Doanh nghiệp chưa thể tuyển thêm người
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TPHCM - cho biết, trong quý III/2023, một số doanh nghiệp hội viên đã có đơn hàng xuất khẩu nhưng tính chung vẫn giảm trên dưới 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện có 23% doanh nghiệp hội viên đang sản xuất tương đối ổn định, số còn lại vẫn thiếu dòng tiền, thiếu đơn hàng. Do dự báo khó khăn sẽ kéo dài đến năm 2024 nên các doanh nghiệp chỉ cố tìm kiếm đơn hàng - kể cả đơn hàng khó làm, nhỏ lẻ - và chưa có nhu cầu tuyển công nhân mới.
Ông Phạm Quang Anh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Dony - thông tin, Dony tuyển thêm một số nhân công để sớm hoàn thành đơn hàng, qua đó sớm thu hồi dòng tiền về để trả lương, thưởng tết cho người lao động chứ không phải tuyển do có thêm đơn hàng. Dony không có chủ trương mở rộng sản xuất, tuyển thêm công nhân mà xác định đầu tư máy móc in thêu, nâng cao chất lượng sản phẩm.
|
Sàn giao dịch việc làm dành cho người khuyết tật do Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM phối hợp với Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và Tạo việc làm thành phố tổ chức ngày 27/10 tại quận 3, TPHCM - Ảnh: Thiên Ân |
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su, Nhựa TPHCM - thông thường, vào dịp cuối năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành nhựa rất sôi động. Nhưng năm nay, sức mua nội địa giảm hơn 20%, số hàng xuất khẩu giảm 30 - 40%, đa số doanh nghiệp giảm doanh thu 15%, một số giảm tới 30% nên không có nhu cầu tuyển dụng.
Lĩnh vực thực phẩm có đơn hàng xuất khẩu ổn định hơn, nhưng theo ông Phạm Hải Long - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Nông sản xuất khẩu Sài Gòn (Agrex Sài Gòn) - tổng thời gian tăng ca của người lao động vẫn ít hơn các năm trước do số đơn hàng giảm 30 - 40% so với năm ngoái. Theo ông Phạm Hải Long, những năm trước, vào đầu năm mới, doanh nghiệp thường phải tuyển thêm 10% trên tổng số lao động đang có để bù vào lượng hao hụt do nghỉ hưu, chuyển chỗ, nhưng với tình hình kinh tế hiện tại, nếu đơn hàng đầu năm tăng, doanh nghiệp cũng chỉ tuyển 5% chứ không dám tuyển nhiều.
Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây - cho biết, lượng đơn hàng của Bình Tây năm nay tăng 300% so với năm trước nên phải đến đầu quý I/2024 mới hoàn tất số đơn hàng cũ. Dù vậy, công ty vẫn tuyển rất ít bởi giá nguyên vật liệu đầu vào, tiền điện nước, phí dịch vụ logistics, lãi vay ngân hàng đều tăng khiến lợi nhuận giảm so với các năm trước. Trong bối cảnh này, việc cố gắng duy trì hoạt động, tạo việc làm và giữ ổn định thu nhập cho số công nhân hiện hữu đã là áp lực lớn đối với chủ doanh nghiệp.
Hơn 10 sàn giao dịch việc làm cuối năm
Những ngày này, anh Lưu Đức Viên - 40 tuổi, ở quận 1, TPHCM - tìm đến các sàn giao dịch việc làm ở TPHCM để kiếm việc, mong có tiền trang trải tết. Anh Viên từng là hướng dẫn viên du lịch nhưng đã thất nghiệp 2 năm nay do công ty cắt giảm lao động. Khi đến sàn giao dịch việc làm ở quận Bình Tân, nghe tư vấn về việc bán bảo hiểm, anh thấy nghề này có vẻ hợp với mình nên đã nộp đơn ứng tuyển.
|
Rất nhiều người đến sàn giao dịch việc làm quận 6 để tìm cơ hội việc làm - Ảnh: Thiên Ân |
Chị Nguyễn Trà My từng làm công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) suốt 13 năm nhưng bị cho thôi việc từ đầu năm nay. Để có thu nhập, chị làm tạp vụ và nhiều công việc tay chân khác, hưởng tiền công theo ngày. Thấy nhiều công ty tuyển người làm thời vụ mấy tháng giáp tết, chị liền nộp đơn và mong nhận được mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Thành Nam (quận Tân Phú) kể, mấy tháng qua, anh tìm công việc liên quan đến thiết kế, quảng cáo. Nghe bạn bè giới thiệu có sàn giao dịch việc làm ở quận 11, anh đến tìm cơ hội: “Tôi thấy người ta tuyển nhiều vị trí. Tôi hy vọng mình tìm được công việc ổn định để có đồng ra, đồng vô”.
Bà Lê Thị Ngọc Dung - Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân - cho biết, cuối quý III/2023, UBND quận đã tổ chức sàn giao dịch việc làm với 33 doanh nghiệp tham gia, đăng ký tuyển 4.000 người. Việc tổ chức các sàn này giúp người tìm việc có việc làm, thu nhập để có cái tết vui hơn.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM - cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm đã giới thiệu việc làm cho 171.000 lượt người, thu thập thông tin của 167.319 người cần việc và 20.110 doanh nghiệp, tổ chức 137 sàn giao dịch việc làm. Để thị trường lao động cuối năm ổn định, trung tâm tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp hằng ngày ở trụ sở chính (153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh), ở Phòng Bảo hiểm thất nghiệp và 6 chi nhánh của trung tâm.
|
Công nhân đang làm việc trong Công ty cổ phần quốc tế Dony - Ảnh: H.L. |
Ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - thông tin, trong quý IV/2023, sở sẽ tổ chức 10 sàn giao dịch việc làm, trong đó có 1 sàn trực tuyến, kết nối với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và 1 sàn phối hợp với Liên đoàn Lao động và Thành đoàn TPHCM. Ông cho biết thêm, trong tháng 10/2023, số người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm so với các tháng trước đó. Những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu cao về tuyển dụng, tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến, tài chính, bảo hiểm, dịch vụ bảo vệ, bất động sản…
Quý IV/2023, cần tuyển khoảng 75.500-81.500 người Theo tiến sĩ Đỗ Thanh Vân - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TPHCM - 3 tháng cuối năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, nhất là các doanh nghiệp có đông công nhân, như dệt may, da giày, gỗ… Nhưng nhìn chung, kinh tế TPHCM đã đạt được một số kết quả tích cực, số doanh nghiệp hoạt động lại và thành lập mới tăng lên, đầu tư công được đẩy mạnh, mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, góp phần làm cho thị trường lao động ấm dần lên. Dự kiến, trong quý IV/2023, các doanh nghiệp ở TPHCM cần tuyển khoảng 75.500-81.500 người. Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm, hóa dược - cao su); nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm trên 85%, còn lại là lao động thời vụ, phổ thông. Thời gian qua, sự nở rộ của các mô hình kinh tế chia sẻ, bán hàng online khiến một bộ phận người lao động muốn làm trong khu vực kinh tế phi chính thức, chấp nhận mức lương bấp bênh, không có hợp đồng lao động… Đó là do họ thiếu sự định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu, do thu nhập từ một số công việc chính thức thấp, nội dung giảng dạy của trường và nhu cầu của doanh nghiệp không khớp nhau. Để bắt nhịp tốt và gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, người lao động cần đa dạng hóa kỹ năng, chủ động nâng cao kiến thức, trình độ. Trong thời gian bị doanh nghiệp cho giãn việc, hoãn việc, người lao động nên chủ động tham gia các lớp đào tạo nghề bài bản để dễ kiếm được việc làm phù hợp. Thanh Hoa |
Việc cắt giảm lao động vẫn tiếp diễn đến hết năm 2023 Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tình trạng cắt giảm lượng lớn công nhân có thể kéo dài đến hết năm 2023 nếu những khó khăn kinh tế không được cải thiện. Tình trạng này bắt đầu từ giữa năm ngoái, khi hàng loạt doanh nghiệp trong nước mất đơn hàng dịp cuối năm do các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản giảm nhu cầu tiêu dùng, do nguồn cung nguyên vật liệu trắc trở và chi phí sản xuất tăng cao. Trong cuộc họp về kinh tế, xã hội TPHCM chiều 30/10, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM - nêu dự báo, việc cắt giảm lao động ở các doanh nghiệp sẽ tiếp diễn trong quý IV/2023. Theo báo cáo của Cục Thống kê TPHCM, trong tháng Mười, toàn thành phố có hơn 12.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, hơn 13.600 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn thành phố tiếp nhận hơn 128.000 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời ban hành 126.000 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người đủ điều kiện. Theo khảo sát hồi giữa năm 2023 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), trong gần 9.560 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82% cho biết sẽ giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong nửa năm còn lại; hơn 7.300 doanh nghiệp cho biết vẫn hoạt động nhưng 71% trong số này có kế hoạch cắt giảm lao động, tập trung ở lĩnh vực xây dựng và công nghiệp. Doanh nghiệp cắt giảm phần lớn là ngoài nhà nước và một nửa trong số này hoạt động ở TPHCM, Bình Dương. Tú Ngân |
Hoa Lài - Thiên Ân - Tú Ngân