Sự phản đối, phản biện trước những chính sách, nhân vật, sự kiện luôn là điều cần thiết và là chỉ dấu của một xã hội văn minh. Nhưng sự phản đối theo kiểu cuồng tín - phản đối để… cho có phản đối, phản đối bất cứ ai hay bất cứ điều gì lại là chỉ dấu của một tư duy chưa trưởng thành nơi những người trưởng thành.
Cách đây gần hai tháng, mạng xã hội tràn ngập làn sóng phản đối bản án 18 tháng tù treo của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đối với tội ấu dâm của Nguyễn Khắc Thủy. Cùng thời điểm đó, dư luận cũng đồng loạt phản ứng với một nam ca sĩ khi có thông tin anh gạ tình cộng sự.
Một thời gian ngắn sau, tất cả những "phản đối" rầm rộ đó dần chìm khuất trong cơn phản đối quyết liệt và rầm rộ về dự thảo Luật Đặc khu kinh tế của Chính phủ. Cuộc "phản đối" tiếp tục mở rộng sang các vấn đề về Luật An ninh mạng trong suốt thời gian trước, trong và sau khi Quốc hội khóa XIV thông qua luật này.
Cộng theo đó là hàng trăm vụ "bóc phốt" người nổi tiếng, "chỉ trích người thứ ba (trong tình yêu)", phản đối sơ hở của quan chức… Tất cả những phản đối ấy được thể hiện ở cả không gian mạng lẫn đời sống thật. Người tham gia phản đối viết bài phân tích, chia sẻ thông tin, bày tỏ quan điểm, gắn hashtag, tạo trào lưu trên mạng xã hội; hoặc cùng tụ tập bày tỏ quan điểm.
Thời gian đó, dù đang lướt Facebook, đang ngồi với bạn bè ở quán cà phê, đang nhậu với đồng nghiệp hay đang trên taxi, người ta đều nghe những câu chuyện chính trị - xã hội với những quan điểm trái chiều; hầu hết là chỉ trích, phản đối.
Những tượng đài sụp đổ. Niềm tin vào "thần tượng", "người nổi tiếng" hay cả chính quyền, lãnh đạo bị lung lay. Người ta nghi ngờ tòa án, hoài nghi Quốc hội và không ngại ngần lên án một người mới đó còn là "thần tượng" - dù đó là quan chức hay thần tượng giải trí.
Trước những diễn biến này, nhiều người khẳng định, "người dân đã trưởng thành". Mà quả thực, nếu “niềm tin tuyệt đối" hay tệ hơn là sự "cuồng tín" là biểu hiện của một sự lệ thuộc tư duy, thì sự hoài nghi chính là một biểu hiện của một tư duy trưởng thành. Nó cho thấy một cá thể đã không còn phụ thuộc vào ý chí của "cấp trên", của "phụ huynh", của "thần tượng", của số đông hay của một niềm tin quá khứ.
Về vấn đề này, tôi đồng quan điểm với người phương Tây khi họ đánh giá cao sự hoài nghi trên con đường đến với sự thật, với khoa học (trong khi truyền thống phương Đông cho rằng, sự hoài nghi chính là thái độ thiếu tôn trọng hoặc phỉ báng của nhà khoa học). Vậy, phải chăng, mọi thứ đang chuyển biến tốt hơn khi dư luận đã bắt đầu biểu đạt những tiếng nói độc lập, trái chiều?
Tôi phản đối Luật Đặc khu. Nhưng tôi thà đối diện với những người bất đồng quan điểm bằng tất cả hiểu biết và sự tỉnh táo của họ - còn hơn là được đồng hành bởi một đám đông thiếu tỉnh táo. Phản đối không phải là vấn đề. (Thậm chí có rất nhiều người phản đối một cách rất hiệu quả khi họ dựa trên sự hiểu biết và tư duy thực sự). Vấn đề ở đây là cái "tinh thần phản đối" đang thống lĩnh, đã đặt từng cá thể vào một "đồng phục quan điểm".
|
Trong chuỗi ngày chìm ngập với những câu chuyện chính trị - xã hội, tôi không nhìn thấy tín hiệu tích cực của tinh thần hoài nghi lành mạnh. Rõ ràng là người ta đã "biết" hoài nghi lãnh đạo, "xét lại" thần tượng, phản đối phán quyết, phản biện chính sách. Bằng chứng là tất cả những động thái phản đối đã nêu. Nhưng dường như đã xuất hiện một kiểu "niềm tin tuyệt đối mới", một kiểu "cuồng tín mới" - niềm tin tuyệt đối vào... sự phản đối. Người ta cuồng tín sự phản đối, cuồng tín những dòng thông tin tiêu cực, bài bác, chỉ trích hay thậm chí là sự lật đổ một tượng đài bất kỳ.
Như thể, hễ anh lên tiếng "vạch trần" một người nổi tiếng, anh dễ dàng nhận được sự đồng thuận. Kiểu như, nếu anh phản đối một chính sách, "vạch trần" một quan chức, một người nổi tiếng, dù thông tin của anh chưa đủ xác thực, lập luận chưa đủ chặt chẽ - anh cũng dễ dàng được tin nghe.
Tôi không bàn về tính hợp lý/bất hợp lý của từng quan điểm. Tôi chỉ xin có một cái nhìn về cách mà người ta tin hay không tin một con người, cách người ta phản đối hay tán thành một phán quyết, một chính sách… Từng vấn đề xã hội đều có giới hạn lịch sử của nó. Chỉ có thái độ và bản lĩnh của con người mới quyết định vận mệnh lâu dài của một xã hội.
Thế nên, tôi ngỡ ngàng khi thấy cô bạn ngày thường vẫn đăng những status bán hàng online chợt liên tục than thở chuyện quốc gia đại sự, kèm theo những trích dẫn đầy sai lệch về Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng. Một anh bạn khác của tôi liên tục chia sẻ hình ảnh tiêu cực về vị thẩm phán đã xử án treo Nguyễn Khắc Thủy, kèm những phán xét cay nghiệt, dù anh không hề quen biết vị thẩm phán, cũng không có chứng cứ về kết luận đó.
|
|
Anh taxi đã hỏi tôi, "có xuống đường cứu nước không" vào giữa tháng Sáu này, cũng không trả lời được những tình tiết cụ thể mà anh nghi ngại ở Luật Đặc khu. Tôi chỉ trả lời anh rằng, tôi cũng phản đối Luật Đặc khu. Nhưng tôi thà đối diện với những người bất đồng quan điểm bằng tất cả hiểu biết và sự tỉnh táo của họ - còn hơn là được đồng hành bởi một đám đông thiếu tỉnh táo. Phản đối không phải là vấn đề. (Thậm chí có rất nhiều người phản đối một cách rất hiệu quả khi họ dựa trên sự hiểu biết và tư duy thực sự). Vấn đề ở đây là cái "tinh thần phản đối" đang thống lĩnh, đã đặt từng cá thể vào một "đồng phục quan điểm".
Và họ cứ thế, "tự động phản đối". Tinh thần phản đối này triệt để đến mức, nó cho người ta cái quyền phản đối đến tận cùng mọi thứ liên quan đến vấn đề.
Ví như, nếu có một phán quyết bất hợp lý thì "dĩ nhiên" người đưa ra phán quyết đó cũng đáng bị bài bác, thậm chí chà đạp, bôi nhọ. Ví như, khi chính quyền đang có thể đưa ra một quyết định không hợp lòng dân thì nếu ai đó có quá khích, đập phá tài sản nhà nước - cũng là… xứng đáng (?!). Trong cuộc phản ứng ở Vũng Tàu, một vị thẩm phán đã bị bôi nhọ đến tận cùng về những điều hoàn toàn vô căn cứ. Có những cuộc gây rối để lại tổn hại cho chính nhân dân được gọi tên là "phản ứng tất yếu của sự bất bình".
Đầy rẫy trên thế giới mạng, những facebooker sa đà vào đả kích cá nhân, cười cợt sơ hở của quan chức và lan truyền bất tận những luận điểm võ đoán, tiêu cực về xã hội. Đám đông lại nhiệt liệt hưởng ứng những thóa mạ mà không cần bằng chứng. Chỉ cần "đốn ngã" được một tượng đài, hóa giải được một niềm tin, hay nói cách khác: miễn là nó trái chiều.
Người ta cuồng tín sự "trái chiều" đến mức, bạn có thể dễ dàng kéo xuống mục bình luận dưới bài viết đời thường của một người nổi tiếng bất kỳ, để tìm thấy một ai đó chỉ trích: "Sao không phản đối chính sách? Sao không lên tiếng về vụ A, vụ B, vụ C". Nếu bạn nổi tiếng, bạn sẽ dễ "yên thân" trước dư luận hơn nếu chịu mặc vào "bộ đồng phục phản đối", dù mối quan tâm của người trưởng thành hoàn toàn có tính cá nhân, không thể cưỡng cầu.
Có lẽ "tinh thần phản đối" hiện nay xuất phát từ sự tổn thương niềm tin ở những quan chức tham nhũng, những nhà từ thiện giả mạo, những người nổi tiếng nhiều tai tiếng. Dư luận đã dần mất niềm tin. Từ chỗ "đã tin", họ dễ dàng chuyển sang "nghi hoặc". Diễn biến đó đôi khi rơi vào trạng thái cùng cực tiêu cực, nó tiếp tục "bất tín" mà phản đối vô điều kiện, thậm chí tung hê, bài bác, cũng là điều dễ hiểu. Sự phản đối vô điều kiện lúc bấy giờ, một phần cũng là hệ lụy của niềm tin đã bị thương tổn. Nó có lý do để được hiểu và cảm thông. Có điều, nó chắc chắn không thể là phản ứng của một tư duy trưởng thành.
Mà, khi chìm lẫn trong làn sóng phản đối đông đảo và lắm khi nhiệt tình đến cuồng nộ đó, chính những người thực tâm phản biện xã hội càng bị đẩy sâu vào cô độc, lạc loài. Còn sự hoài nghi cần thiết tưởng vừa được khơi, hóa ra chỉ là một sự cuồng tín mới.
Thanh Tân