Cười từ bếp tới bàn ăn

22/09/2021 - 12:57

PNO - Cả nhà xúm vào làm nhà phê bình, làm giám khảo chấm điểm món ăn, lôi cô em ra trêu chọc từ bếp tới bàn ăn rồi cười vang...

Căn nhà anh Huỳnh Kim Sơn (cán bộ phòng Đào tạo Trường đại học Khoa học tự nhiên) và chị Nguyễn Thị Minh Trang (Kỹ thuật viên KCS Nhà máy dầu Tường An) luôn rộn tiếng cười, bởi phong cách sống phóng khoáng, lạc quan của các thành viên.

Hồi cô con út Mai Ka lấy chồng, chị Trang tếu táo: “Người mừng nhất có lẽ là… ông bà Táo, vì từ nay ông bả thoát khỏi những món ăn không tên tuổi, trời ơi đất hỡi của con nhỏ, không còn ai quậy cái bếp”. Tếu táo vậy thôi, chị Trang rất yên tâm về tay nghề làm bếp của con gái.

Gia đình hạnh phúc của anh Sơn, chị Trang (Mai Ka bìa phải, Thủy bìa trái)
Gia đình hạnh phúc của anh Sơn, chị Trang (Mai Ka bìa phải, Thủy bìa trái)

Mai Ka có tâm hồn ăn uống từ nhỏ. Hồi tiểu học, cô bé đã có cuốn sổ ghi chép tất cả các món ăn ngon mà cô bé có dịp thử. Cũng hồi tiểu học, cô giáo hỏi cả lớp thích món bánh gì nhất, Mai Ka nói: “Con thích tất cả các loại bánh làm từ bột gạo và nếp”. Cả lớp cười bò. Cũng vì thích, nên Ka tập làm. Đứng chưa kịp cao bằng cái bếp, cô bé đã bắt ghế đứng “quậy”. Ka tập làm bánh đúc, bánh bột lọc, bánh ướt…

Lúc đầu có mẹ cầm tay chỉ việc, sau, chị Trang thấy con biết cách giữ an toàn khi nấu nướng thì giao bếp cho con, chị quanh quẩn cạnh đó để ngó chừng và.... chọc cho con cười.

Mai Ka còn có tài pha chế nước uống. Ổi, cần tây, rau má, chùm ngây… tất tần tật Ka đều cho vào máy xay. Nói cho tất vậy thôi, Ka biết pha chế sao cho phù hợp mùi vị, dễ uống. Chùm ngây mùi nồng thì xay cùng khóm, xoài. Cần tây thì kết hợp với chuối, ổi... Anh Sơn mỗi lần uống nước ép của con gái đều thận trọng, vì sợ… nếm phải “độc thủ” của con nhỏ.

Mai Ka lấy chồng, bé Nguyễn Thị Thanh Thủy (cháu ruột chị Trang, vẫn gọi anh chị là ba Sơn, má Ba) liền thế chỗ chị. Thủy học ngành công nghiệp thực phẩm, từng thực tập ở Thái Lan nên các món ăn của Thủy luôn pha trộn giữa phong cách Thái và Việt, đa dạng tới nỗi… luôn làm cả nhà kinh ngạc và lấy đó làm đề tài trêu chọc cô bé.

Hồi đi học, ai làm giùm em môn vẽ vậy?
"Hồi đi học, ai làm giùm em môn vẽ vậy?"

Thủy luôn yêu cầu cao: thực phẩm phải lựa chọn kỹ, không độc hại, đủ dinh dưỡng và còn phải đẹp. Hôm Thuỷ làm món cơm chiên Dương Châu, trang trí thành hình mặt gấu đang cười. Nhìn đĩa cơm, Mai Ka cười bò, trêu em: “Hồi đi học, ai làm giùm em môn vẽ vậy? Có thi lại lần nào chưa?”.

Thấy Thủy loay hoay trong bếp, anh hai Sóc Nâu muốn trêu em nên than: “Có gì ăn chưa Thủy ơi, bụng anh kêu rột rột rồi nè. Đằng nào cũng vào chung một chỗ, em xúc đại ra đây đi”. Cô em nhất định làm đủ các bước, sau đó chọn chén đĩa đẹp, trang trí bắt mắt rồi mới mang lên.

Cả nhà xúm lại làm nhà phê bình, rồi làm giám khảo chấm điểm món ăn, lôi cô em ra trêu chọc từ bếp tới bàn ăn. Tiếng cười rộn khắp nhà nên chẳng ai có thời gian để buồn.

Mùa dịch, Thủy làm việc tại nhà nên càng siêng vào bếp. Mấy trái khổ qua anh Sơn trồng được trên sân thượng, cô bé mang ra dồn thịt, rồi hấp, làm nước sốt rưới lên. Cả nhà tấm tắc vì mùi vị lạ miệng, không ngán. Khi cả nhà ăn chay, bé Thủy làm các món chay “y hệt đồ mặn, ngon quéo lưỡi” -  như lời anh Hai khen tặng.

Món chay ngon quéo lưỡi
Món chay ngon... quéo lưỡi
Cả nhà xúm xít bên nhau rất vui
Cả nhà xúm xít bên nhau rất vui

Chị Trang luôn ủng hộ cách nấu bếp của hai cô con gái: cứ thoải mái sáng tạo, không thành công thì làm lại. Phụ nữ tìm được niềm vui bếp núc cũng là hạnh phúc, là một cách xả stress sau những giờ làm việc căng thẳng.

Vào bếp để vui, không xem như trách nhiệm, sẽ thấy rất nhẹ nhàng.

Đức Phương                                                                                                                                                                                                                                                                

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI