Cướp bóc, thao túng hàng viện trợ tràn lan ở Gaza

24/12/2023 - 15:17

PNO - Cướp bóc, giành giật bắt đầu diễn ra ở Gaza do nạn đói và thiếu lương thực.

 

ác cơ quan viện trợ quốc tế cho biết Gaza đang rơi vào tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và các vật tư cơ bản khác do cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Ảnh: Fatima Shbair/AP
Gaza đang rơi vào tình trạng thiếu lương thực, thuốc men trầm trọng

Rao bán hàng viện trợ tràn lan

Theo Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC), toàn bộ người dân ở Gaza đang phải chịu “mức độ thảm khốc của tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính”, đây là tỉ lệ đói cao nhất lịch sử.

Ngày 23/12, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã ủng hộ một nghị quyết kêu gọi tăng cường viện trợ nhân đạo cho Gaza. Tuy nhiên , Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres cho biết : “Vấn đề chính là do Israel tiến hành các cuộc tấn công vào Dải Gaza nên việc phân phối viện trợ nhân đạo bị cản trở".

Chương trình Lương thực Thế giới cũng cho biết, việc tiếp cận người dân ngày càng khó khăn hơn do xung đột ngày một gia tăng, thực phẩm ngày càng khan hiếm và đắt đỏ cũng như nhiên liệu nấu ăn khó tìm. Bản cập nhật an ninh lương thực gần đây nhất của WFP cho biết tình hình tồi tệ nhất ở phía Bắc Gaza, nơi 90% người dân không có gì ăn.

Nhiều người dân Gaza đã sử dụng mạng xã hội để bày tỏ sự thất vọng về tình trạng thiếu thực phẩm. “Sau 70 ngày chiến tranh ở Gaza, cuối cùng viện trợ đã đến Gaza… Gia đình 8 người của tôi được 1 hộp đậu và 3 cái bánh quy" - một người đàn ông nói. 

Chị Maya al-Khadr đã đăng một video lên Snapchat cho thấy một hộp phô mai và 8 chiếc bánh quy. Cô cho biết gia đình cô mới được tặng bấy nhiêu thức ăn để sống sót. “Đây là bữa ăn cả ngày gia đình tôi. Việc phân phối đôi khi là 2 lon đậu trong 1 ngày, có ngày không có gì cả, có ngày là lon cá ngừ. Nhiều ngày chỉ là bánh quy”, cô nói.

Nguồn cung cấp thực phẩm ở Gaza đã bị hạn chế do cuộc bao vây do Israel áp đặt kể từ cuộc tấn công ngày 7/10 của  Hamas và chỉ có viện trợ nhân đạo hạn chế vì chỉ được qua cửa khẩu biên giới với Ai Cập.

Mặc dù vậy, tại những khu chợ tự phát, rất nhiều mặt hàng được dán nhãn “không bán” lại được bày bán. Chị Dina Safi cho biết: “Chúng tôi không có lúa mì để làm bánh mì và không có gạo nhưng giá thực phẩm đang tăng gấp 3 lần, đó là những món hàng dán nhãn "không bán"".

Safi cho biết cô đã mua 1 hộp cá ngừ được dán nhãn “không bán” là “quà tặng từ người dân Nhật Bản" với giá hơn 2 USD trên thị trường.

Safi chia sẻ, gia đình cô thuộc tầng lớp thượng lưu, vì có tiền nên họ có thể tồn tại trong khoảng 2 tuần. Nhưng không phải ai như Safi. Cô nói rằng hầu hết viện trợ dường như đã được chuyển đến các nơi trú ẩn sơ tán và bị lấy cắp để bán ra ngoài.

Anh Khan Younis cho biết hàng viện trợ không được phân phối công bằng cho mọi người. Một số người đã lấy nhiều hơn phần của họ và mang đi bán.

Hossam Wail đã đăng một đoạn video quay cảnh anh ấy cầm một tách trà và bánh quy từ WFP. “Ai đó có thể cho tôi biết lý do tại sao chúng tôi mua được hàng viện trợ ngoài chợ? Không chỉ vậy, chúng tôi còn mua chúng với giá quá cao. Hôm nay tôi mua cái này với giá 3 USD”-  Wail nói.

Cướp bóc vì quá đói

Vì đói khát trong khi hàng viện trợ lại không đủ và không đến được mọi khi trú ẩn, nhiều người Palestine đã làm liều chặn xe, cướp bóc những chuyến hàng viện trợ của các tổ chức từ thiện quốc tế.  "Do hàng viện trợ quá ít trong khi người cần thì quá nhiều. Ngoài ra, tình trạng phân phối hàng viện trợ không công bằng đã khiến cho tình trạng cướp bóc ngày một nhiều" - chị Rafmin (28 tuổi) cho biết.

Người Palestine tuyệt vọng cướp một chiếc xe tải viện trợ nhân đạo khi nó đi vào Dải Gaza. Ảnh: Fatima Shbair/AP
Người Palestine tuyệt vọng cướp một chiếc xe tải viện trợ nhân đạo đang đi vào Dải Gaza

Trong khi đó, nhiều người cũng cáo buộc chính quyền do Hamas điều hành đã không phân phối viện trợ một cách công bằng. “Viện trợ của Qatar và Kuwait được Bộ Xã hội tiếp nhận và đưa vào kho của Bộ và không được phân phối. Nếu nó được phân phối thì nó sẽ thông qua các tổ chức liên kết với Hamas. Họ phân phối nó cho chính họ và những người còn lại không được hưởng chút gì" - nhiều người cho biết.

Safi cho biết, gia đình chị thuộc nhóm có tiền nên có thể mua thức ăn để tồn tại. Nhưng với những người nghèo khác thì thật bi kịch. "Tôi chấp nhận sự bất công và tôi có thể mua viện trợ, nhưng với những người sống trên đường phố thì cần sự trợ giúp này đến mức nào. Tôi cảm nhận được sự tức giận của họ, điều này cũng khiến họ tìm cách ăn trộm xe cứu trợ".

Người phát ngôn của WFP cho biết họ đang tiếp tục cung cấp viện trợ nhưng không có đủ thực phẩm. Cơ quan Liên hiệp quốc cho biết sẽ dẹp bỏ tình trạng vô nhân đạo này. “WFP cực kỳ phản đối việc bán trái phép những lương thực nhân đạo và cam kết đảm bảo rằng thực phẩm sẽ đến tay những người dễ bị tổn thương nhất, những người phụ thuộc vào nó để sinh tồn”.

Trọng Trí (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI