Khó hiểu
Liên quan đến đoạn clip ghi lại cảnh hỗn loạn xảy ra tại khu vực tập kết một số hàng hóa như ví da, túi da... chuẩn bị tiêu hủy do Bộ KH-CN phối hợp với Phòng PC46, Công an TP. Hà Nội tổ chức, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn cho rằng, việc này thật khôi hài và đáng xấu hổ.
Theo ông Sơn, sự việc trên cần được nhìn nhận ở hai góc độ bao gồm cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước và cả từ phía người tham gia hôi đồ.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Sơn cho rằng, nếu nhìn vào hành động của người tham dự mà thấy bức xúc, xấu hổ một thì việc làm của cơ quan quản lý nhà nước đứng ra tổ chức buổi tiêu hủy đáng bị lên án mười lần.
"Rõ ràng không ổn một chút nào, vì một bên là thái độ, ý thức và một bên là trách nhiệm công vụ. Tôi có cảm nhận rằng dường như người ta đang không muốn thực hiện cho trọn vẹn cái mục tiêu tiêu hủy hàng hóa, sản phẩm bị làm giả, làm nhái. Vì thế mới có chuyện mạnh ai người đó lấy. Ai muốn lấy, muốn giật, muốn làm gì thì làm", ông Sơn nói.
|
Cướp hàng giả trong buổi tiêu huỷ ở Bộ KH-CN. Ảnh cắt từ clip |
Theo vị Đại biểu, nếu muốn thực hiện công tác tiêu hủy theo đúng quy định, cơ quan quản lý nhà nước phải đứng ra tổ chức theo đúng quy trình, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đảm bảo chắc chắn sản phẩm phải tiêu hủy sẽ bị tiêu hủy.
"Không thể có chuyện vừa đọc xong lý do tiêu hủy, đã bị người ta lao vào lấy hết đồ chỉ còn người tổ chức đứng trơ trơ ra như vậy", ông Sơn nói.
Dưới góc độ người đến tham dự, ĐBQH đoàn Đà Nẵng nhận định, những người được mời đến là những phóng viên, cán bộ, nhân viên của bộ, tức là đã có sự chọn lọc đối tượng tham gia.
Chính vì vậy, những người này cần phải hiểu rằng, họ tới đó là để chứng kiến, tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu và không sử dụng hàng giả, hàng nhái.
"Nhưng họ đã không làm như vậy! Thay vì tới đây vì mục đích trên thì họ lại tới đây với ý đồ nhòm ngó trong đống hàng hóa đó có gì hay ho, có gì có thể lấy được. Điều này thật đáng xấu hổ", ông Sơn nhấn mạnh.
Vị Đại biểu cho rằng, nhìn vào hành động hôi đồ có thể khiến bất cứ ai khi xem cũng có một trạng thái tâm lý bức xúc, bất bình. Hình ảnh đó nó giống như hiệu ứng domino, ai cũng biết câu chuyện đó xấu nhưng không ai chịu thừa nhận mình xấu mà chỉ cho rằng người bên cạnh mình là xấu.
"Đang có một mối liên hệ rất chặt chẽ trong tâm lý đám đông của đa số người Việt. Từ những chuyện nhỏ nhặt như cướp đồ ăn, cướp áo mưa và rồi tới chuyện cướp đồ tiêu hủy. Như vậy, cướp đồ không đơn thuần chỉ là câu chuyện ngày hôm qua họ bất thình lình lao vào cướp đồ và làm cho cả xã hội sửng sốt, ngạc nhiên nữa.
Ở đây là tâm lý đám đông đã được hình thành trong một thời gian dài và trong suốt thời gian đó họ chưa bao giờ nghĩ rằng mình sai thì phải làm cho đúng, cho phải. Vì vậy đừng quá ngạc nhiên trước cảnh ngày hôm qua họ đã lao vào hôi đồ", ông Sơn phân tích
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng nhấn mạnh vai trò của cơ quản tổ chức là Bộ KH-CN và phía công an Hà Nội.
"Một người ăn trộm chưa hẳn đã có sẵn máu ăn trộm nhưng nếu con người lại khiêu khích lòng tham, tạo cơ hội cho họ ăn trộm thì sẽ nảy sinh máu ăn trộm. Nó cũng giống như câu châm ngôn "mỡ treo miệng mèo" vậy", ông Sơn nói
Ông Sơn lưu ý, cách thức tổ chức thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước như thế nào để đạt được mục tiêu là nghĩa vụ và trách nhiệm bộ KH-CN phải làm để hoàn thành nhiệm vụ người dân giao phó.
Quá phản cảm
Trước vụ việc xảy ra trong buổi lễ tiêu hủy tại Bộ KH&CN, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đoàn Hà Nội tỏ ra bức xúc và cho rằng, không thể chấp nhận được hình ảnh nghịch dị như vậy.
"Về nguyên tắc, khi cơ quan tổ chức đã thông báo đó là hàng giả và phải tiêu hủy thì hàng hóa đó buộc phải bị tiêu hủy không thể có chuyện thu hồi, bắt giữ rồi lại lao vào lấy về", bà Khánh nhấn mạnh.
Bà Khánh đặt câu hỏi: Là do thiếu hiểu biết về pháp luật hay là do công tác tổ chức, tuyên truyền kém?
"Vì một suy nghĩ cá nhân mà có hành động như vậy là rất phản cảm. Tốt nhất, những ai đã lấy đồ thì nhanh chóng mang trả lại để cơ quan quản lý thực hiện tiêu hủy", bà Khánh nói rõ.
Theo bà Khánh, ở đây còn là do cơ quan quản lý đã có những thông tin, tuyên truyền chưa tốt nên mới xảy ra tình trạng lộn xộn, vi phạm pháp luật nói trên.
Đồng quan điểm, ĐBQH Bùi Văn Xuyền - đoàn Thái Bình cũng khẳng định: "đó là việc không thể chấp nhận được!".
Ông Xuyền cho biết, quy tắc tiêu hủy hàng giả mạo là phải thực hiện theo đúng quy định của luật pháp về trình tự. Thủ tục tiêu hủy như thế nào, thành lập hội đồng tiêu hủy ra sao, cách thức tiêu hủy như thế nào để đảm bảo môi trường, đảm bảo các quy định liên quan.
''Không thể có chuyện nhảy vào tranh cướp hàng hóa, sản phẩm tiêu hủy", ông Xuyền nhấn mạnh
Để xảy ra tình trạng trên, ông Xuyền thẳng thắn nói: "Lỗi ở khâu tổ chức cẩu thả, không đúng luật mới dẫn tới tình trạng nhảy vào lấy đồ rồi không thể ngăn cản được. Bộ KH-CN phải là người chịu trách nhiệm'.'
Dương Châu