|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Khi “ba đến chơi nhà”
Diệu Hương (Hà Tĩnh), 35 tuổi, đã kết hôn được 12 năm với người chồng hơn cô 4 tuổi và tạo ra một tổ ấm đủ nếp đủ tẻ. Ban đầu, tình yêu của họ bùng cháy, nhưng sau nhiều năm bận rộn với công việc và nuôi dạy con cái, họ dần quên mất mình từng là những người rất yêu nhau. Họ trở thành 2 người ở 2 thế giới, chỉ chung nhau tờ giấy chứng nhận kết hôn và cùng nhau vào những dịp lễ, tết, giỗ chạp.
Chồng cô do đặc thù công việc nên thường xuyên vắng nhà. Còn nhớ ngày yêu xa, anh tranh thủ từng phút, từng giờ gọi điện cho cô; tranh thủ từng kỳ nghỉ để được bên cô và cô đã từng ngập tràn hạnh phúc với những món quà bất ngờ anh gửi về: bông hoa thông, cành mận khi anh đi công tác Sơn La, Lào Cai; vỏ ốc “khi áp tai vào có thể nghe tiếng sóng biển đặc trưng vùng Cát Hải” như lời anh nói; hũ cát trắng từ vùng Kiên Giang xa xôi…
Nhưng những ký ức ngọt ngào ấy cũng trở thành “đã từng” sau ngày-kết-hôn. Anh đi xa là “đi xa”, không còn “gần gũi” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Không còn quà cáp hay chia sẻ chuyện trò. Đáp lại sự nhớ thương thao thức của cô thường là những cơn ngủ say của anh. Kể cả khi cô nhắn anh về khi cô sắp sinh, anh cũng chỉ nhắn lại lạnh lùng “uh”, rồi về nhà sau ngày em bé chào đời 1 tuần lễ.
Cứ như vậy, cô và anh hằng năm chỉ gặp nhau vào những ngày cô tất bật nấu nướng, đãi khách, đầu tóc, áo quần ngập mùi đồ ăn… và anh cũng mồ hôi nhễ nhại sau những chuyến xe xa xôi. Sau vài ngày gặp nhau vội vã, anh lại ra đi cho những công trình mới, chẳng kịp ôm nhau tâm sự những uất ức trong lòng hay trao nhau những yêu thương vội vã vì anh mệt nhoài sau những phút “cụng ly”.
Những cuộc “ba đến nhà chơi” vội vàng như lời các con cô hay nói khi ba về nhà cũng chỉ đủ để nhìn thấy các con lớn lên. Nhiều lần cô cũng đã nhờ người điều tra xem anh có mối quan hệ nào bên ngoài không, nhưng anh hoàn toàn không có. Anh vẫn ở đó, là chồng của cô, là ba của các con cô, nhưng không còn hiện hữu trong cuộc sống của cô nữa.
Người bạn cùng phòng lâu năm
Hoài An (TPHCM) là một phụ nữ tự tin và độc lập. Cô quen biết và lấy chồng trong hội làm ăn chung, đến nay đã 5 năm. Thế nhưng, hôn nhân của cô bị lãng quên kể từ sau ngày mất đi đứa con đầu, khi bé chưa kịp chào đời. Cô sợ mang bầu, anh sợ phải chứng kiến cảnh mất con. Cứ thế, họ lao đầu vào công việc sau biến cố. Những dòng tin nhắn, cuộc điện thoại, những lời hỏi thăm đã mất đi những khía cạnh khác của mối quan hệ gia đình.
Một ngày kéo dài ở công ty, tối về mỗi người lại ôm điện thoại, thật may là họ vẫn còn “chung phòng” với nhau. Họ vẫn gọi nhau là anh/em, vẫn biết người kia là chồng/vợ” của mình; nhưng bên trong, họ trở thành những người bạn cùng phòng, chung sống và chia sẻ trách nhiệm, thiếu đi sự lãng mạn và cảm xúc. Họ dần trở nên xa cách, mất đi sự gắn kết từng có. Họ thậm chí cũng không quan tâm người kia có mối quan hệ nào khác hay không.
Người vẫn ở đó, nhưng tình không hiện hữu
Thời nay, với cuộc sống hối hả và đầy áp lực, nhiều cặp vợ chồng dần bị cuốn vào vòng xoáy của công việc và trách nhiệm gia đình, bỏ quên việc dành thời gian và năng lượng cho nhau. Họ quên mất rằng, tình yêu gia đình cần được chăm sóc và nuôi dưỡng nhiều hơn so với tình yêu thời đôi lứa.
Sự vô tâm của ông xã đã khiến Bích Phương trở thành một phụ nữ… kiên cường. Cô đã “quên” mất mình phải khóc khi bác sĩ báo tin thai dọa sẩy khi mang bầu lần 2 mà bình tĩnh sắp xếp công việc và người chăm sóc con gái để có thể nằm viện. Chỉ đến khi những mũi tiêm đau tê tái khiến cô không thể gượng đứng dậy nên bác sĩ phải hối hả pha sữa đến, vừa đỡ cô dậy vừa hỏi: “Người nhà đâu?”, “Chồng đâu?”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Cô cũng nhận ra mình là vợ và là mẹ của những đứa con chung giữa cô và anh. Chưa bao giờ, anh san sẻ việc nhà hay cho cô cảm giác của một người chồng đúng nghĩa. Cô đã phàn nàn rất nhiều và rồi trong một lần cãi nhau, lần đầu anh đi phơi đồ, song trong cả thau đồ đầy ắp, anh chỉ nhón lấy những món đồ của mình để phơi. Nhìn đống đồ, cô đã khóc, rồi lại cười, bao nhiêu nỗi buồn, sự uất nghẹn, đau khổ lăn dài theo những giọt nước mắt, rơi trên tờ đơn ly hôn. Liệu rằng, ly hôn rồi, cô có thể có hạnh phúc một cách “bình thường” hay không?
Cặp vợ chồng nào cũng có những vấn đề. Nhưng làm sao để nhận diện được vấn đề của mình và bắt tay vào cải thiện? Ai cũng hiểu việc duy trì tình yêu và sự gắn kết trong hôn nhân là một quá trình liên tục, đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết từ cả hai bên. Bằng cách dành thời gian, giao tiếp hiệu quả và không ngừng phát triển bản thân, các cặp vợ chồng có thể giữ cho ngọn lửa tình yêu luôn bùng cháy, dù đã cùng nhau đi qua bao nhiêu năm tháng.
Sự ổn định và sự đổi mới tuy đối lập nhưng lại cần tồn tại song song để duy trì sự hấp dẫn và tình cảm trong một mối quan hệ. Mong rằng, trong cuộc hôn nhân của mỗi người, chúng ta đều biết tạo ra sự đổi mới bên cạnh việc duy trì sự ổn định của hôn nhân, để có thể tạo nên một hành trình hôn nhân đầy giá trị cho mỗi người.
Bảo Trân