Cuối năm, văn phòng thành 'chợ' đặc sản Tết

19/01/2017 - 14:07

PNO - Mỗi người bán một món quê, chỉ cần mua quanh các món hàng đồng nghiệp bán, nhiều chị em công sở cũng có đủ rau, thịt, hoa trái cho Tết.

Dù bận rộn công việc dịp cuối năm nhưng nhiều nhân viên văn phòng vẫn tranh thủ kiếm thêm thu nhập bằng kinh doanh những mặt hàng đặc sản Tết. 

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chị Diễm, nhân viên ngân hàng tại quận Bình Thạnh làm mứt dừa giao cho khách. Năm trước, chị chỉ làm ăn trong gia đình nhưng nghe nhiều người gợi ý kinh doanh nên chị thử rao bán.

“Khách chủ yếu là đồng nghiệp trong công ty hoặc người quen biết. Công việc cuối năm rất bận rộn với đủ báo cáo, tổng kết kèm theo việc làm mứt và giao tận nơi cho khách, tôi làm không xuể phải nhờ thêm người phụ giao hàng”, chị Diễm cho biết.

Ngoài mứt, chị còn nhận bán cả lạp xưởng ở quê Cao Bằng gửi vào. Tuy tiền giao hàng cao nhưng nhiều người ưa chuộng đặc sản kèm theo đặt hàng từ người quen nên vẫn bỏ tiền mua.

Cuoi nam, van phong thanh 'cho' dac san Tet
Mứt hoa quả, món ăn ngày Tết quen thuộc dễ làm được nhiều chị em văn phòng chọn kinh doanh thêm mùa Tết.

Cũng kinh doanh trên mạng xã hội dịp Tết, chị Ngọc Châu, nhân viên văn phòng tại quận Gò Vấp cho biết mẹ chị ở quê thường gửi món thịt ngâm nước mắm vào vì cả nhà đều thích, bạn bè cũng thỉnh thoảng nhờ làm giúp. Chị trở thành “tiều thương” bán món ăn này cho bạn bè, người quen trong dịp Tết này.

“Vì bạn bè đều thích nên tôi quyết định kinh doanh dịp Tết. Thịt heo sạch mua từ người quen không lo độc hại kèm thêm món bánh tráng quê ăn lạ miệng. Mới rao bán nhưng tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng", chị Châu nói.

Do món này để được lâu nên từ đầu tháng Chạp chị Châu đã bắt đầu nhận đặt hàng Tết. Thịt được người nhà từ quê làm gửi vào, chị chỉ nhận và phân phối. Khách mua phần lớn là đồng nghiệp cùng công ty nên chị không phải tốn công đi giao hàng nhiều nơi.

Mới mua nửa kg mực khô với giá 300.000 đồng từ đồng nghiệp, chị Trinh (quận Thủ Đức) cho biết, có người quen làm chung công ty rao bán mực khô giá 600.000 đồng/kg nên chị mua ủng hộ. Từ tin tưởng chị, người quen, hàng xóm của chị lại nhờ mua. Hơn nửa tháng nay, chị Trinh đã mua của đồng nghiệp 5kg mực khô cho người quen.

Chị cho biết, đồng nghiệp công ty đang có 5 người rao bán đặc sản Tết. "Chợ" Tết tại công ty chị rất xôm tụ người mua kẻ bán, nhất là giờ nghỉ trưa và buổi tối. Chỉ cần chọn sản phẩm, đặt hàng và đặt cả ngày nhận là đồng nghiệp mang lên.

“Chỉ cần đặt mua hết những người bán đặc sản trong công ty tôi cũng đủ các món vừa ăn, vừa nhâm nhi và cả chưng Tết. Từ mứt, lạp xưởng, mực khô, trái cây đến bonsai …”, chị Trinh nói.

Hà, nhân viên marketing tại một sàn giao dịch bất động sản lại chia sẻ việc buôn bán của hội chị em trong công ty mình không phải vì kiếm thêm thu nhập, mà muốn chia sẻ đặc sản quê cho đồng nghiệp ăn Tết.

"Chợ" Tết ở công ty chị không thiếu thứ gì từ bánh chưng Bắc, củ kiệu miền Trung đến quýt hồng Đồng Tháp, hoa tươi, rau củ Đà Lạt, thậm chí cả thịt trâu gác bếp, măng lưỡi lợn đặc sản của vùng Tây Bắc.

"Ai muốn mua mai, đào, cây kiểng cũng có hàng. Chị em công ty tôi chủ yếu chia sẻ quà quê để có thực phẩm sạch, đặc sản ngon ăn Tết. Nhiều người nhân tiện bán thêm cho khách quen bên ngoài để kiếm thêm tiền lời chứ không ai đặt nặng chuyện kinh doanh", Hà cho biết.

Nhưng cũng theo nhân viên này, một số đồng nghiệp mải mê buôn bán dẫn đến bê trễ công việc, khi cuối năm nhiều việc cần tất toán.

Kinh doanh đặc sản Tết online không tốn tiền mặt bằng, tiền thuế cùng nhiều chi phí khác, buôn bán tận dụng mối quan hệ nên công việc này ngày càng thu hút nhiều nhân viên văn phòng tham gia. Tuy nhiên, cũng không ít người thất bại khi phải "ôm" song song hai công việc, hoặc phải chịu thêm khoảng phí cao gấp đôi để thuê nhân viên làm thêm dịp cao điểm Tết.

Chị Chi, quản lý nhân sự một công ty tại quận 1, bắt đầu rao bán hạnh nhân làm quà Tết từ tháng 11 âm lịch. Vì công việc công ty cuối năm rất nhiều, chị không thể gói kịp hàng giao cho khách nên phải thuê sinh viên làm thời vụ.

“Thấy nhiều người trong công ty kinh doanh món ăn Tết, tôi cũng thử sức với sản phẩm hạt hạnh nhân. Tuy nhiên, hầu như tôi không thể giao hàng cho khách đúng như đã hẹn.

Hạnh nhân nhập về còn phải đóng gói, mà tôi chỉ tranh thủ được một ít thời gian buổi tối sau khi xong việc tại công ty. Tôi đành cắt hết phần lời để thuê thêm nhân công đóng gói, giao hàng. Chi phí thuê người làm thêm thời điểm này cao hơn ngày thường nên mùa kinh doanh này tôi không có đồng lời nào”, chị Chi chia sẻ.

Không may mắn như chị Chi và nhiều đồng nghiệp khác, chị Nga, nhân viên một ngân hàng ở quận 3 đặt hàng bưởi Diễn từ Hà Nội vào bán ở TP.HCM. Chị Nga cho biết ban đầu rất nhiều bạn bè hào hứng đặt mua. Chị mạnh dạn nhập lượng lớn bưởi về bán Tết.

Nhưng đến thời điểm này, khi Tết đã cận kề mà đơn đặt hàng không nhiều. Nguyên nhân vì so với các loại bưởi da xanh, bưởi Năm Roi thì loại bưởi Diễn quá đắt.

Hiện bưởi da xanh Bến Tre chỉ khoảng 50.000-60.000 đồng/kg, trong khi bưởi Diễn bán tại TP.HCM loại đẹp có giá 80.000-100.000 đồng/trái trọng lượng cũng chỉ khoảng 1kg. Khách miền Nam cũng không quen ăn nên chỉ ăn thử "ủng hộ" rồi không mua nữa.

Tiền công làm thời vụ đắt gấp 3 lần vẫn khó kiếm người

Yến, sinh viên một trường đại học tại quận 5, cho biết dịp giáp Tết là lúc có rất nhiều công là phục vụ nhà hàng tiệc cưới hay làm gia sư.

“Bình thường làm phục vụ nhà hàng nguyên ngày chỉ được 75.000 đồng. Vào dịp này nhiều người thuê gói quà hoặc giao hàng, chỉ làm nửa ngày nhưng đã được 200.000-300.000 đồng. Tuy nhiên, công việc ngày Tết đòi hỏi gấp gáp, thời gian không cố định nên cũng khó sắp xếp phù hợp với lịch học",  Yến cho biết.

Lâm Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI