Cuốn theo chiều gió: Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới…

01/12/2019 - 18:26

PNO - Cuốn tiểu thuyết về cuộc đời cô tiểu thư xinh đẹp Scarlett O’Hara qua những tháng ngày đau thương nhất của lịch sử nước Mỹ vẫn chưa bao giờ thôi lấp lánh trong lòng độc giả của mọi quốc gia, mọi ngôn ngữ.

Xuất bản năm 1936, Cuốn theo chiều gió của nữ tác giả Margaret M. Mitchell là một trong những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất mọi thời đại với hơn 28 triệu bản được phát hành trên toàn thế giới. Tác phẩm nhận được giải Pulitzer năm 1937, dựng thành phim năm 1939 và trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử Hollywood với con số kỷ lục về số giải Oscar nhận được.

Từ đó đến nay, cuốn tiểu thuyết về cuộc đời cô tiểu thư xinh đẹp Scarlett O’Hara qua những tháng ngày đau thương nhất của lịch sử nước Mỹ vẫn chưa bao giờ thôi lấp lánh trong lòng độc giả của mọi quốc gia, mọi ngôn ngữ.

Cuốn tiểu thuyết từ trong bệnh viện củaMargaret M. Mitchell

Cuốn theo chiều gió lấy bối cảnh chính là cuộc nội chiến Hoa Kỳ, những năm đen tối và thảm khốc nhất trong lịch sử nước Mỹ và kéo dài sang thời hậu chiến. Đối với nhân dân và quân đội Nam Mỹ, đó là những chuỗi ngày hỗn loạn, đầy khiếp sợ và đau thương.

 
Cuon theo chieu gio: Sau tat ca,  ngay mai la mot ngay moi…
Tác giả Cuốntheo chiều gió - Margaret Mitchell

Trước khi viết Cuốn theo chiều gió, Margaret Mitchell là một nhà báo “tầm tầm bậc trung” tại Atlanta. Năm 1925, vì một tai nạn, bà bị vỡ mắt cá chân và phải nằm viện một thời gian dài. Tại đây, để giải khuây, bà đã đọc hết tất cả những cuốn sách lịch sử của thư viện do chồng bà, John Marsh, đem tới. 

Cho dù rất thích thú với đề tài lịch sử, nhưng khi đó, Mitchell chưa hề có ý nghĩ mình có thể tự viết một cuốn tiểu thuyết cho riêng mình. Nhưng chẳng bao lâu sau, tất cả những cuốn sách của thư viện đã được bà đọc hết. Khi đó, chồng bà đã nói: “Peggy (tên gọi ở nhà của Mitchell), nếu em muốn một tác phẩm khác nữa, tại sao em không tự viết ra một cuốn". Và như một định mệnh, Margaret Mitchell đã bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết kinh điển của thế giới -Cuốn theo chiều gió - một cách bình dị như thế.

Bà đã viết cuốn sách liên tục trong 4 năm, tới năm 1929, khi vết thương đã lành thì cuốn truyện đã được viết gần xong. Tuy nhiên vào thời điểm đó, với sự nhút nhát và dè dặt, tất cả những trang bản thảo đã được Mitchell giấu kín, ngoài chồng là người giúp bà khá nhiều trong việc triển khai và sắp xếp nội dung cuốn sách, thì bà giữ bí mật với tất cả bạn bè và người thân về việc viết văn của mình.

Nhiều năm sau, Mitchell vẫn sống lặng lẽ với cuộc sống của một nhà báo, thì cuộc gặp gỡ tình cờ vào năm 1935 với một người của nhà xuất bản Macmillan là Howard Latham đã khiến cho cuộc đời của Mitchell bước sang một bước ngoặt hoàn toàn mới. 

Latham khi đó đang đi tìm một cây bút triển vọng ở miền Nam, qua những lời giới thiệu, Latham đã biết tới Mitchell và hỏi bà liệu có từng viết một cuốn sách nào không. Ngay từ đầu, Mitchell chưa hề có ý định giới thiệu cuốn sách của mình. Nhưng trước thiện chí của Latham, Mitchell đã bị thuyết phục, "nếu bà đã từng viết một cuốn sách, vui lòng cho tôi xem trước tiên".

Một vài người bạn của Mitchell khi nghe được đoạn đối thoại này đã cười phá lên: “Tưởng tượng xem, một người ngờ nghệch như Peggy lại viết một cuốn sách”. Mitchell đã tức giận khi nghe lời giễu cợt này và bà quyết định gửi toàn bộ bản thảo cho Latham.

Cuon theo chieu gio: Sau tat ca,  ngay mai la mot ngay moi…
 

Tuy nhiên, ngay sau khi vừa gửi đi thì Mitchell lập tức thấy ân hận về hành động của mình, bà đã gửi một bức điện cho Latham để nói rằng bà muốn đổi ý và xin hãy giữ lại tập bản thảo. Nhưng, tất cả đã muộn. Ông Latham đã đọc gần hết những gì Mitchell viết ra và đã nhận ra rằng, mình đang có trong tay một tác phẩm tuyệt vời. Ông thuyết phục Mitchell tin rằng đây sẽ là một tác phẩm ăn khách, đồng thời nhà xuất bản Macmillan đã gửi một tấm chi phiếu để khuyến khích bà hoàn thành cuốn tiểu thuyết. Tháng 3/1936, Cuốn theo chiều gió được hoàn thiện, và được xuất bản vào tháng Sáu năm đó.

Dù viết về cuộc nội chiến, nhưng Margaret đã lồng ghép trong tác phẩm những câu chuyện tình yêu vừa ngọt ngào vừa day dứt. Tất cả đan xen lẫn nhau, là những góc khuất trong tâm hồn, những yếu đuối, bản năng và nghị lực phi thường của con người trong những năm tháng gian khổ ấy. Sự kết hợp giữa bút pháp thực tế và mơ mộng giúp cho câu chuyện trở nên gần gũi và có cái nhìn đầy cảm thông với không khí ảm đạm của Hoa Kỳ những năm 30 trong “cuộc đại khủng hoảng kinh tế”. 

Và đúng như dự đoán của Howard Latham, gần như ngay lập tức sau khi xuất bản, Cuốn theo chiều gió đã trở thành hiện tượng của văn học Mỹ, là tác phẩm được bán chạy nhất trong lịch sử với 1 triệu ấn bản đã được bán hết trong vòng 6 tháng; được dịch sang hơn 30 ngôn ngữ khác nhau và phổ biến trên 40 quốc gia, và là một trong các tiểu thuyết bán chạy nhất cho tới nay. 

Ba năm sau, tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ cuốn sách do David O. Selznick sản xuất với sự tham gia của hai tài tử Vivien Leigh và Clark Gable cũng trở thành một bộ phim xuất sắc trong lịch sử điện ảnh của Hollywood với 9 giải Oscar và 3,4 tỷ USD doanh thu (kỉ lục thứ hai về doanh thu của ngành điện ảnh, chỉ sau bộ phim Titanic).

Cuon theo chieu gio: Sau tat ca,  ngay mai la mot ngay moi…
Nụ hôn kinh điển trong bộ phim Cuốn theo chiều gió

Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới…

Lúc đầu, Margaret từng có ý định đặt nhan đề cuốn sách là Ngày mai là một ngày khác (Tomorrow is Another Day), lấy từ câu kết của tác phẩm. Tuy nhiên, sau nhiều thảo luận, Margaret Mitchell đã quyết định đặt tên cuốn sách là Gone with the wind, được lấy từ ý thơ trong bài thơ Cynara của Ernest Dowson mà bà yêu thích. 

Ngoài những yếu tố lịch sử, điều làm nên thành công nhất trong Cuốn theo chiều gió là bút pháp miêu tả, khắc họa tính cách, tâm lý nhân vật vô cùng chân thực và sinh động của Margaret Mitchell. Đó là một thế hệ những thanh niên vừa tràn đầy lý tưởng nhưng cũng không thiếu những vị kỷ, yếu đuối của bản năng con người. 

Viết về những năm tháng lịch sử nhưng Margaret đã không cố gắng để “thần thánh hóa” các nhân vật của mình, ngược lại, mỗi nhân vật đều được bà khắc họa với đầy đủ những góc khuất sâu kín nhất của tâm hồn. Đó là một Scarlett kiêu hãnh, bướng bỉnh, thực dụng nhưng kiên cường và tràn đầy bản năng sống. Một Rhett Butler điên rồ, bất cần nhưng cao thượng. Một Ashley đầy lý tưởng nhưng yếu đuối và lạc lõng trong chính những lý tưởng của mình…

Sau này, dù Margaret Mitchell nói rằng hầu hết tác phẩm của mình là hư cấu từ trí tưởng tượng, nhưng những nhà nghiên cứu gần đây đã tìm thấy những điểm tương đồng với những người trong cuộc sống của bà, những người mà bà đã từng gặp gỡ hoặc có biết tới. Như nhân vật Rhett Butler được miêu tả với nhiều nét tương đồng với người chồng đầu tiên của Margaret là Red Upshaw, người mà bà đã kết hôn năm 1922 rồi sau đó ly hôn vì khám phá ra chàng đã từng là kẻ nấu và buôn rượu lậu. Nhân vật Scarlett O'Hara thì rất giống với Martha Bulloch Roosevelt, mẹ của Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt. 

Cuon theo chieu gio: Sau tat ca,  ngay mai la mot ngay moi…

Không chỉ có giá trị về mặt lịch sử và tâm lý, Cuốn theo chiều gió còn mang trong mình những giá trị về mặt bình đẳng giới, qua hình ảnh của những người phụ nữ thậm chí còn mạnh mẽ và kiên cường hơn đàn ông rất nhiều như Scarlett hay Melanie, hay thậm chí là Ellen hay bà cô già Fontaine, họ đều được miêu tả với trí tuệ và sự nhân hậu, quả cảm đáng ngưỡng mộ.

Dù sau này, tác phẩm cũng nhận một vài chỉ trích bởi cái nhìn thiếu khách quan với người da đen, và bị coi là ngầm ủng hộ chế độ nô lệ, cũng như một vài “bất ổn” trong nội dung như việc sử dụng rượu, nạn mại dâm… thì những gì mà cuốn tiểu thuyết mang đến đã tạo nên một giá trị lâu bền đến mức trở thành kinh điển trong lòng nhiều thế hệ độc giả. 

Lan Anh


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI