Cuối năm, tai nạn rình rập trẻ em

11/01/2025 - 06:11

PNO - Tuần qua, ở một số bệnh viện tại TPHCM, số trẻ bị bỏng nước sôi và tai nạn khi chạy xe đạp điện phải nhập viện tăng ít nhất 20%. Càng gần tết, số tai nạn ở trẻ em càng tăng cao.

Bỏng do nồi lẩu, ấm siêu tốc

Bác sĩ Ngô Hồng Phúc (Khoa Bỏng - Chỉnh trực Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM) cho biết đơn vị đang điều trị 5 trường hợp bỏng lửa và nước sôi. Điển hình là bé gái N.H.P - 14 tháng tuổi, ngụ quận 12 - bị tai nạn ngày 1/1 khi gia đình tổ chức tiệc mừng năm mới. Bé đã bị té, chống tay vào nồi lẩu đang sôi. Gia đình đưa bé tới cơ sở y tế gần nhà. Nhận thấy tình trạng bé bỏng nặng nên sau khi sơ cứu, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Bé gái 14 tháng tuổi bị bỏng do té trúng nồi lẩu, đang được điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 2
Bé gái 14 tháng tuổi bị bỏng do té trúng nồi lẩu, đang được điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 2

Bác sĩ Ngô Hồng Phúc ghi nhận bé P. bị bỏng bàn tay trái độ 2-3, vùng ngực, cánh tay bỏng độ 2. Bé đã được xử trí bù nước, dùng kháng sinh chống nhiễm trùng. Điều đáng lo ngại là biến chứng sẹo gây co rút gân cơ ở vùng khớp ngón tay sẽ khiến chức năng co duỗi ngón tay bị ảnh hưởng. Nếu không can thiệp sớm và đúng cách, các ngón tay của bé sau này sẽ không duỗi thẳng ra được nữa. Vì vậy, bệnh nhi cần tích cực tập vật lý trị liệu để hạn chế các tổn thương lâu dài. P. nằm viện tới nay đã 8 ngày và dự kiến còn phải theo dõi sát sao ít nhất 10 ngày nữa.
Trường hợp khác là bé P.V.Đ. - 20 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - bị bỏng do với tay vào bình siêu tốc, bị nước sôi đổ vào người. Bác sĩ cho biết bé bị tổn thương độ 2 ở đùi bên phải. Tai nạn khiến Đ. hoảng loạn, cả nhà chịu cú sốc tinh thần ngay đầu năm mới.

Nhiều trẻ bị tai nạn do xe đạp điện

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM - cũng cho biết, tuần qua, đơn vị tiếp nhận ít nhất 3 bệnh nhi bị bỏng khi vào bếp chơi lúc mẹ đang nấu ăn. Cũng có bé bị bỏng do hiếu động, nghịch lửa, châm nến, đốt pháo. Bên cạnh đó, còn có một số bé bị tai nạn giao thông phải nhập viện. Các ca tai nạn giao thông được chia làm 2 nhóm. Một nhóm ở độ tuổi nhỏ, ngồi hoặc đứng phía trước khi được cha mẹ chở bằng xe máy. Lúc xảy ra va chạm, trẻ bị té xuống đất hoặc va đập vào ghi đông gây chấn thương vùng ngực. Nhóm thứ hai là các trẻ lớn, biết chạy xe máy 50 phân khối hoặc xe đạp, xe đạp điện. Đa số biết chạy xe chứ chưa được trang bị kiến thức về luật giao thông.

Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng liên tục tiếp nhận các trường hợp bị tai nạn giao thông do đi xe đạp điện từ lễ Giáng sinh tới nay. Nặng nhất là trường hợp bệnh nhi H.V.T. - học sinh cấp II, ngụ tỉnh Bình Thuận. T. kể khi em đang được bạn chở bằng xe đạp điện thì bất ngờ xảy ra va chạm với ô tô ngược chiều. T. được đưa tới bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển tới Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Bác sĩ Ngô Hồng Phúc nhận định đây là ca chấn thương phức tạp, bệnh nhi bị dập nát hết mô mềm vùng gối, cẳng chân, bàn chân phải, gãy vụn xương cẳng chân phải. T. đã trải qua vài cuộc phẫu thuật để cắt lọc vết thương, kết hợp xương tạm thời, hút dịch, bào da vùng đùi ghép vào vùng cẳng chân. Tuy đã cứu được chân không phải cắt bỏ nhưng do tổn thương phần mềm nghiêm trọng nên sau này T. sẽ bị cứng khớp vùng cổ chân, gặp hạn chế khi đi lại. Để khắc phục, bệnh nhi sẽ được tập vật lý trị liệu ngay khi đủ điều kiện sức khỏe. Ngày 8/1, có 2 trường hợp là học sinh cấp III bị chấn thương do tai nạn giao thông khi điều khiển xe đạp điện đi chơi dịp tết dương lịch vừa xuất viện.

Theo bác sĩ Ngô Hồng Phúc, các học sinh rất chủ quan khi điều khiển xe đạp điện. Tai nạn thường xảy ra trong tình huống các em tăng tốc nhanh, mất kiểm soát. Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, cần quy định chặt chẽ hơn về độ tuổi, phải có chứng chỉ tập huấn về luật giao thông khi điều khiển xe đạp, xe đạp điện ra đường.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI