếu nhóm máu truyền chỉ hợp với em bé mà không hợp với mẹ sẽ xảy ra biến chứng do tình trạng bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con.

Cuu be trai so sinh mang khoi buou giong “quai vat hut mau nguoi”
Em bé đang được chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM

Bên cạnh đó, máu truyền phải là máu mới vì nếu truyền máu dự trữ cho em bé 1 ngày tuổi sẽ rất nguy hiểm. Các bác sĩ êkip trực đã nhanh chóng liên hệ với Ngân hàng máu, Trung tâm Truyền máu huyết học của Bệnh viện Chợ Rẫy để tìm lượng máu phù hợp.

Cháu bé đã được truyền yếu tố cầm máu và huyết tương đông lạnh nhằm cải thiện tình trạng chảy máu. Thế nhưng, kết quả không như ý. Khối bướu máu lớn nhanh theo từng giờ và hút hết lượng máu truyền vào cơ thể em bé.

Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phải hội chẩn toàn bệnh viện với các bác sĩ đến từ 10 khoa phòng để tìm cách lấy được bướu máu trong người cháu bé một cách an toàn.

Các bác sĩ đã tiến hành thông tim, can thiệp mạch máu nhằm bít các mạch máu nuôi bướu máu.

Cuu be trai so sinh mang khoi buou giong “quai vat hut mau nguoi”
 

 Sau đó, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh đã phẫu thuật để lấy trọn khối bướu ra ngoài. Ê-kíp các bác sĩ phải chạy đua trong vòng 4 giờ đồng hồ. Đây là “thời gian vàng” để máu truyền vào cơ thể cháu bé phát huy tác dụng đông máu giúp bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật.

 Sau khi can thiệp, tình trạng chảy máu đã dừng lại, em bé có phản xạ tốt. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tâm, về lâu dài, bướu máu có thể tái phát ở những nơi khác trên cơ thể dù tỷ lệ thấp.

Bướu máu là loại bướu bẩm sinh, không do di truyền cũng không phải từ mẹ truyền sang con. Thông thường, bướu máu phát triển từ từ theo sự lớn lên của em bé.

Tuy nhiên, ở trường hợp của em bé này là bất thường bởi khối bướu phát triển với một tốc độ quá nhanh: “Mỗi năm, bệnh viện gặp khoảng 20-30 em bé có bướu máu. Thế nhưng, đây là ca mang khối bướu khổng lồ nhất và em bé nhỏ tuổi nhất” – bác sĩ Tâm chia sẻ.

Xuân Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI