Cuối tuần này, Thủ tướng họp bàn công bố hết dịch COVID-19

29/05/2023 - 20:25

PNO - Theo bà Đào Hồng Lan, Bộ Y tế cũng đang phối hợp rà soát các biện pháp thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam.

Bà Đào Hồng Lan khẳng định với các giải pháp đã triển khai, vấn đề cung ứng thuốc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân
Bà Đào Hồng Lan khẳng định, với các giải pháp đã triển khai, vấn đề cung ứng thuốc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân

Sẽ bàn về việc công bố hết dịch COVID-19

Chiều 29/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã làm rõ một số ý kiến của ĐBQH liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Về vấn đề ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) đề xuất công bố hết dịch, chuyển từ bệnh nhóm A sang bệnh nhóm B đối với dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch chưa kết thúc.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đang phối hợp rà soát các biện pháp thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam.

“Bộ Y tế đã chủ trì cùng với các Bộ, ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Để chuẩn bị cho việc công bố hết dịch COVID-19, căn cứ vào quy định của luật, dự kiến vào cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 bàn thảo các nội dung liên quan đến nội dung này” - bà Đào Hồng Lan nói.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã xây dựng chương trình quản lý bền vững với COVID-19, đề xuất đưa vắc xin COVID-19 vào chương trình tiêm chủng mở rộng như khuyến cáo của WHO.

Về vấn đề giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật giá. Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng bệnh… 

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, với các giải pháp tích cực, đến thời điểm này, cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. Nguồn cung thuốc hiện có khoảng 22.000 mặt hàng, theo bà Đào Hồng Lan “đã đáp ứng cơ bản nhu cầu thuốc của nhân dân”.

Tuy nhiên, cần có giải pháp cụ thể đối với tâm lý sợ mua sắm, đấu thầu. Bộ Y tế đang tham mưu các chính sách và mong muốn nhận được sự đồng hành để tháo gỡ vấn đề liên quan đến tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu bằng những chính sách, giải pháp mang tính chất pháp lý đầy đủ và căn cơ.

Về chính sách y tế cơ sở và y tế dự phòng, Bộ trưởng đánh giá cao và trân trọng tiếp thu các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các ĐBQH. Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ về xây dựng Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới. Hồ sơ này chuẩn bị trình Ban Bí thư vào tháng 6/2023, với nhiều nội dung liên quan tới mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế triển khai thực hiện, phương thức triển khai thực hiện…

Quỹ vắc xin đã tiêu 7.672 tỉ đồng

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc công khai thông tin về Quỹ vắc xin tại phiên thảo luận
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc công khai thông tin về Quỹ vắc xin tại phiên thảo luận

Làm rõ ý kiến ĐBQH về vấn đề Mặt trận Tổ quốc đề nghị Mặt trận Tổ quốc cấp dưới nộp tiền về Mặt trận Tổ quốc cấp trên để nộp vào ngân sách hoặc nộp vào quỹ vắc xin, tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ở đây là chỉ đề nghị nộp tiền mà doanh nghiệp và người dân hỗ trợ để mua vắc xin.

Ngân sách Trung ương đã bỏ tiền ra mua trước và chi từ Quỹ vắc xin. Vì vậy, phải chuyển trở lại. Các nguồn lực chống dịch khác được để lại địa phương và thực hiện chống dịch và đưa vào sử dụng hiện đại hóa thiết bị y tế.

Quỹ vắc xin nhận được 693.476 lượt ủng hộ, hiện nay thu được 10.791 tỉ đồng, trong đó chi mua vắc xin 7.672 tỉ đồng, còn dư 3.118,9 tỉ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ thêm, trong bối cảnh chưa từng có nhưng Chính phủ đã rất quyết liệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhanh chóng để xây dựng quy chế và thành lập Quỹ vắc xin. Nhờ đó đã giúp có ngay nguồn lực để chủ động về vấn đề mua vắc xin. Đồng thời, trong xuất hàng viện trợ, các cơ quan cũng phải áp dụng biện pháp xuất hàng trước, lấy chứng từ, hồ sơ sau để cứu người dân.

Báo cáo làm rõ vấn đề về bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay bảo hiểm y tế chỉ thu 4,5%, trong đó 1,5% là người lao động nộp, 3% là người sử dụng, đơn vị sử dụng lao động nộp. Có nghĩa, Quỹ Bảo hiểm y tế có hạn, trong khi chi ra gần như không hạn chế. Như vậy phải quản lý theo dự toán. Nhưng có một hiện tượng là hiện nay y tế cơ sở, y tế cấp dưới đẩy lên y tế cấp trên, y tế cấp trên lại chuyển lên y tế cấp cao nhất. Bộ trưởng Hổ Đức Phớc cho biết, trong thời gian tới, khi sửa đổi sửa Luật Bảo hiểm y tế sẽ lưu ý vấn đề này, cấp bù ngân sách thế nào cho y tế tuyến cuối để đảm bảo cho thanh toán y tế một cách thuận lợi nhất.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI