Cuối năm, thị trường vẫn ảm đạm, sức mua vẫn yếu

04/12/2023 - 06:04

PNO - Khi hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp phải gia tăng bán hàng ở thị trường trong nước. Thế nhưng, sức mua hàng hóa trong nước vẫn quá thấp và không có dấu hiệu sẽ khởi sắc.

Người mua ưu tiên chọn hàng giá rẻ 

Trước đây, các siêu thị ở TPHCM như Satramart, Lotte Mart, Co.opmart… bày bán nông sản hữu cơ, nông sản nhập khẩu cao cấp với số lượng nhiều, chủng loại phong phú nhưng hiện nay, không gian để bày bán các sản phẩm này bị thu hẹp do sức tiêu thụ giảm. 

Dù nhiều quầy hàng tại một siêu thị ở TPHCM treo bảng giảm giá nhưng khách hàng vẫn không đông như thời gian trước đây (ảnh chụp vào giữa tháng 11/2023) ẢNH: HOA LÀI
Dù nhiều quầy hàng tại một siêu thị ở TPHCM treo bảng giảm giá nhưng khách hàng vẫn không đông như thời gian trước đây (ảnh chụp vào giữa tháng 11/2023) - Ảnh: Hoa Lài

Tại Lotte Mart Tân Bình, nông sản hữu cơ của các doanh nghiệp trong nước khá ít, phần lớn là nhập khẩu với khoảng hơn 10 loại như bông cải trắng và cần tây Úc, bắp cải tí hon Bỉ, tỏi Úc, bông cải xanh Úc, chanh vàng Ai Cập, hành tím Hà Lan, tỏi khô Tây Ban Nha, xà lách và rau chân vịt baby Úc. Nhân viên siêu thị này cho hay, người có thu nhập cao và người nước ngoài vẫn chọn mua các loại nông sản này dù giá mỗi ký đều từ 120.000 đồng trở lên (có loại 850.000 đồng/kg) còn khách bình dân luôn cân nhắc về giá. Họ chọn mua bầu đạt chứng chỉ VietGAP với giá 23.000 đồng/kg thay vì mua bầu thuần túy hữu cơ với giá 120.000 đồng/kg.

Ghé siêu thị Satramart trên đường Ba Tháng Hai, quận 10, chúng tôi không thấy nông sản thuần túy hữu cơ, chỉ thấy nông sản an toàn (có dùng chất hóa học nhưng bảo đảm thời gian cách ly). Trước đây, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm chú trọng vào dòng nước mắm từ 30-45 độ đạm dạng chai thủy tinh từ 500ml đến 1 lít, nay chuyển sang sản xuất dòng cao đạm hoặc chỉ 20 độ đạm đóng chai nhựa từ 1,9-4,9 lít. 

Mua hàng ở Satramart, chị Hạnh cho biết, chị vẫn mua nước mắm Hồng Hạnh 30 độ đạm nhưng thay vì mua chai thủy tinh 500ml, giá 54.000 đồng thì chuyển sang mua dạng chai nhựa 1,9 lít với giá 179.000 đồng, tiết kiệm được hơn 30.000 đồng/2 lít. 

Người tiêu dùng còn có xu hướng chờ mua sản phẩm giảm giá cuối ngày hoặc chọn ăn uống ngay trong các siêu thị nhằm tiết kiệm chi phí. Ở các siêu thị Aeon Mall và hệ thống cửa hàng tiện lợi Bách Hóa Xanh, từ 21g30 - 22g hằng ngày, chúng tôi thấy lượng khách luôn đông hơn trước do đồ ăn được giảm giá từ 20 - 50%. Khu vực bán đồ ăn chế biến sẵn trong Aeon Mall Bình Tân luôn đông khách xếp hàng chờ tính tiền do lượng khách đến ăn trực tiếp tăng gấp 2-3 lần so với trước. Tại đây, có hàng trăm món ăn bình dân của các vùng miền Việt Nam và Nhật Bản được chế biến, đóng gói bắt mắt nhưng giá khá mềm, như gà hấp lá chanh 16.600 đồng/100g, combo gà lên mâm 2-3 người ăn 137.400 đồng, mâm cơm Việt Nam cho 6 người ăn khoảng 500.000 đồng. 
 

Người dân mua sắm hàng thiết yếu tại Aeon Mall Bình Tân - ẢNH: H.L.
Người dân mua sắm hàng thiết yếu tại Aeon Mall Bình Tân - ẢNH: H.L.

Ở các chợ truyền thống, người mua cũng chọn rau quê giá rẻ thay vì chọn rau an toàn được đóng gói. Ở chợ Bàu Cát và chợ Bà Hoa (quận Tân Bình), rau được đóng gói và dán nhãn rau an toàn VietGAP luôn còn đầy nhưng rau ruộng Long An hoặc rau Hội An luôn mau chóng hết hàng. Người bán nói, rau quê ngon, giá lại thấp hơn rau an toàn vài ngàn đồng/kg. Như rau muống hạt đóng gói có giá 35.000-40.000 đồng/kg trong khi rau muống tím mọc ở ruộng có giá chỉ 20.000-25.000 đồng/kg. 

Doanh thu bán lẻ giảm

Theo Sở Công Thương TPHCM, so với tháng trước, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ở TPHCM có xu hướng giảm. Trong tháng 10/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 63.207 tỉ đồng, tăng 2,2% so với tháng Chín và tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng trong tháng 11/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 62.328 tỉ đồng, giảm 2,6% so với tháng trước và chỉ tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước, dù có nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá. 
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) - cho biết, sức mua vào các ngày cuối tuần trong hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food tăng nhẹ so với ngày thường do Saigon Co.op tập trung khuyến mãi, giảm giá. Các mặt hàng được khách ưu tiên chọn lựa là nhóm thực phẩm phục vụ cho bữa ăn hằng ngày, nhóm hóa phẩm dọn dẹp nhà cửa. 

Cuối năm, các quầy bán thực phẩm  ở chợ Bến Thành vẫn vắng khách mua ẢNH: PHÙNG HUY
Cuối năm, các quầy bán thực phẩm ở chợ Bến Thành vẫn vắng khách mua - Ảnh: Phùng Huy

Ông nhận xét, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Ông dẫn chứng kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar (Anh), tỉ lệ hộ gia đình Việt Nam nói tình hình tài chính “không ổn” tăng lên trong các quý gần đây. Khi chọn mua hàng, người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cá nhân hóa nhu cầu. 66% cho biết, có ý định cắt giảm chi tiêu giải trí bên ngoài, tiếp đến là giảm ăn ngoài, giảm sắm thiết bị gia dụng.

Đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH một thành viên (Satra) cho biết, sức mua ở hệ thống bán lẻ giảm khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước, giảm ở hầu hết nhóm hàng nhưng nhiều nhất là hàng thời trang và mỹ phẩm. Theo đánh giá của Satra, người tiêu dùng chỉ mua các sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày, không còn mua trữ hàng với số lượng nhiều như trước và chỉ mua nhiều khi có khuyến mãi hoặc được tặng kèm quà tặng có giá trị. Họ luôn lựa chọn kỹ về giá cả trước khi mua. Một bộ phận giới trẻ ưa chuộng hình thức mua sắm trực tuyến hơn do tiện lợi, tiết kiệm được thời gian. 

Theo đại diện Aeon Việt Nam, trong tháng 10/2023, có nhiều ngày hội giảm giá lớn nhưng sức mua hàng ở hệ thống Aeon Mall chỉ tăng khoảng 2 - 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Người tiêu dùng chuộng hình thức mua trực tuyến hơn, chủ yếu mua lương thực, thực phẩm, giảm mua hàng ăn chơi, ăn vặt, chuộng mặt hàng giá rẻ hơn hàng cao cấp. 

Sức mua ở các chợ truyền thống càng lúc càng giảm sâu. Bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Trưởng ban Quản lý chợ Bàu Cát - so sánh, trong 2 năm 2021-2022, sức mua sắm giảm khoảng 20 - 30% so với trước khi có dịch COVID-19 thì trong năm 2023, sức mua giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước và giảm gần 50% so với trước khi có dịch. Theo ông Ngô Văn Hà - Trưởng ban Quản lý chợ Bến Thành (quận 1) - sức mua hàng mỹ nghệ, bánh kẹo, mứt, trà, cà phê dịp cuối năm tăng do nhu cầu mua hàng làm quà cuối năm và các dịp lễ 20/10, 20/11, nhưng sức mua hàng phụ liệu, gia dụng, quần áo, vải đều giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Thanh Hoa

Khuyến mãi nhiều lần để tăng sức mua

Các siêu thị đang tăng khuyến mãi từ 1 lần lên 2 lần trên sản phẩm được mua. Như tại Satramart, phần lớn sản phẩm đã được giảm giá nhưng nếu mua từ 100.000 đồng trở lên, khách sẽ được mua thêm 3 sản phẩm khác có giá giảm sâu, chẳng hạn nước rửa chén Sunlight từ 116.000/túi 3,4kg giảm còn 83.000 đồng/túi, nước xả Downy từ 259.000 đồng/túi 3,5 lít giảm còn 189.000 đồng/túi. Đặc biệt, với hóa đơn mua hàng gia dụng 50.000 đồng, khách vẫn được mua thêm chảo chống dính đã giảm giá 50%. 

Đơn vị bán lẻ tăng kinh doanh trực tuyến

Theo ông Nguyễn Anh Đức, doanh thu của các cửa hàng, siêu thị đang giảm trong khi doanh nghiệp phải chi nhiều hơn cho hoạt động khuyến mãi nên biên độ lợi nhuận giảm nhiều so với trước đây. Do đó, thay vì đầu tư cho mặt bằng đắc địa, doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển địa điểm kinh doanh ra xa trung tâm thành phố hoặc ưu tiên đầu tư cho hoạt động bán hàng trực tuyến. Theo ông, Chính phủ nên tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2024, tăng lương cơ bản, ban hành chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… để kích cầu tiêu dùng. 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, các doanh nghiệp nên ưu tiên sản xuất các sản phẩm thiết yếu, có tính ứng dụng cao, như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh; ưu tiên sự tiện lợi trong mua sắm, như thương mại điện tử, siêu thị mini; chú trọng các sản phẩm có giá bình dân. 

Đại diện Satra cho biết ngoài những mặt hàng thiết yếu, trong thời gian tới, Satra sẽ tập trung đầu tư cho nhóm sản phẩm thân thiện môi trường, tăng cường khuyến mãi, giảm giá, cải thiện chất lượng hậu mãi.  

Ông Ngô Văn Hà thông tin, một số tiểu thương chợ Bến Thành đã chú trọng hình thức quay phát trực tiếp (live stream) để giới thiệu và bán sản phẩm. Sắp tới, sẽ có 10-15 gian hàng trong chợ này được TikTok hỗ trợ live stream bán hàng, chú trọng vào bán các sản phẩm OCOP (Mỗi xã 1 sản phẩm). Theo ông, để kích thích tiêu dùng, cần có thêm chính sách hỗ trợ phí cho người bán hàng online. Các loại phí vận chuyển, phí quản lý trên sàn thương mại điện tử trong nước quá cao khiến người tiêu dùng chọn đặt mua hàng từ nước ngoài thay vì Việt Nam.

 

Kết hợp du lịch với mua sắm

Nhiều chương trình kích cầu du lịch thời gian qua đã thu hút lượng lớn du khách nước ngoài và trong nước. Nếu khai thác tốt hình thức du lịch kết hợp mua sắm, sẽ tăng sức tiêu thụ hàng Việt. Nhưng hiện nay, việc kết hợp giữa du lịch và mua sắm vẫn chưa được thực hiện đồng bộ.

Ở những điểm tham quan của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, chưa có các khu, điểm bán sản phẩm phù hợp để kích thích du khách tiêu tiền, gián tiếp làm mất đi cơ hội phát triển thị trường của hàng Việt. Do đó, cần có chính sách chung về phát triển du lịch kết hợp với quy hoạch điểm mua sắm phù hợp. Song song đó, cần thực hiện giải pháp kích cầu chéo giữa doanh nghiệp các ngành thương mại, du lịch, bán lẻ, sản xuất để có sự tăng trưởng đồng bộ, ổn định của các ngành. Khi thiết kế tour dành cho khách quốc tế và trong nước, các công ty du lịch cần đưa vào tour các điểm đến mua sắm hàng Việt.

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op

 

Phải tạo niềm tin cho người tiêu dùng

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang lỗ nặng nhưng vẫn cố gắng giảm giá, khuyến mãi. Nhưng vì sao người tiêu dùng vẫn không dám tiêu xài? Vì họ chưa có niềm tin vào sự phục hồi kinh tế trong thời gian tới, cần giữ tiền để ứng phó với những khó khăn có thể xảy ra. Để khuyến khích người dân mạnh dạn tiêu xài, cần phải tạo niềm tin cho họ. 

Cần tạo niềm tin cho người dân bằng việc truyền thông về sự tăng trưởng trở lại của thông điệp các đơn hàng xuất khẩu, việc xử lý tốt nợ xấu ngân hàng, sự gia tăng tỉ lệ giải ngân cho nền kinh tế. Ở một số nước, khi có khủng hoảng kinh tế, chính phủ sẽ tập trung hỗ trợ những ngành tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, ngành đang là bệ đỡ của sự tăng trưởng nền kinh tế.

Ở Việt Nam, trong bối cảnh các gói hỗ trợ đang đạt hiệu quả thấp, Chính phủ nên quyết liệt, nhanh chóng gỡ khó cho doanh nghiệp trong khả năng có thể như hỗ trợ kích cầu (giảm lãi, hoãn nợ), nhanh chóng hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm chi phí vận chuyển, thủ tục hành chính về bán hàng, xuất nhập khẩu… 

Cần tạo niềm tin tiêu dùng bằng những sản phẩm chất lượng, có thông báo khuyến mãi rõ ràng, minh bạch, bằng những lễ hội mua sắm có các doanh nghiệp uy tín tham gia, có sản phẩm chất lượng để người dân đến mua sắm chứ không phải tới tham quan cho đông mà không mua sắm gì. Cũng cần tăng niềm tin bằng cách minh bạch hóa thông tin về những sản phẩm khó xác định chất lượng như nông sản hữu cơ, rau an toàn, sản phẩm OCOP (Mỗi xã 1 sản phẩm).

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng

Giải ngân đầu tư công để tạo dòng tiền 

Tiền trong dân, trong doanh nghiệp không còn rủng rỉnh như trước nên việc giảm VAT từ 10% xuống còn 8% đến tháng 6/2024 là quá ngắn, quá ít, không đủ động lực kích thích người dân 
chi tiêu. 

Theo các số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi tiết kiệm của cư dân tăng nhưng phần lớn đến từ người dân có mức thu nhập trung bình, là những người đang có xu hướng tích trữ để phòng rủi ro trong những năm tiếp theo. 

Theo tôi, kinh tế năm 2024 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, có thể vẫn trì trệ như năm nay hoặc thậm chí xấu hơn. Chỉ có tăng giải ngân công mới vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành, tạo ra dòng tiền cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy người dân chi tiêu. 

Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc Liên đoàn 
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI