Cuốn sổ tay tình bạn

11/10/2023 - 06:37

PNO - Chồng cô là người Đức. Hồi mới cưới, cô đã cười ngặt nghẽo khi phát hiện ra anh có một cuốn sổ nhắc lịch… gọi điện thoại cho bạn cũ.

Chồng lớn hơn cô 10 tuổi nên cô lại càng có cớ để chọc ghẹo rằng anh có “trí nhớ ông già” và rằng các mối quan hệ của anh quá nhàm chán. Cô tự tin phát biểu: phải cần nhắc để hỏi thăm nhau thì đâu phải là bạn.

Khi đó, cô tầm 23, 24 tuổi, chủ yếu tụ tập với đám bạn đại học và vài đồng nghiệp thân thiết. Cô gặp họ thường xuyên và muốn hẹn hò thì chỉ cần hú nhau trước vài tiếng đồng hồ là được. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nay cô đã trở thành mẹ của 2 đứa trẻ và cũng đã kinh qua vài công ty trong sự nghiệp đi làm của mình. Theo thời gian, nhiều mối quan hệ mới mở rộng. Bây giờ, cô có thêm hàng xóm, đồng nghiệp cũ, phụ huynh lớp con, bạn thể dục thể thao và cả những đối tác làm ăn lâu năm…

Một ngày vẫn đều đặn 24 tiếng, ở cái thành phố rộng và đông đến mức “lạc nhau là mất” này, lịch trình bận rộn mải miết cuốn cô đi. Không ít lần, cô giật mình nhận ra bản thân đã quên bẵng đi vài người bạn từng rất gần gũi và là một phần quan trọng trong suy nghĩ của nhau.

Tới lúc này, cô mới thực sự hiểu tại sao chồng lại duy trì thói quen “kỳ cục” ấy. 

Cô luôn thấy mình vô cùng may mắn vì có vài người bạn lâu năm, chơi thân với nhau từ hồi học phổ thông, rồi kết hôn, sinh con gần như cùng thời điểm. Tình bạn cứ lớn dần và bền chặt, nhờ những sẻ chia gần gũi quanh chuyện chồng con, nuôi dạy lũ nhóc hay quan điểm sống. Đó là những người cô không cần đưa vào “danh sách ghi nhớ” để định kỳ hỏi han, mà luôn hiện diện trong tâm trí cô. 

Cô cũng có những người bạn cũ mà cách đây vài năm cô từng không thích và ít muốn tiếp xúc. Mối quan hệ với họ dường như đã “đóng băng” ở những ngày xưa. Cô gặp họ mỗi năm trong buổi họp lớp và lần nào cũng vậy - vẫn những câu chuyện cũ, vẫn những chọc ghẹo kiểu đứa này hồi đó thích đứa kia hoặc đứa nào học giỏi đứa nào không…

Cô nhớ mình đã phát bực với Hải, người năm nào cũng hỏi lại những câu xã giao, hời hợt. Rồi chưa đợi cô kịp trả lời, lại quay về những câu đùa vô thưởng vô phạt quen thuộc. 

Cho đến một năm, khi cô thắc mắc không thấy Hải xuất hiện thì mới biết bạn vừa bị tai nạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Không trụ được ở thành phố, Hải phải về quê để nhờ cậy cha mẹ già chăm sóc.

Nghe đến đó, cô thấy lòng quặn lên, thầm ước lại được nghe tiếng nói cười ra rả đến vô tâm của thằng bạn biết mấy. Cô nhớ tụi nó. Đôi lúc, khi đi trên những nẻo đường quen thuộc, trong dòng suy nghĩ miên man, cô vẫn hình dung ra gương mặt hồi nhỏ của Hải, Liên, Vũ, Huy… rồi trong lòng dâng lên niềm thương vô hạn.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

Cô thương cả họ và chính mình - những đứa thiếu niên ngây ngô của năm ấy, nay đều đã bước vào đời và đang phải cố gắng mỗi ngày để hoàn thành vai trò riêng của mình. Cô mong lắm, rằng những nụ cười sẽ nở trên môi họ nhiều hơn là những giọt nước mắt. Càng hiểu rằng, tình bạn cũng như một cái cây, cần được chăm tưới bằng sự quan tâm chân thành.

Tối nay, sau khi lo cơm nước cho gia đình xong, cô bước tới ngăn kéo bàn, lấy ra cuốn sổ tay của mình, lòng rộn ràng xen lẫn hồi hộp khi bắt đầu một thói quen mới. Cô tự nhủ: đâu cần phải có lý do gì để gọi hỏi thăm nhau; bởi trên thế giới 8 tỉ người này, được là thanh xuân của nhau đã chẳng phải rất đặc biệt rồi đấy sao. 

Lê Dung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI