Cưỡng chế cắt điện nước sẽ dẫn đến tình trạng bị “vạ lây”

22/10/2020 - 11:42

PNO - Nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị không bổ sung quy định ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế bởi sẽ gây “vạ lây” cho người không vi phạm và tạo bức xúc trong xã hội.

 

ĐBQG Phạm Văn Hòa đề nghị không bổ sung quy định cắt điện nước để cưỡng chế vào dự luật
ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị không bổ sung quy định cắt điện nước để cưỡng chế vào dự luật

Sáng 22/10, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhiều ĐBQH tranh luận về vấn để bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính, trong đó có vấn đề “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”.

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) bày tỏ sự đồng tình vì cho rằng Luật hiện hành cũng có một số biện pháp cưỡng chế nhưng thực tiễn cho thấy các biện pháp này là chưa đủ. “Tôi thấy việc bổ sung thêm biện pháp này là cần thiết, tuy nhiên phải làm thận trọng và chỉ trong một số lĩnh vực thôi. Ngoài ra, muốn việc thực thi có hiệu quả, phải gắn với trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ điện, nước”, đại biểu Tô Văn Tám nói.

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH lại bày tỏ quan điểm trái ngược. ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chia sẻ, không có vụ vi phạm hành chính nào có thể tồn tại, kéo dài nếu như các cấp từ xã, phường tới tỉnh, thành phố vào cuộc. “Chỉ có bỏ qua, thờ ơ, không đến nơi đến chốn mới tồn tại được”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cầu, việc cắt điện nước sẽ gây ra hệ quả không chỉ với người vi phạm mà còn những người có liên quan khác. Ông dẫn dụ: “Ví dụ một hộ dân thi công xây dựng một công trình tại thành phố không đúng và bị cắt điện nước. Vậy thì người già lấy gì để uống, trẻ con lấy gì để tắm và đi đâu? Như vậy tính nhân đạo không còn”.

Vị này cũng cho rằng, ĐBQH không nên tạo điều kiện cho cơ quan hành pháp một cách quá dễ dàng khi các biện pháp của pháp luật đã “có thừa và có đủ”.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, không nên tạo điều kiện quá dễ dàng cho
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, không nên tạo điều kiện quá dễ dàng cho cơ quan hành pháp khi các biện pháp pháp luật đã có đủ và thừa!

Tương tự, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đánh giá, việc xử lý vi phạm hành chính thời gian qua không gặp quá nhiều vướng mắc. Điện nước là nhu cầu thiết yếu, áp dụng thì sẽ gây ảnh hưởng đến các chủ thể khác không vi phạm bị “vạ lây”.

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cũng nhấn mạnh: “Điện, nước là nhu cầu thiết yếu của người dân. Đây là yếu tố nhạy cảm, nếu tiến hành cắt điện, nước dễ dẫn đến những bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội”.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI