Cuối tuần, người dân nối nhau về thăm chiến trường Điện Biên Phủ

13/04/2024 - 10:31

PNO - Từng đoàn người, xe nối nhau dừng trước các di tích lịch sử tại Điện Biên Phủ; ai ai cũng muốn cảm nhận được những ngày “bùn, máu và hoa”.

Chiến thắng trong thiếu thốn, gian khổ

Du khách chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ
Du khách chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh "Chiến dịch Điện Biên Phủ"

Dịp cuối tuần, người dân khắp các tỉnh, thành trong Nam, ngoài Bắc “về thăm chiến trường xưa” - TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên càng đông.

Từ sáng sớm, các di tích Đồi A1, Đồi D - Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, hầm Đờ Cát… đã rất đông du khách. Các cơ sở dịch vụ đều nhận xét: “Chưa bao giờ Điện Biên Phủ đón nhiều khách như năm nay”.

Khách hành hương nghe hướng dẫn viên thuyết minh về cứ điểm đồi A1
Du khách hương nghe hướng dẫn viên thuyết minh về cứ điểm Đồi A1
Xếp hàng chụp hình kỉ niệm trước hầm Đờ Cát
Xếp hàng chụp hình kỷ niệm trước hầm Đờ Cát
Bà Trần Thị Loan, con gái của liệt sĩ - chiến sĩ Điện Biên Trần Văn Bính
Bà Trần Thị Loan, con gái của liệt sĩ - chiến sĩ Điện Biên Trần Văn Bính

Bà Trần Thị Loan cùng hội cựu chiến binh của huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An chuẩn bị cho chuyến về nguồn này từ sau tết Nguyên đán. Bà là con của liệt sĩ - chiến sĩ Điện Biên Trần Văn Bính. Khi đến Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, bước vào phòng tranh panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Loan lặng người:

“Trước đây tôi được nghe mẹ, đồng đội của cha kể nhiều về chiến trường Điện Biên. Nhưng phải đến chuyến đi này, tôi mới phần nào cảm nhận được đời sống chiến sĩ Điện Biên của cha, mới cảm nhận được cái thời “bùn, máu và hoa” đầy gian khổ, hào hùng”.

Từng trải qua trận Thành cổ Quảng Trị khốc liệt, song, đến với chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, cựu binh Nguyễn Văn Thiều vẫn phải thốt lên: “Tôi khâm phục cha ông... Chống thực dân Pháp thiếu thốn, gian khổ đủ đường nhưng cuối cùng, cha ông ta đã chiến thắng”.

Nhóm học sinh đến từ TP Sơn La trên đồi A1
Nhóm học sinh đến từ TP Sơn La trên Đồi A1

Trên Đồi A1, thầy giáo Lê Văn Đăng hướng dẫn đoàn học sinh đến từ TP Sơn La (tỉnh Sơn La) ổn định đội hình. Bước chân non nối nhau trên Đồi A1 - cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, nơi 70 năm trước đã diễn ra những trận đánh oanh liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cậu bé Trần Tuấn Minh - học sinh lớp Năm - chia sẻ: “Trước khi lên Điện Biên, con đã đọc rất nhiều về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến đây, con đã phần nào hình dung được các trận đánh của ông cha”.

“Tôi khâm phục Việt Nam”

Từ trung tâm TP Điện Biên Phủ, từng đoàn xe nối nhau vượt những con đèo để đến với Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng). Mọi người bảo nhau, phải đến Mường Phăng thì chuyến về thăm chiến trường xưa mới trọn vẹn.

Nhưng bước chân nối nhau vào Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ
Nhưng bước chân nối nhau vào Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

Quần thể di tích của Sở chỉ huy nằm trọn trong cánh rừng nguyên sinh, bà con Mường Phăng vẫn gọi nơi này bằng cái tên thân thuộc - Rừng Đại tướng.

Đoạn đường thăm Sở chỉ huy khá dài, nhiều đoạn dốc; đoàn đến từ TPHCM động viên nhau bằng giai điệu Hò kéo pháo - bài hát được nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tập trung nghe hướng dẫn viên người Thái của xã Mường Phăng thuyết minh
Tập trung nghe hướng dẫn viên người Thái của xã Mường Phăng thuyết minh

Con đường nhỏ dẫn đến lán làm việc của Ban thông tin chiến dịch, lán ngủ của điệp báo viên, hầm tổng đài điện thoại, bếp Hoàng Cầm… rồi đường hầm dài 320m đào xuyên qua lòng một quả đồi để tránh bom và đại pháo, là nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái…

Trước lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trước lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đau chân, phải chống nạng, nhưng ông Nguyễn Trung Thực vẫn quyết tâm cùng hội cựu chiến binh xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) về chiến trường xưa. Ông Thực chống nạng trên suốt cung đường gồ ghề của Sở chỉ huy chiến dịch.

Các con gọi điện, càm ràm khi thấy ông thập thễnh từng bước. Gạt mồ hôi, ông Thực mắng: “Đồng đội tao ở đây, có gì mà tao không đi được”. Bấy giờ ông Côn - người đang dìu ông Thực - mới nhìn lên màn hình điện thoại: “Có các chú rồi, chúng mày yên tâm”.

Phải chống nạng, cựu binh Nguyễn Trung Thực vẫn quyết tâm hành hương đến Mường Phăng
Phải chống nạng, cựu binh Nguyễn Trung Thực vẫn quyết tâm về Mường Phăng

Bà Natalia (71 tuổi, đến từ nước Nga) xúc động nói: “Ngày trước tôi được học về lịch sử chiến tranh chống Pháp của Việt Nam, tôi rất khâm phục. Nên khi vào đại học, tôi đã chọn học tiếng Việt.

Bà Natalia trong Rừng Đại tướng
Bà Natalia trong Rừng Đại tướng

Tôi nói tiếng Việt đã được 50 năm rồi. Lần này thăm Điện Biên Phủ, thăm Sở chỉ huy Chiến dịch, tôi càng hiểu rõ hơn về lịch sử rất đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. Các bạn đã chiến đấu ngoan cường để giành được độc lập”.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI