Khi bước vào hôn nhân, có người phải thận trọng trải qua yêu thương, tìm hiểu; nhưng cũng có người chỉ đơn giản cứ… cưới rồi mới từ từ… yêu sau. Cho dù thế nào thì khi thành vợ chồng là hai người trong cuộc đã thật sự có duyên nợ với nhau. Nhưng, duyên nợ là một lẽ, còn có chung sống lâu dài và hạnh phúc bên nhau không, lại còn tùy vào nỗ lực tự thân của mỗi người…
Cưới trước, yêu sau
Vợ chồng Khánh Linh
Khánh Linh từng có một tuổi thơ bất hạnh. Sáu tuổi, cha bỏ đi, rồi mẹ có gia đình mới, chị rời Sóc Trăng lên TP.HCM sống với dì. Một thời gian ngắn sau đó, chị dọn ra ngoài tự mưu sinh. Nhiều buổi chiều đi làm về ngang qua một phòng tập gym, Linh “bị” một chàng trai để ý. Không dám tán tỉnh ngay, anh xin số điện thoại của Linh để nhắn tin. Phải đến hai tháng sau anh mới dám hẹn gặp. Chỉ vừa nghe anh nói "đã yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên", Linh… tá hỏa, thẳng thắn: “Chị không thích người nhỏ tuổi hơn mình. Hơn nữa, chị xác định quen ai là phải cưới ngay mà Đức mới 19 tuổi thì làm sao?”. Đức nói gọn: “Vậy thì cưới chứ sao!”.
Tưởng Đức chỉ đùa, không ngờ ngay hôm sau là cha mẹ Đức gọi Linh đến nói chuyện. Đúng như Linh nghĩ, ông bà ái ngại vì thấy Linh không chỉ hơn Đức năm tuổi mà còn quá chững chạc so với tuổi của mình, trong khi Đức vẫn đang “lông bông”, chưa có nghề nghiệp ổn định. Mẹ Đức chất vấn: “Hai đứa lấy gì mà cưới? Làm chồng rồi, Đức lấy gì lo cho vợ con?”. Nhớ lại giây phút ấy, Linh kể, mình bỗng dưng lại muốn bảo vệ tình cảm Đức dành cho mình, nên quyết liệt: “Nếu cưới thì bọn con sẽ tự lo mọi thứ, không làm phiền đến hai bác! Thành vợ chồng, con tin Đức sẽ khác, sẽ thay đổi theo yêu cầu của cuộc sống chung”. Linh cho biết, sở dĩ chị dám “trả treo” vì cha mẹ Đức tuy “bàn ra” nhưng lại không phản đối.
Thật tình sau đó, Linh cũng không mấy nặng lòng về cuộc trò chuyện trên, vì bấy giờ chị vẫn chưa có cảm xúc yêu đương gì với Đức. Thế nhưng, hai ngày sau mẹ Đức lại gọi cho Linh, hỏi: “Con tính khi nào cưới?”. Bối rối, chợt nhớ đến ngày sinh nhật của mình, Linh chọn ngày 6/12/2014 - tức đến gần một năm sau. Được người lớn chấp nhận, đã hẹn ngày cưới, nhưng Linh vẫn thẳng thắn với người sắp thành chồng mình: “Giờ thì lo làm lụng, tích cóp nha! Cưới thì cưới chứ Linh chưa yêu đâu”… Đức tâm sự, lúc đó anh không hề thấy tổn thương, tự ái mà ngược lại, còn ngạc nhiên bởi sự bộc trực ấy và càng thêm yêu thương, trân trọng Linh. Anh thừa biết Linh chưa yêu mình, nên nếu Linh nói “đã yêu” thì e rằng sự lừa dối đó đã khiến anh… chạy mất dép.
Ngoài tiệm nail đang làm, Linh nhận tư vấn giảm cân cho một phòng gym; Đức bỏ ngang việc học nghề tóc, xin làm huấn luyện viên thể hình. “Chạy đua” dành dụm, nhưng thi thoảng Linh vẫn kéo Đức tham gia những chuyến phiêu lưu với mình. Vốn mê khám phá các cung đường, vùng đất chưa biết nên từ năm 17 tuổi, Linh đã sắm một chiếc xe gắn máy để độc hành với niềm vui trải nghiệm. Đức thì là “quý tử” vì cha mẹ muộn con, nên được chiều chuộng từ bé, chưa từng đi đâu xa mà không có cha mẹ đi cùng. Lần đầu rủ Đức tham gia một chuyến phượt; suốt dọc đường, Linh… phát cáu khi cứ dăm ba phút là cha mẹ Đức lại gọi điện nhắc nhở, hỏi thăm. Trở về, Linh một lần nữa thẳng thừng: “Ba mẹ đã cho con cưới Đức, thì cứ để con lo cho anh ấy được không?”.
Hiểu đúng sự khác biệt
Linh chia sẻ, chị cứ ngỡ sự thẳng thắn của mình sẽ khiến cha mẹ chồng khó chịu hoặc tổn thương, nhưng không ngờ lại khiến họ yêu quý con dâu tương lai hơn, vì cho đó là sự thẳng thắn đúng đắn và cần thiết bởi họ vẫn lo Đức còn non trẻ. Có lần, thấy Đức nói chuyện “trống không” với cha mẹ, Linh nhắc nhở, Đức vẫn không thay đổi, chị đã nổi nóng, nạt: “Với ba mẹ mà anh không tôn trọng thì tôn trọng ai đây?”. Giận vợ “dạy đời”, Đức quát lại. Giận chồng tự ái không đúng chỗ, Linh nổi nóng… đập vỡ nhiều vật dụng trong phòng. Tình trạng căng như dây đàn của đôi vợ chồng trẻ khiến mẹ Đức “phát sốt”.
Bà lặng lẽ thu dọn “tàn tích” cơn giận của con dâu; nhưng Linh lo bà sẽ cho cả hai một trận, thậm chí đuổi mình khỏi nhà. Nhưng không, bà lại nhẹ nhàng: “Lần sau vợ nói cái gì đúng thì Đức nên nghe. Còn Linh, vợ chồng giận nhau mà đập đồ nữa thì mẹ đập con đấy! Con với cái”.
Linh tâm sự, chị rất xúc động vì cái cảm giác được mẹ chồng coi như con ruột qua cách nói của bà. Quả thật, biết Linh vốn thiếu hơi ấm gia đình, mẹ chồng đã hết lòng thương yêu, bù đắp. Mỗi trưa bà đều mang cơm nóng đến chỗ làm cho con dâu. Yêu quý tấm lòng của cha mẹ gia đình chồng, Linh tranh thủ những ngày rỗi nấu món ngon cho ông bà, cố kiềm chế cái tôi của mình để những xung đột với chồng chỉ dừng ở tranh luận, tránh làm cha mẹ phiền lòng.
Đức khẳng định, sau cơn… đập đồ lần ấy của Linh, vợ chồng anh gần như không còn cãi cọ nữa. Bí quyết của hai người là trong hôn nhân, mỗi người phải biết chấp nhận khác biệt, đặt đúng sự khác biệt của đối phương vào vị trí vốn có của người đó, không đòi hỏi, không quyết liệt buộc phải thay đổi. Làm chồng ở tuổi đôi mươi, Đức vẫn còn rất ham chơi, Linh hiểu nên không cấm cản, chỉ nhẹ nhàng khuyên chồng hạn chế. Linh tự điều chỉnh bằng cách cố gắng tóm gọn những thông tin cần thiết để lôi kéo sự chú ý của chồng. Ngược lại, Đức cũng dần hiểu và chấp nhận việc vợ mình hơn tuổi, lại sớm tự lập, nên cá tính mạnh mẽ, đôi lúc cứ như “bà chị”.
Tuy nhiên, có những nguyên tắc họ đã thống nhất ngay từ buổi đầu với nhau để gìn giữ tổ ấm: có buồn hay phật ý đối phương thì tuyệt đối không đăng tải trên các trang mạng xã hội; những tối chủ nhật là dành đưa cha mẹ “ngao du” phố xá, thưởng thức những món ngon; thẳng thắn nói ra những mong muốn của mình… Linh kết luận: “Dù cuộc hôn nhân mới toanh, chưa nói được điều gì, chưa biết chỉ là một đoạn đi ngang đời nhau hay duyên nợ lâu dài, nhưng chúng tôi vẫn từng ngày vun vén hạnh phúc để sau mỗi bước chân nhìn lại đều thấy tự hào vì mình đã hết sức cố gắng, không hối hận. Vợ chồng là duyên nợ nhưng hạnh phúc thì cần ý thức nỗ lực mới gìn giữ và bảo vệ được”.
“Trên thương trường có mệt mỏi gì thì tìm về thiên nhiên, gia đình sẽ được chữa lành hết”, anh Nguyễn Văn Mết, Tổng giám đốc Công ty Met Foods nói.