Nhờ chị gái đưa chồng đi súc ruột
Trong khu vực chờ của phòng nội soi tiêu hóa gần Bệnh viện Chợ Rẫy có ba người đàn ông và hai phụ nữ đứng vịn ghế, vừa lắc mông vừa xoa bụng. Trên bộ sofa, những phụ nữ là thân nhân của các bệnh nhân khác ngồi chờ đợi.
Ông Nguyễn Văn C. (59 tuổi, ở Khánh Hòa) vừa với lấy chai nước vừa nhìn người phụ nữ ngồi đối diện càu nhàu: “Tôi đã nói không bị gì rồi, chị em bà bày vẽ làm chi để tôi bị hành vầy nè”. “Vầy nè” là ông phải uống liên tục 3 lít nước có pha thuốc (trong 30-45 phút) và liên tục vào nhà vệ sinh để xổ sạch bụng nhằm nội soi dạ dày, đại tràng.
Ông C. vừa nhăn mặt tu chai nước vừa liếc người phụ nữ đi cùng. Khi ông nhấp nhổm chuẩn bị “liên khúc đi ngoài”, bà nói: “Đưa đồ tui giữ cho” thì ông gằn giọng: “Kệ tui” rồi phóng vào nhà vệ sinh. Bà quay sang người phụ nữ ngồi sát góc tường, lắc đầu: “Ổng khó chịu lắm, bị đau bụng, táo bón hoài mà nhất định không chịu đi khám, cứ nói mình khỏe.
Lần này, tình hình dịch bệnh đỡ căng hơn trước, ổng vô Sài Gòn, vợ ổng là em gái tui dọa “không khám bệnh thì đừng về quê”, ổng mới chịu đi khám. Tôi thay mặt em gái áp tải chồng nó đi khám dùm, vậy mà ổng cằn nhằn miết, cái mặt một đống”.
|
Bà V. chăm sóc ông D. trong những ngày ông điều trị tại đơn vị tuyến vú, Trung tâm Ung Bướu Bệnh viện Chợ Rẫy |
Sau cái ngáp dài, người phụ nữ sát góc tường nói: “Đi khám một mình thì mấy ổng không chịu, viện cớ trì hoãn hoài. Còn đi theo thì mình mệt quá. Mấy ổng nhõng nhẽo như con nít…”. Lúc ông Nguyễn Minh H. - chồng bà - bước ra từ nhà vệ sinh, bà hỏi: “Được chưa?”, ông lắc đầu. Bà nhắc: “Uống nước thêm đi, vận động nhiều lên. Người ta vô sau ông mà được rồi kìa, chuẩn bị vô nội soi rồi”. Ông cự: “Tui uống muốn bể bụng rồi, bà ngon vô uống đi. Mơi mốt để tui đi khám một mình, bà theo cằn nhằn hoài”. Bà bĩu môi: “Không có tui, ông chịu đi khám chắc?”. Những người ngồi xung quanh đều bật cười trước tình huống này. Người đàn ông trẻ nhất phòng nói nhỏ với chị bệnh nhân bên cạnh: “Vợ em sinh con nhỏ không đi theo nhưng sáng giờ gọi điện giám sát, dặn dò mắc mệt”. Than vậy nhưng anh vẫn nở nụ cười tươi rói.
Có thêm sự tham gia của chồng một bệnh nhân nữ đến từ Đồng Nai. Anh nói: “Hai chị ráng nhịn cho mấy ổng vui chứ uống cái này cực kỳ khó chịu, đau quặn bụng và đi vệ sinh hoài mệt lắm”. Hơn một tháng trước, anh được vợ áp tải đi khám bệnh ở Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt - Nhật HECI và phát hiện có polyp đại tràng to. “May mà vợ tôi làm dữ, ép tôi đi khám. Bác sĩ nói polyp của tôi đã to, phát hiện kịp thời, để lâu có nguy cơ ung thư chứ tui thấy mình khỏe re, có bị gì đâu mà khám” - người đàn ông từ Đồng Nai nói. Lần này đến lượt anh bắt vợ đi khám và nội soi dạ dày - đại tràng.
Người phụ nữ tóc ngắn gật gù: “Tới tuổi ngoài 50 là phải đi khám sức khỏe định kỳ, nếu không trở tay không kịp. Chồng tui 67 tuổi, khỏe như vâm. Ổng còn chạy xe máy về quê Bình Định. Vậy mà một bữa vừa ăn cơm tối xong, ổng nằm nghỉ rồi đi luôn nên giờ tui sợ lắm, kêu người thân phải đi khám sức khỏe, tầm soát đại tràng, dạ dày, tim mạch...”.
Phải chi vợ “dữ dằn” hơn
Mỗi lần đến bệnh viện, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người vợ tay xách nách mang kè kè bên cạnh chồng trong lúc người chồng di chuyển từ phòng này sang phòng kia khám bệnh, xét nghiệm máu, làm chẩn đoán hình ảnh. Thực tế cho thấy, để các ông chồng chịu đi khám bệnh là… cả một vấn đề vì hầu hết các ông đều cho rằng không có dấu hiệu bất thường nghĩa là vẫn đang khỏe mạnh. Hay với những dấu hiệu nhỏ, mơ hồ như: đau thoáng qua, đau đầu nhẹ, húng hắng ho… thì ít ông nào chịu đi khám bệnh.
Đặc biệt, với những dấu hiệu có liên quan đến bệnh lý của phụ nữ, các ông càng cự tuyệt. Ở đơn vị tuyến vú, Trung tâm Ung Bướu Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi đã gặp những bệnh nhân nam bị ung thư vú. Hầu hết các bệnh nhân này khi đến bệnh viện đều ở giai đoạn nặng, đã di căn.
|
Những ông chồng được vợ hoặc người thân đưa đi khám bệnh |
Như trường hợp ông Vũ Văn D. (76 tuổi, ở Thanh Hóa) được phát hiện ung thư vú sau khi có dấu hiệu bất thường hơn 5 năm. Bà Nguyễn Thị V. - vợ ông D. - kể: “Cách đây hơn chục năm, phát hiện vú ông ấy bị rỉ dịch và máu, tôi khuyên ông đi khám xem có gì bất thường nhưng chẳng những ông không đi mà còn mắng tôi. Tôi lo lắm nhưng không làm sao bắt ông ấy đến bệnh viện được…”.
Ba năm sau, ông D. phát hiện vú trái có cục u bằng đầu đũa, bị ngứa và đóng vảy. Bà V. lại thuyết phục, năn nỉ chồng đi khám bệnh nhưng ông vẫn không đi. Vài tháng sau, cục u lớn nhanh, kích cỡ bằng đầu ngón tay cái và đau nhức khiến ông không ngủ được. Bà V. vẫn kiên trì thuyết phục chồng đi bệnh viên khám. Lúc đó, ông mới chịu đi. Kết quả: ông được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 1. Tuy nhiên, ông không tin mình mắc “bệnh của đàn bà” và từ chối hóa trị theo chỉ định của bác sĩ. Gần đây, khi khối u to cỡ quả chanh, chảy dịch và gây đau nhức, nghe lời mách bảo từ người quen, ông vào Bình Phước tìm thầy thuốc nam. Thấy ông uống mấy tháng không đỡ và ngày càng yếu hơn, vợ con quyết đưa ông vào Sài Gòn khám.
Khi đó, khối u của ông đã xâm lấn cơ ngực, có tổn thương ở phổi, nổi hạch ở nách. Bác sĩ xác định bệnh của ông D. đã vào giai đoạn 4 (giai đoạn cuối). Gần chục năm qua, bà V. luôn kề cận bên chồng. Bà thở dài: “Ông ấy gàn lắm, nói mãi không được. Phải chi ông ấy chịu nghe lời, đi chữa từ mười năm trước thì giờ đâu phải rơi vào tình cảnh ngặt nghèo này”.
Còn ông Đặng Văn P. (ở An Giang) bị tức ngực, ho suốt nhiều tháng. Biết chuyện, vợ ông khuyên chồng lên TP.HCM khám bệnh nhưng ông cứ gạt ngang: “Tui hút thuốc nhiều nên bị ho chớ có gì đâu!”. Cứ nửa đêm, ông không ngủ được, vợ ông lại năn nỉ: “Ông đi khám đi, có bệnh thì chữa còn không có thì mừng, tui không lo nữa”. Vậy mà ông vẫn kiên quyết không đến bệnh viện. Năm tháng sau, ông P. bị ho ra máu.Ông đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám thì được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối. Chưa đến ba tháng sau, ông qua đời ở tuổi 59. Vợ ông tức tưởi ước gì mình “dữ dằn” hơn, kiên quyết ép chồng đi khám bệnh thì có thể giữ được tính mạng cho chồng.
Để các ông quan tâm đến sức khỏe bản thân, chủ động đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hay đến bệnh viện thăm khám khi có triệu chứng bất thường là điều không dễ. Những câu chuyện thoát chết khi phát hiện bệnh sớm hay những chuyện buồn, để lại nỗi hối tiếc cho người thân do bệnh nhân đến bệnh viện quá muộn vẫn luôn đan xen. Và, ở các bệnh viện, hình ảnh những người vợ tay xách nách mang tất tả đưa chồng đi khám bệnh hay nuôi chồng nằm viện vẫn luôn để lại nhiều cảm xúc.
Bài và ảnh: Thùy Dương