Ngay trong tối 23/3, khi thông tin này xuất hiện trên báo, đã có cả một “làn sóng” người ủng hộ và mong quy định sớm được ban hành. Sự mong mỏi ấy bắt nguồn từ những bức xúc đã dâng cao trước những cá nhân không chịu đi cách ly hoặc không chấp hành “luật giới nghiêm”, có thể mang tai họa cho cộng đồng.
Có lẽ không cần phải nhắc đến cơn phẫn nộ của cộng đồng khi biết chuyện quận 2 phải mất gần 3 giờ đồng hồ để thuyết phục một người chịu đi cách ly tập trung hay chính quyền đã phải nhờ đến lãnh sự quán một số nước vận động công dân của họ chấp hành chủ trương đi cách ly tập trung.
|
Thực hiện đi cách ly tập trung vốn dĩ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, khi được yêu cầu |
Chỉ cần chú ý đến những bất an của cộng đồng cư dân khi chậm trễ đưa người cần phải cách ly đi cách ly cũng đủ thấy sự cấp thiết phải ban hành quy trình cưỡng chế thay vì chính quyền phải vất vả thuyết phục hay vận động. Mục tiêu lớn là ngăn chặn lây lan, đảm bảo sức khỏe của cộng đồng giữa mùa dịch bệnh chứ không phải ý chí, sự ẩm ương của một vài cá nhân.
Cách đây hơn 10 ngày, khoảng 22 giờ, nắm được thông tin ở quận X. có một ca dương tính với SARS-CoV-2, tôi gọi cho lãnh đạo quận hỏi thăm tình hình. Đầu dây bên kia là giọng nói mệt mỏi: “Chị vừa về đến nhà đây em, rã rời. Cái khó của chính quyền chính là thuyết phục được các F1 chịu đi cách ly tập trung, mà phải ngay lập tức. Rồi sau đó là dặn dò từng cá nhân khác có liên quan phải chấp hành quy định cách ly tại nhà”.
|
Việc xử lý một ca dương tính bất ngờ trong cộng đồng, đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực |
Việc xử lý một ca dương tính bất ngờ trong cộng đồng đòi hỏi nhiều thời gian. Ngoài điều tra dịch tễ hàng chục, có khi hàng trăm cá nhân liên quan thì vấn đề còn nằm ở chỗ không phải tất thảy đều hợp tác, chịu cách ly hoặc đi cách ly tập trung. Nên, sau 22g, khi câu chuyện giữa chúng tôi gần kết thúc, vị lãnh đạo quận mới chợt nhớ ra mình còn chưa kịp ăn cơm tối.
“Ngay lập tức”, “không thể trễ một giây” là những cụm từ chị liên tục lặp lại khi nói về quá trình xử lý hàng loạt trường hợp liên quan đến ca nhiễm; để thấy, nguy cơ trong việc chậm trễ đưa người đi cách ly tập trung lớn thế nào.
Như hôm qua, 23/3, trong cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban chỉ đạo - đã không dưới hai lần nhấn mạnh yêu cầu phải bố trí lực lượng sao cho người vừa hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, sau các bước kiểm tra y tế, phải được đưa đi cách ly tập trung lập tức.
Những người này, chậm trễ cũng đồng nghĩa với tăng khả năng tiếp xúc, tăng nguy cơ lây nhiễm chéo nếu trong số họ có ai đó đã mang sẵn SARS-CoV-2. Những ngày qua, trung bình sân bay Tân Sơn Nhất đón xấp xỉ 1.000 người về từ vùng có dịch mỗi ngày. Nguy cơ là rất thật, rất rõ.
|
Mỗi ngày, sân bay Tân Sơn Nhất đón xấp xỉ 1.000 người, sau các bước kiểm tra y tế, lập tức đưa đi cách ly tập trung đang là nỗ lực của thành phố, hòng hạn chế thời gian tiếp xúc, khả năng lây nhiễm nếu ai đó đã có sẵn SARS-CoV-2 |
Quy định cách ly tập trung mọi người xuống sân bay đã cho thấy hiệu quả khi phần lớn những ca nhiễm mới đều thuộc nhóm những người vừa về nước, đã được cách ly. Nhưng trước khi có quy định ấy, nhiều trường hợp nhiễm bệnh đã kịp “xâm nhập” vào cộng đồng.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong một cuộc họp về phòng chống dịch bệnh, đã dặn dò rất kỹ lãnh đạo các quận, huyện về việc phải kiểm soát tốt địa bàn lẫn lên phương án xử lý nhanh nhất một ca dương tính (nếu có) từ lực lượng đã “xâm nhập” vào thành phố. Ông trầm ngâm, lửng lơ rằng, thành phố đông dân, nội thành đông đúc, nếu có một ca dương tính bất ngờ…
Ca nhiễm thứ 91 là một ví dụ đáng lo ngại. Đến giờ này, thành phố vẫn đang tìm kiếm những cá nhân liên quan, tiếp xúc gần, tiếp xúc với tiếp xúc gần của không chỉ riêng bệnh nhân thứ 91 này mà còn của các ca dương tính do lây nhiễm chéo (F1 thành F0) từ ca 91.
Với xác suất lây nhiễm trong cộng đồng cao như thế, bằng tất cả sự lo lắng và bất an cũng như sự chia sẻ với những nỗ lực cực lớn của cả thành phố - từ lãnh đạo đến lực lượng y bác sĩ, dân quân, thậm chí sinh viên tình nguyện... ai nấy đều mong quy định cưỡng chế cách ly tập trung sớm được ban hành. Có như thế, mới hạn chế được tối đa nguy cơ tiếp xúc, khả năng lây lan. Chỉ 123 ca bệnh (tính đến sáng 24/3), thiệt hại về kinh tế, văn hóa, xã hội... đã là quá lớn. Nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, trước đây chúng ta đã quyết liệt thì nay càng phải quyết liệt hơn nữa.
Mà thực ra, trong câu chuyện đối phó với dịch bệnh, nơi mỗi cá nhân đều là một phần của công tác phòng chống; việc chấp hành đi cách ly tập trung hay tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu cách ly tại nhà phải chính là ý thức, bản năng bảo vệ bản thân, thân nhân và đồng loại trước nguy cơ. Để, dù có ban hành, thành phố vẫn không có cơ hội phải áp dụng cưỡng chế, bắt buộc bất cứ một trường hợp nào phải đi cách ly tập trung, bởi mọi người đều sẵn lòng tham gia phòng chống dịch, bằng trách nhiệm và sự trung thực của chính mình.
Tuyết Dân