Cuốn sổ tiết kiệm của mẹ chồng

28/08/2021 - 05:53

PNO - Cuốn sổ tiết kiệm của mẹ chồng làm tôi vỡ ra nhiều điều, học được bài học lớn về cách chi tiêu và quản lý tiền bạc...

Vào tháng cuối của thai kì, tôi nằm trằn trọc suốt đêm không ngủ được, phần vì nhức mỏi cơ thể phần vì lo lắng về chuyện tiền bạc. Chỉ còn vài tuần nữa, chúng tôi sẽ đón con đầu lòng nhưng trong ví chỉ còn mấy triệu đồng trong khi tôi đã nghỉ việc còn chồng bị giảm lương do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tôi miên man nghĩ đến những chuyến du lịch dài ngày trước đây, những quán ăn nhà hàng sang chảnh mà chúng tôi liên tục tận hưởng. Quả thật thói tiêu xài hoang đã ngốn đi phần nhiều thu nhập hàng tháng của vợ chồng tôi.

Trước đây, tôi từng nghĩ, khi sinh con sẽ tự tay sắm sửa những thứ tốt nhất nhưng giờ đây, ngoài giỏ quần áo sơ sinh cũ chị chồng đưa lại, tôi chẳng sắm được cho con thêm cái gì.

Vợ chồng tôi cưới nhau hơn 4 năm, khi mới tốt nghiệp đại học được vài tháng. Khi ấy, chúng tôi đều có công việc với mức thu nhập ổn định. Tôi về làm dâu, ba mẹ chồng có tuổi nhưng tương đối dễ tính nên cuộc sống thoải mái.

Tôi lo lắng đến mất ngủ khi gần đến ngày sinh nở mà trong tay chỉ còn ít tiền do trước đây tiêu pha hoang phí. Ảnh minh họa
Tôi lo lắng đến mất ngủ khi gần đến ngày sinh nở mà trong tay chỉ còn ít tiền do trước đây không biết tiết kiệm. Ảnh minh họa

Trong khi bạn bè lo tiết kiệm tiền mua đất, làm nhà, sắm xe thì chúng tôi không phải lo lắng gì, vì nhà cửa, xe cộ có sẵn, cứ thoải mái du lịch, mua sắm, tận hưởng cuộc sống vợ chồng son.

Dù sống chung với ba mẹ nhưng chúng tôi ít khi ăn cơm nhà, thỉnh thoảng mua sắm đồ dùng nên không nghĩ đến việc đóng tiền sinh hoạt phí.

Lúc đầu, mẹ chồng cũng không nhắc nhở gì, nhưng sau lần chồng tôi gom hết tiền mừng đám cưới, tiền bán vàng để đầu tư chứng khoán rồi bị thua lỗ thì mẹ thay đổi thái độ.

Lần đó, chúng tôi mất gần như toàn bộ vốn liếng nhưng mẹ chồng thẳng thắn yêu cầu mỗi tháng vợ chồng tôi đóng góp 10 triệu đồng tiền sinh hoạt phí. 

Tôi thấy khó chịu khi mẹ chồng đưa ra đề nghị này ngay sau khi chúng tôi vừa mất một khoản tiền lớn. Nhưng sau khi tham khảo ý kiến của chị em bạn bè, họ đều khuyên tôi nên vui vẻ đóng tiền cho sòng phẳng, sau này đỡ phải mang ơn. Việc đóng tiền sinh hoạt cho mẹ chồng buộc tôi phải cắt giảm một phần chi phí ăn uống mua sắm và về nhà ăn cơm nhiều hơn.

Hầu như, tháng nào sau khi đóng tiền cho mẹ, chúng tôi đều tiêu sạch tiền lương, không tích lũy được xu nào. Hai năm trở lại đây, dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến công việc, thu nhập giảm nhưng số tiền đóng hàng tháng cho mẹ vẫn giữ nguyên.

Nhiều lần, tôi tỏ ra bức xúc với chồng vì nghĩ mẹ không biết thông cảm cho con cái, trong khi ông bà có tiền lương hưu. Khi đang rối bời vì công ty cho nghỉ việc do cắt giảm nhân sự, tôi lại phát hiện mình mang thai.

Mẹ chồng lo lắng chuyện ăn uống dưỡng thai cho tôi rất chu đáo, không thiếu thốn gì, nhưng tôi vẫn bứt rứt khó chịu. Khi nghỉ việc không có lương, tiền tích lũy không có, tôi mới thấy trước đây mình phung phí thế nào.

Chồng tôi cũng bất lực vì không làm thêm được gì, tôi thì không dám nghĩ đến việc ngửa tay xin tiền ba mẹ chồng để nuôi con, bởi vì bà chẳng đả động gì khi chồng tôi than vãn thiếu tiền.

Tối hôm trước, vợ chồng tôi tranh cãi kịch liệt về chuyện sinh ở bệnh viện nào. Tôi muốn chọn bệnh viện bình thường, chi trả theo bảo hiểm y tế cho đỡ chi phí nhưng chồng muốn sinh dịch vụ cho yên tâm. Mẹ chồng bất ngờ sang phòng, đưa cho chúng tôi cuốn sổ tiết kiệm 80 triệu đồng. Bà bảo: “Hai đứa đừng cãi nhau nữa, cầm lấy mà tính toán chuyện sinh nở và nuôi con. Cái gì cũng phải cân nhắc chi tiêu cho hợp lý. Giờ làm cha làm mẹ rồi, phải biết tích cốc phòng cơ”.

Thấy tôi có vẻ ái ngại, không dám nhận, mẹ cười bảo: “Tiền này không phải của mẹ cho đâu, tiền của vợ chồng con, mẹ giữ hộ đó”. Thì ra, hàng tháng, số tiền chúng tôi đóng sinh hoạt phí, mẹ trích phần nhiều để gửi tiết kiệm. Thế mà, trước đây, tôi đã âm thầm hờn móc mẹ chồng…

Hải Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI