Cưới nhau qua mai mối được mấy tháng, tôi mới biết chồng bị tâm thần

25/08/2022 - 10:02

PNO - Em cần xem lại khi đám cưới mình có làm thủ tục đăng ký kết hôn hay không. Nếu có, tức là chồng em không bị mất năng lực hành vi dân sự.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em năm nay 33 tuổi, chồng em mất năm ngoái vì bệnh nặng. Em sống cùng hai con và gia đình chồng. Ba má em và ba má chồng trước đây biết nhau.

Lúc lấy chồng, em chỉ là cô gái nhỏ ở quê, nghe giới thiệu bên nhà chồng khá giả, chồng em là con trai út, em gặp một hai lần thấy anh chỉ hơi nhỏ con, còn lại thì hiền lành ít nói nên em nhận lời.

Cưới nhau về mấy tháng em mới biết chồng em bị bệnh thần kinh, nhiều lúc lên cơn phải vô bệnh viện. Lúc đó, em đã lên thành phố làm dâu nên nghĩ mình cũng phải ráng chịu chứ không thể làm gì khác.

Em sinh đứa đầu là con trai, may mà con khỏe mạnh bình thường. Cha mẹ chồng em cũng hay nói kiểu em và chồng là duyên số; anh có bệnh nhưng hiền lành, không quậy phá, ông bà nuôi hết tiền ăn ở thuốc thang, em chỉ cần ở nhà chăm chồng con.

Gia đình chồng em có tiệm mắt kính, má chồng em lo việc buôn bán. Em sinh bé thứ hai được hơn một năm thì chồng em mất do tai nạn. Từ đó đến nay, em vẫn ở chung với nhà chồng.

Ông bà cưng hai cháu, nói với em là ông bà coi em như con, em không phải lo lắng gì. Vậy nhưng em thấy hai bà chị chồng đã có ý giao hết việc nhà cho em, muốn em vừa ở nhà lo việc nội trợ, nuôi con vừa chăm lo ông bà.

Em hiện phụ thuộc kinh tế hoàn toàn, buổi sáng nào má chồng em cũng đưa tiền chợ và kiểm soát chi tiêu trong nhà. Lúc chồng em mất, toàn bộ tiền phúng điếu cũng do nhà chồng giữ.

Em muốn học nghề và bước ra ngoài, đi làm. Mới đây, em nói chuyện sơ với chị chồng, chị ấy hỏi em muốn kiếm trai, lấy chồng lần nữa hả, làm em không biết nói sao. Em muốn có công việc, làm ra tiền, tự lập, nhưng cũng biết một mình nuôi hai con là khó khăn. Em nên nói sao để nhà chồng chấp nhận?

Phương Lan (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Phương Lan thân mến, 

Em còn trẻ và em có quyền sống cuộc đời mình, tìm kiếm hạnh phúc của mình một cách đàng hoàng, không có gì phải lo sợ hay xấu hổ. Em đã hoàn thành nhiệm vụ với gia đình chồng, sinh con, chăm sóc chồng bệnh tật, lo lắng nội trợ trong nhà dù tình cảm với chồng chỉ là qua mai mối giới thiệu với ít nhiều thất vọng.

Dù cuộc hôn nhân đó không hoàn toàn như mong muốn của em nhưng mối quan hệ của vợ chồng em vẫn là quan hệ hôn nhân được pháp luật công nhận. Em có trách nhiệm nhưng em cũng có cả quyền lợi. Không ai có quyền buộc em phải ở nhà để làm dâu vĩnh viễn. 

Về lý, em cần xem lại khi đám cưới mình có làm thủ tục đăng ký kết hôn hay không. Nếu có, tức là chồng em không bị mất năng lực hành vi dân sự. Phần tài sản của chồng em, theo luật, khi chồng em mất, em và các con đều được thừa kế.

Cũng có thể, do bệnh tật của chồng em, nhà chồng đã tiên liệu và sắp xếp để giữ tài sản của họ. Tuy vậy, ngay cả trong trường hợp chồng em có kết luận bị bệnh tâm thần, quyền thừa kế đó vẫn được duy trì, chỉ yêu cầu có giám hộ.

Dù trường hợp nào, em và hai con vẫn có một khoản tài sản nhất định, không phải tay trắng bước ra khỏi nhà. Em cần biết vậy để vững vàng hơn khi trình bày nguyện vọng với gia đình chồng.

Về tình, nhà chồng em coi con em là cháu nội nối dõi, chắc chắn sẽ không có chuyện từ mặt cháu. Em nên từng bước trình bày với ba má chồng về việc em muốn có công việc, vừa để không phụ thuộc mãi, vừa để khuây khỏa.

Mặt khác, bây giờ chồng em không còn, em cũng phải tự lập để có thể lo cho mình và hai con. Em vẫn ở nhà, vẫn chăm lo ba má nhưng em cần có kế hoạch cho tương lai mình. Ba má chồng em chắc cũng không có lý do gì để phản đối, cùng lắm là không cho em ra ngoài làm riêng mà chấp nhận để em tham gia vào việc kinh doanh của gia đình.

Đây cũng là một phương án tốt. Trong giai đoạn thay đổi này, em sẽ vất vả hơn. Nếu vượt qua được, em sẽ có một việc làm. Khi đó, những cơ hội mới sẽ đến, em sẽ thực sự sống cuộc đời mình. Chúc em mạnh mẽ và thành công.

Hạnh Dung

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Nếu tôi là người trong cuộc

Hằng Trinh (Q.Hoàng Mai, Hà Nội): Hãy bày tỏ niềm mong mỏi được thấy các con tự hào về mẹ

Bạn phải tin rằng khi một cánh cửa đóng lại, chắc chắn có một cánh cửa khác mở ra. Suy nghĩ nhiều về quá khứ không phải là cách giải quyết vấn đề. Chi bằng bạn cứ thành thật trình bày nguyện vọng của mình với ba má chồng.

Theo những gì bạn chia sẻ, ông bà không phải là người không biết nghĩ. Ông bà lại thương cháu nội nên tôi cho rằng hướng giải quyết sẽ không quá khó khăn.

Bạn nên mở đầu câu chuyện bằng nguyện vọng sống chung với cha mẹ lâu dài, để con bạn được sống cạnh ông bà. Tiếp đến, bạn thổ lộ mong mỏi được tự lập, được nuôi con khôn lớn bằng đồng tiền do chính mình làm ra.

Hãy chân thành nói về khát khao con cái có cuộc sống đủ đầy, được học hành đến nơi đến chốn. Hãy bày tỏ ước mơ chính đáng: được thấy các con tự hào về mẹ. Đây không phải là lúc căng thẳng hay gây hấn. Hãy thật mềm mại khi đưa ra lời đề nghị. Chúc bạn bình an. 

Cẩm Tuyền (Q.Ô Môn, Cần Thơ): Phải bước ra ngoài và sống tiếp

Bạn chắc chắn không thể giam hãm mình mãi trong cuộc sống thế này; phải bước ra thôi, dù bằng cách nào đi nữa. Tôi hiểu bây giờ khát khao được đi làm, được tự do trong bạn lớn lắm. Nhưng bạn nên bình tĩnh. Hãy chậm lại vì nếu giải quyết không khéo, mọi chuyện sẽ xấu đi. Đừng vội vã nói lời không hay.

Điều cần nhất bây giờ là mẹ con bạn ổn định cuộc sống; tiếp đến là việc học hành của hai con. Các con càng lớn, mẹ càng cần phải chi tiêu nhiều hơn. Hãy từ việc này mà đề nghị được đi làm, bạn nhé! Hãy suy nghĩ thấu đáo trước khi đặt vấn đề để tránh bị từ chối.

Bạn nên nhớ rằng luật pháp bảo vệ bạn và các con trong câu chuyện tài sản. Đừng lo nhé!

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI