Cuối năm, vợ chồng cãi cọ vì tiền

19/12/2024 - 11:17

PNO - Mức thu nhập của vợ chồng tôi tính tổng cả năm cũng thuộc dạng trung bình so với bạn bè chứ không phải là thấp nhưng vẫn là không đủ chi tiêu.

Điện thoại hiện lên mấy tin nhắn mà tôi không dám mở ra đọc. Bởi tôi biết đó là những tin nhắn của các thầy cô thông báo học phí trong các nhóm lớp. Tôi vừa vờ như chưa đọc, chưa biết, vừa rối bời nghĩ cách xoay xở, tìm cách để vay tạm đâu cho đủ những khoản tiền cần đóng. Mấy tháng nay, tôi thường đóng ở hạn chót hoặc phải chờ cho đến khi có người gọi điện nhắc trực tiếp mới đóng được.

Thi thoảng tôi nghĩ, nếu là chuyện ăn uống, gia đình có thể cầm cự ăn mì gói hoặc cơm rau cho qua bữa, nhưng với chuyện tiền học của con thì ngược lại, chẳng bớt đi được một đồng nào. Suốt 1 năm nay, tôi đã cắt bớt những khoản liên quan đến học kỹ năng, dã ngoại, vui chơi, ấy thế mà vẫn không đủ.

Cuối năm, không khí gia đình trong nhà tôi căng thẳng chỉ vì chuyện tiền. Vợ chồng đi làm quanh năm nhưng chẳng dành dụm được đồng nào. Vì muốn tìm một nơi ổn định, tôi vừa đi làm trở lại và phải chấp nhận thử thách 3 tháng không có lương cứng. Chồng tôi làm các dự án, phải đợi cuối năm mới tất toán được, trong suốt thời gian qua đã ứng trước nhiều lần nhưng cũng không đủ.

Cuối năm, vợ chồng cãi cọ cũng vì chuyện tiền (Ảnh minh họa: Internet)
Cuối năm, vợ chồng cãi cọ cũng vì chuyện tiền (Ảnh minh họa: Internet)

Những khoản chính cứ gối đầu nhau đến như tiền học phí của con, điện nước, gửi xe, phí dịch vụ chung cư, mạng internet… Thu nhập của vợ chồng tôi tính tổng cả năm cũng thuộc dạng trung bình so với bạn bè chứ không phải là thấp, nhưng vẫn là không đủ chi tiêu. Vợ chồng làm được bao nhiêu nướng sạch vào các chi phí cơ bản. Tháng nào cũng thiếu hụt chứ chưa nói gì chuyện tích lũy.

Chưa hết, con còn đòi mua quà tặng bạn nhân dịp đặc biệt, lại bỏ thêm những món đồ con yêu thích vào giỏ hàng trên mạng, chỉ chờ đến ngày là xin mẹ mua. Rồi bữa cơm hôm nào cũng nhắc đến chuyện tiền. “Mẹ ơi, sang tuần lớp con đi dã ngoại, mẹ đăng ký cho con nhé!”, “Mẹ ơi, con thiếu mấy cái quần tối màu để mặc, hôm trước mặc quần sáng màu, sao đỏ đã nhắc rồi”, “Mẹ ơi, cuối tuần này nhà mình không đi chơi đâu à?”, “Mẹ ơi, con muốn ăn cá hồi, con nhớ mùi cá hồi quá”…

Nếu con mải chơi, không chịu học trong khi tôi đang không có vấn đề gì bên trong, tôi sẽ rất bình thản xử lý. Nhưng nếu con mắc lỗi ấy khi đầu tôi đang có một tỷ nỗi lo, tôi sẽ lập tức gào lên: “Con không biết ba mẹ đã phải vất vả như thế nào để con đi học được à? Không học được thì nghỉ đi, viết đơn xin nghỉ đi, mẹ ký! Rồi ở nhà mà đi làm kiếm tiền phụ bố mẹ…”.

Chồng về muộn, mình tôi xoay xở con cái, cơm nước. Thấy anh về muộn triền miên, tôi như phát điên. Cảm giác bực tức tích tụ, chồng vừa về đến cửa là tôi gào thét: “Anh làm gì mà giờ này mới về?”. Chồng tôi đi làm mệt, không được thông cảm, cũng ức chế quát lại: “Làm việc chứ làm gì?”. Cứ như thế, cả gia đình nhìn đâu cũng thấy khuyết điểm của nhau…

Vợ chồng tôi chưa bao giờ đổ lỗi rằng vì sinh đến 4 đứa con nên chúng tôi lâm vào hoàn cảnh bi đát. Nhưng chúng tôi cũng không thể phủ nhận rằng việc phải chi cho các chi phí nhân lên 4 lần như chuyện ăn, mặc và học phí, tiền đi chơi… của các con là một khoản rất lớn. Không ít lần tôi phải rơi nước mắt, thấy bế tắc vì chuyện tiền bạc.

Nhưng rồi, sau rất nhiều đêm vợ chồng chỉ nói chuyện tiền, tôi hỏi chồng tôi: “Này anh, những năm trước mình cũng sống như thế này à? Làm sao mình có thể vượt qua được?”. Chồng tôi quay sang đáp: “Ừ, thì vì cứ qua giai đoạn này rồi lại đến giai đoạn khác, đành phải cố gắng thôi!”.

Trước tiếng thở dài của tôi, chồng tôi nói thêm: “Nhưng ít nhất mình còn có nhau em ạ, còn có gia đình này để cố gắng vun vén!”. Trước câu nói của chồng, tôi bắt đầu tỉnh táo và bình tĩnh hơn để phân tích. Công việc của tôi đã qua giai đoạn thử việc và bắt đầu sẽ được nhận lương từ tháng sau. Dù ít thôi nhưng cũng sẽ giảm gánh nặng kinh tế phần nào. Cha mẹ hai bên vẫn khỏe mạnh. Vợ chồng dù cãi cọ, nhưng đêm đến vẫn muốn tìm nhau, vẫn có thể chuyện trò, động viên nhau.

Những đứa con vẫn ngoan ngoãn, đáng yêu và rất bao dung với cha mẹ. Quan trọng nhất là chúng tôi còn có cơ hội để nỗ lực, để kiếm thêm tiền vào những năm sau nữa. Và tôi, giữa những bận rộn, vẫn có thể dậy sớm đọc những trang sách, tối trước khi đi ngủ cũng pha được một ấm trà để ngồi nhâm nhi…

Nhìn về cuối năm, nếu không tiết kiệm được nhiều tiền, chúng tôi có thể giảm bớt "cái sĩ diện", ăn tết một cách đơn giản hơn. Bởi quan trọng nhất là vẫn còn có nhau, được sum vầy bên nhau. Cuộc sống giống như một chiếc xe đạp mà mình luôn phải đạp để giữ cho xe thăng bằng. Và tôi vẫn thấy mình may mắn vì nếu vợ hay chồng mỏi mệt thì còn có người khác thay thế để mình được nghỉ ngơi đôi lúc…

Linh Nguyễn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Nguyễn thị an thanh 19-12-2024 23:04:55

    Tôi dán ngay tủ kiếng nhà tôi "Hôm nay rất khó khăn, ngày mai có thể còn khó khăn nhiều hơn, nhưng ngày hôm sau nữa sẽ rất tốt đẹp". Tôi đọc nó hàng ngày và tôi đang ở quãng giữa của ngày mai và tiệm cận ngày hôm sau nữa. Rồi khó khăn cũng sẽ qua bạn ạ.

  • Ngọc 19-12-2024 22:18:22

    Đời nào rồi mà còn đẻ lắm như vậy!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI