Những người quen đều nhận xét là tôi khó tính, có phần cổ hủ, lại quá nghiêm túc nên không có người yêu. Vì vậy, cái tin tôi có người yêu và chuẩn bị làm đám hỏi đã khiến không ít người bất ngờ.
Tôi gặp anh tại tiệc cưới của cô bạn cùng trường. Anh là đồng nghiệp của chú rể. Chỉ sau hai tháng kể từ lần gặp đó, tôi đã nhận lời yêu và thêm hai tháng nữa là chúng tôi tính chuyện tổ chức đám hỏi. Tình yêu phát triển nhanh đến mức nhiều lần tôi tự hỏi: liệu mình có quá vội vàng? Nhưng, niềm tin của tôi đã được củng cố vì mọi người quen biết đều ủng hộ quan hệ này, thông tin về gia đình anh lại rất tốt. Vì tin anh, nghĩ trước sau gì cũng cưới, tôi đã sống như vợ chồng với anh.
Không ngờ, khi biết mình có thai cũng là lúc tôi phát hiện anh còn lăng nhăng với vài cô gái khác. Tôi trách móc, lúc đầu anh chối quanh, bảo tôi không nên nghe thiên hạ đàm tiếu. Chỉ đến khi tôi bắt quả tang, anh mới thẳng thừng thách thức: “Thế em có muốn cưới không? Cứ quan trọng hóa vấn đề là xong đấy, đừng tỏ ra mình đoan trang nữa, cô giáo”. Câu nói của anh như tát thẳng vào mặt tôi. Tôi thấy mình chẳng còn yêu thương gì anh nữa, nếu không vì đứa con trong bụng, chắc tôi đã chia tay tức khắc. Những ngày sau, anh chẳng thèm quan tâm đến tôi nữa.
Tôi than mệt mỏi, anh buông một câu: “Bình thường thôi, ai mà chẳng thế. Em không phải là đàn bà à?”. Gần hai tuần sau, anh bảo, mẹ anh xem bói, thầy nói chúng tôi khắc mạng không thể kết hôn và đề nghị chia tay. Nhẫn tâm hơn, anh vứt hai triệu đồng vào mặt tôi để giải quyết hậu quả, coi như xong trách nhiệm. Tôi đau đớn cùng cực. Càng hận anh, tôi càng quyết tâm giữ đứa con, dù biết con đường phía trước rất chông gai.
Những tháng đầu tiên của thai kỳ, tôi sống trong bao lo âu. Vốn là một người từng phản đối mọi sự buông thả trong tình yêu, lại đang đứng trên bục giảng, lúc nào cũng khuyên răn học trò nên tôi tìm mọi cách che giấu tình trạng mang thai của mình. Mang đôi giày đế thấp đi làm, chỉ cần có người hỏi: “Sao hôm nay mang giày kỳ vậy?” là tôi vội vàng thanh minh như ăn vụng bị bắt quả tang. Ở các bữa tiệc, không muốn uống bia hay nước ngọt, tôi gọi nước lọc, nhưng cứ nghe mọi người xì xào là tôi ăn mất ngon. Trong khi các bà bầu tung tăng diện đủ mốt, tôi phải mang quần đi “nới lưng” cho vừa.
Nhìn cô đồng nghiệp cấn thai cùng tháng với mình công khai tỏ ra mệt mỏi, than thở đủ điều, tôi tủi thân muốn khóc. Ngay cả việc uống sữa bà bầu tôi cũng phải lén lút. Ở trường rất mệt nhưng tôi không dám về thăm nhà, sợ phải nhìn vào ánh mắt lo âu của mẹ, sợ cơn giận của bố, sợ em gái hoang mang vì lâu nay vốn nhìn tôi như thần tượng.
Tháng thứ tư, bụng tôi đã lùm lùm. Tôi bị triệu tập hết cuộc kiểm điểm này đến cuộc họp khiển trách khác. Nếu như tôi quá lứa lỡ thì, có lẽ mọi người cũng thông cảm với việc kiếm một đứa con cho đỡ hiu quạnh tuổi già. Đằng này, tôi còn trẻ nên họ quy chụp tôi đã sống buông thả mới lãnh hậu quả như vậy. Những chị em thân thiết trong trường trách tôi dại, sao không giải quyết đi cho nhẹ nợ, đời còn dài lo gì không có người thương. Nhưng, lương tâm không cho phép tôi làm điều đó.
Rồi tôi bị đình chỉ đứng lớp, chuyển sang làm thư viện vì nhiều người trong hội đồng sư phạm cho là tôi không đủ tư cách để giảng dạy. Tiền lương của tôi cũng bị cắt giảm theo, trong khi các chi phí dưỡng thai ngày càng tăng khiến cuộc sống của tôi khá chật vật. Không còn cách nào khác, tôi phải trả phòng trọ về tá túc nhà bố mẹ, chấp nhận đi làm xa hơn hai chục cây số.
Điều khổ sở nhất của tôi là khi bắt gặp những ánh mắt học trò nửa ngơ ngác nửa trách móc nhìn tôi lầm lũi vào trường. Chỉ cách đó vài tháng thôi, tôi còn là người dạy chúng phải tỉnh táo, bản lĩnh, phải biết giữ mình trước mọi cám dỗ. Tôi chỉ còn một điểm tựa duy nhất để đứng vững trong sóng gió là đứa con đang lớn dần trong bụng. Nhưng, đời ai biết trước chữ ngờ...
Ngày tôi nhập viện sinh nở thì vô tình gặp anh đưa một cô gái đi khám thai. Nhìn vẻ mặt trâng tráo của anh ta, cố tình làm như không hề quen biết, tôi không kiềm chế được, đã xông đến mắng chửi thậm tệ. Vì quá tức giận, huyết áp tôi tăng đột ngột. Các bác sĩ sợ tôi bị tiền sản giật nên buộc phải mổ bắt con sớm hơn dự định, dù tình trạng sức khỏe tôi quá yếu.
Để giữ tính mạng cho mẹ, đứa con mà tôi phải đánh đổi cả danh dự, sự nghiệp, chấp nhận bao tủi nhục ê chề đã không còn nữa. Nhìn những bà mẹ xung quanh hạnh phúc ôm con sau cơn vượt cạn, tôi chỉ muốn chết đi cho xong. Đã vậy, kẻ khốn nạn ấy còn không buông tha cho tôi khi cố tình gửi thiệp mời đám cưới đến tận giường bệnh. Lạ kỳ thay, khi cầm tấm thiệp, nước mắt tôi không còn chảy, tim không còn thấy đau nữa. Tôi nôn nóng muốn đến dự bữa tiệc đó, dù chẳng biết để làm gì. Liệu tôi có tiếp tục lạc lối?
Hà Lam