Giữa nhịp sống ồn ào hối hả, hơn 10 năm nay, ở một góc cửa hàng bán đồ lưu niệm dành cho khách du lịch ở đường Đồng Khởi (P.Bến Nghé, Q,1, TP.HCM), người ta quen thuộc với dáng người đàn ông lúc nào cũng tất bật, cặm cụi, tỉ mỉ dán mắt vào những một gỗ chạm khắc nên nhiều hình thù theo ý của khách hàng.
|
Anh Bùi Nguyên Thảo Trường - Thợ khắc dấu gỗ hơn 10 năm trong nghề. |
Anh là Bùi Nguyên Thảo Trường (người ta còn gọi là Toàn), 47 tuổi, thợ khắc dấu bằng gỗ truyền thống độc đáo ở Sài Gòn.
Trước kia dấu gỗ khắc thủ công, thường được những nhà nho sử dụng để khắc tên mình đóng trên tác phẩm thư pháp. Nhưng hiện tại, dấu gỗ được khắc với nhiều hình thù khác nhau, nhiều công dụng khác nhau. Đó là dấu 12 con giáp theo tuổi, theo năm, hoặc khách đặt dấu riêng để in trên thiệp mời, in trên phong bì...tạo dấu ấn riêng của người được tặng.
|
Để làm ra một dấu mộc, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn, với thời gian thực hiện từ 30 phút đến 2 tiếng đồng hồ. |
Đó là những con dấu gỗ chữ ký dùng để đóng sách biếu, hay con dấu đóng theo phong cách thư pháp với những hình thù vui nhộn dành cho lứa tuổi thiếu nhi, học sinh.
Người thợ hơn một thập kỷ chăm chú, tỉ mẩn dán mắt vào những con dấu gỗ vuông tròn cho biết, con dấu này khắc nhanh chỉ trong vòng 30 phút là xong.
Tùy vào chất liệu thì sẽ có giá khác nhau. Đối với con dấu mềm, hình ảnh đơn giản có giá 110.000 đồng/dấu, còn đối với các con dấu có hình phức tạp hơn thì giá từ 200.000-300.000đ.
|
Cận cảnh một dấu mộc hình hoa sen được chạm khắc tinh tế. |
Để khắc nên con dấu gỗ, người thợ khắc dấu phải trải qua nhiều công đoạn: vẽ phác họa mẫu sau đó dùng đục tỉ mỉ khắc theo nét vẽ, chỉnh sửa, mài bóng phần mặt dấu.
So với những con dấu gỗ được khắc bằng vi tính có nét khắc liền lạc, thời gian thực hiện nhanh, dấu khắc bằng gỗ thủ công phải làm tỉ mỉ, kỳ công, mất nhiều thời gian.
|
Cận cảnh nhiều mẫu dấu, trong đó mẫu 12 con giáp được rất nhiều khách hàng ưa chuộng |
Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thói quen thích dấu khắc thủ công, bởi nó mang theo cái hồn, nét tài hoa của người nghệ sĩ. Mộc khắc thủ công vì vậy uyển chuyển, mềm mại hơn nhiều. "Nhiều khách hàng quen, khi đến đây thì họ cứ dặn đi, dặn lại, bắt tôi phải làm bằng tay vì họ thích cái truyền thống và thích những đồ thủ công mỹ nghệ hơn”.
Các tháng trong năm, trung bình mỗi ngày, anh Toàn khắc được vài mẫu dấu cho khách. Nhưng thời điểm này giáp tết, nhu cầu khắc con giáp theo năm sinh, khắc dấu chữ ký trên mẫu thư pháp... tăng cao, nên anh phải làm thêm giờ để kịp mộc giao cho khách.
|
Du khách đang chăm chú theo dõi anh Toàn chạm khắc dấu |
Tại nơi anh Toàn hành nghề, ngoài những sản phẩm khách đến đặt trực tiếp, hằng ngày anh tiếp những vị khách du lịch nhiều quốc tịch đến chỗ anh mua hàng lưu niệm, trong đó rất thích thú với sản phẩm thủ công mỹ nghệ dấu mộc.
Ông Dk.Maya Ayesha (Du khách Brunei), sau khi chọn cho mình dấu mộc cánh sen, biểu trưng của quốc hoa Việt Nam, nhờ anh Toàn khắc tại chỗ, đã rất tâm đắc với món hàng lưu niệm độc đáo này.
"Với tôi, nó rất ấn tượng vì những con dấu này mang dấu ấn cá nhân, khiến người sử dụng nó cảm thấy sáng tạo và mới mẻ. Mỗi đường nét trên con dấu rất rõ ràng, tinh xảo và rất đẹp" - Ông Dk.Maya Ayesha bày tỏ.
|
Dấu mộc hình rồng - một trong 12 con giáp được nhiều người khắc nhất |
Ngày tết, ông đồ xuống phố vẽ thư pháp, thì một vật phẩm không thể thiếu dùng để đóng phần cuối bức thư pháp là những dấu mộc mang dấu ấn cá nhân của ông đồ. Nhờ vậy, mà người làm nghề khắc dấu mộc truyền thống cũng cảm thấy đồng điệu, an ủi, gắn bó với nghề.
|
Dấu mộc gỗ thường được các ông đồ sử dụng để đóng dấu trên tác phẩm thư pháp của mình. Ảnh Internet |
Thêm vào trào lưu làm mộc chữ ký đóng trên sách, ấn phẩm lịch, khắc mười hai con giáp theo độ tuổi của mình...tạo nét riêng cho tác giả khiến cho những người làm nghề khắc dấu mộc truyền thống thêm tự tin rằng vẫn mưu sinh được với nghề.
Riêng khách du lịch, khi rời Việt Nam, quà lưu niệm mang về nhà là những dấu gỗ khắc những cảnh đẹp của Việt Nam, hoa sen... độc đáo cũng là một niềm vui, tạo thu nhập đáng kể cho những thợ làm nghề truyền thống - vốn còn rất ít người theo nghề - ở Sài Gòn hiện tại.
Hoài An - Duy Quan