Cuối tuần, vẫn “không thở được”
Trời càng về chiều, người sống ở vùng giáp ranh giữa P.Hiệp Thành, Q.12 và xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn càng có cảm giác ngột ngạt, khó chịu. Đứng từ cầu Sa trên Hương lộ 80B, chị N.T.L. - trú tại Q.12 - chỉ tay về hướng cụm công nghiệp Quang Trung đếm số ống đang xả khói đen nhưng không thể đếm chính xác do làn khói đen mờ mịt bao trùm.
“Giờ này còn đỡ chứ càng về đêm, mấy nhà máy còn xả thải kinh khủng hơn. Hiện giờ đúng mùa gió thổi về hướng khu dân cư nên người dân phơi đồ qua đêm là hôm sau, đồ dính đầy bụi bẩn. Người dân từng nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm nhưng mấy năm qua vẫn không thấy cải thiện” - chị L. nói.
Theo người dân Q.12, khoảng nửa tháng trở lại đây, tình trạng khói bụi ở quanh khu vực cụm công nghiệp Quang Trung càng trở nên nghiêm trọng hơn, có thể do cuối năm, các doanh nghiệp tăng cường sản xuất hàng phục vụ tết. Chiều 13/12, chạy xe trên một đoạn đường ngắn trong cụm công nghiệp Quang Trung, chúng tôi đếm được ít nhất sáu vị trí có ống khói đang xả khói đen mịt mù. Càng đến gần phía ống khói, chúng tôi càng cảm thấy cay mắt và cảm nhận được mùi khét rõ hơn.
Tại vườn rau của ông N.V.Đ. ở ấp 6, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, chúng tôi thấy rõ “vòi rồng” mang theo khói đen cuồn cuộn bốc lên làm xám xịt cả một vùng trời. Ông Đ. cho biết, vào mỗi buổi chiều, từ vườn rau của ông, có thể dễ dàng quan sát được ba “vòi rồng” khói đen từ nhà máy bên cụm công nghiệp Quang Trung. “Hôm nay là Chủ nhật nhưng vẫn không thở nổi. Ống khói bên kia vẫn dồn dập nhả khói. Sống chung với khói bụi nên tui bị ho kinh niên luôn” - ông Đ. vừa nói vừa ho.
|
Ông Đ. chỉ về hướng “vòi rồng” khói đen ở phía cụm công nghiệp Quang Trung |
Theo ông Đ., các nhà máy ở cụm công nghiệp Quang Trung xả khói ác liệt nhất là vào khoảng 21 đến 22g. Do nhà và ruộng rau của người dân cách khu vực ống khói chỉ chừng vài trăm mét theo đường chim bay nên mỗi khi nhà máy xả khói, họ lại lãnh đủ. Những người như ông Đ. trồng rau hơn 20 năm ở đây là có chừng ấy năm phải sống chung với ô nhiễm khói bụi. Người dân ở đây cũng đã nhiều lần cầu cứu cơ quan chức năng, báo chí nhưng cứ mùa mưa thì khói bụi có giảm đôi chút, đến cuối năm, khói đen lại từ cụm công nghiệp Quang Trung túa lên. Ông Đ. nói: “Có hôm, khói tràn cả vào nhà, chúng tôi thở không nổi luôn. Cơ quan chức năng muốn kiểm tra không khí ở đây ô nhiễm thế nào, chỉ cần đến ruộng rau sống chung với chúng tôi một đêm sẽ rõ ngay”.
Nhiều năm nay, người dân ở xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh cũng gồng mình sống chung với những ống khói đen nhuộm trời cả ngày lẫn đêm. Dẫn chúng tôi đến con đường vào tổ 17, ấp 6C, xã Vĩnh Lộc A, chị N.T.Th. cho biết, từ trưa đến khuya là lúc chị cảm thấy khó thở nhất. Hầu hết các cơ sở nhuộm vải ở đây đều sử dụng công nghệ lạc hậu, nấu bằng vải vụn nên gây ô nhiễm cả không khí lẫn nguồn nước.
Tại hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, có hơn 70 cơ sở giặt, nhuộm. Người dân đã nhiều lần phản ánh, cơ quan chức năng cũng xử phạt hàng trăm triệu đồng, nhưng các cơ sở này vẫn tồn tại và tiếp tục là nỗi ám ảnh của người dân. Chị N.T.Th. nói: “Cuối năm, họ hoạt động nhiều, khói đen nhiều hơn. Mấy hôm nay, tiết trời ẩm thấp nên có cảm giác khói bụi cứ lơ lửng trong nhà, bám trên quần áo. Tôi nghe chính quyền có hướng di dời mấy cơ sở này từ lâu nhưng chưa biết chờ đến bao giờ”.
Khói bụi cả ngày lẫn đêm
Nhiều năm nay, người dân ở đường Phạm Văn Sáng đoạn giáp ranh xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh và xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn ví nơi đây là “thành phố sương mù”. Tác nhân gây “sương mù” ở đây là các cơ sở nhuộm, giặt quần áo xả khói. Chiều 13/12, vào một con hẻm đường Phạm Văn Sáng, chúng tôi thấy nhiều nhà xưởng đang đốt lò để nhuộm, giặt quần áo, bên trên các nhà xưởng là những ống khói lớn đang xả ra khói màu. Không chỉ không khí bị ô nhiễm, con rạch nhỏ ngay cạnh các nhà xưởng này cũng bị nhuộm màu xanh, đỏ và bốc mùi hôi nồng nặc.
|
Khói đen từ nhà máy của một cơ sở giặt, nhuộm ở ấp 6C, xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh |
Hơn 30 hộ dân sống quanh cơ sở sản xuất thuộc Công ty TNHH Thời trang Hà Trung (120/1 Phạm Văn Sáng, ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn) đã gửi đơn kêu cứu về việc cơ sở này thường xuyên thải khói cả ngày lẫn đêm khiến môi trường luôn mịt mù khói bụi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của họ. Các hộ dân cho biết, tình trạng ô nhiễm ở đây đã kéo dài nhiều năm, từ khi cơ sở này được lập ra để giặt, ủi, nhuộm các sản phẩm dệt bằng vải và lông thú.
Cơ sở Hà Trung có khuôn viên rộng, phía sau liền kề với nhiều dãy nhà dân. Vừa đặt chân vào nhà chị P.T.T.Th. - nhà giáp với bờ tường sau của cơ sở Hà Trung - chúng tôi cảm nhận mùi khói nồng nặc xộc vào mũi dù đang đeo khẩu trang. Bước ra phía sau nhà chị Th., chúng tôi thấy đỉnh mái tôn nhô cao nhất của cơ sở này đang ngùn ngụt tỏa ra những làn khói đen ngòm. Lượng khói cứ thế lan tỏa khắp khu dân cư, tụ thành lớp đen trên các nhánh cây, khuôn viên dãy nhà dân.
“Khói xả liên tục cả ngày, ban đêm còn nhiều hơn. Trong khói đen, có thứ gì lợn cợn như bụi vải, kèm mùi hóa chất nồng nặc. Nhà chúng tôi luôn đóng cửa nhưng trong nhà luôn ngập bụi. Khi lấy nước lọc chế vào đám bụi này, sẽ ra màu tím. Chúng tôi rất lo cho sức khỏe, nhất là trong xóm có nhiều người già đã bị viêm phổi, viêm họng, phải uống thuốc, đi bệnh viện thường xuyên” - chị Th. nói.
Bà P.T.L. - cư dân ở đây - cho biết không chỉ khổ vì khói bụi, người dân còn lo nguồn nước bị ô nhiễm vì một số hộ vẫn còn dùng nước giếng để giặt giũ, sinh hoạt. Không ít lần, người dân chứng kiến cảnh nước đen sì trào ngược lên từ các lỗ cống xả gần nhà máy. Ông P.V.B., nhà sát cơ sở ô nhiễm, cho biết từ khi Công ty Hà Trung xây xưởng và hoạt động, bụi li ti vương vãi khắp nhà dân, bám cả vào nồi niêu, chén, đũa. Khổ nỗi, cư dân sinh sống ở mảnh đất này lâu đời rồi nên không thể bán đất, bán nhà để dời đi nơi khác.
Hứa di dời rồi thất hứa
Sau nhiều lần dân phản ánh, ngày 14/2/2020, Ban nhân dân ấp 2, xã Xuân Thới Thượng đã cùng đại diện UBND xã tổ chức buổi đối thoại giữa 11 hộ dân với đại diện Công ty Hà Trung. Người dân đề nghị ngừng hoạt động cơ sở sản xuất ngay. Đại diện công ty cho rằng, do dịp cuối năm, công ty hoạt động nhiều hơn ngày thường và hệ thống xử lý khí thải xảy ra sự cố, không kịp khắc phục nên đã ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Công ty đã có hướng di dời cơ sở sản xuất sang H.Củ Chi và sẽ di dời chậm nhất là vào ngày 14/5/2020.
Nhưng đến nay, cơ sở vẫn không di dời, khói đen vẫn xả suốt ngày đêm. “Nhiều lần thấy khói đen, chúng tôi gọi điện cầu cứu chính quyền thì cơ sở liền tạm ngưng xả khói, được vài giờ lại xả tiếp, đâu lại vào đấy. Chúng tôi nghe nói, chính quyền có kiểm tra, họ bị xử phạt hàng trăm triệu đồng, nhưng họ chấp nhận đóng phạt chứ không khắc phục, không di dời nhà xưởng” - ông P.V.B. bức xúc.
|
Nhiều khu dân cư ở ngoại thành TP.HCM, người dân phải sống chung với các cơ sở ô nhiễm - ảnh: H.N. |
Ông Lê Đình Thịnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng - cho biết thời gian qua, UBND xã nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc cơ sở của Công ty Hà Trung xả khói gây ô nhiễm môi trường. Công ty này đã bị UBND H.Hóc Môn ra quyết định xử phạt 146 triệu đồng vào ngày 7/8/2019, buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm. Tháng 7/2020, UBND xã Xuân Thới Thượng cũng có văn bản, đề nghị UBND huyện chỉ đạo kiểm tra, xử lý Công ty Hà Trung do hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
“Trách nhiệm của UBND xã là nắm thông tin do người dân phản ánh, còn việc ra quyết định xử phạt, buộc công ty khắc phục hoặc có biện pháp di dời thuộc thẩm quyền của Phòng Tài nguyên và Môi trường H.Hóc Môn và cơ quan cấp trên” - ông Thịnh nói.
Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đã liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường H.Hóc Môn về hướng xử lý đối với cơ sở của Công ty Hà Trung. Đại diện phòng này cho biết, sẽ ghi nhận ý kiến và có phản hồi bằng văn bản.
Chưa mạnh tay, còn ô nhiễm
Tại H.Bình Chánh, trong cuộc tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu HĐND TPHCM chuẩn bị cho kỳ họp thứ 20, người dân liên tục bày tỏ bức xúc về việc các cơ sở giặt, nhuộm thủ công gây ô nhiễm kéo dài. Trả lời kiến nghị của cử tri H.Bình Chánh, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, sở đã cùng UBND H.Bình Chánh tổ chức kiểm tra và đề xuất UBND TPHCM xử phạt 31 cơ sở giặt nhuộm ở xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra việc chấp hành xử phạt của các đơn vị trên.
Được biết, UBND H.Bình Chánh đã có kế hoạch xử lý những vi phạm về đất đai, xây dựng đối với những công trình đang cho thuê để tổ chức hoạt động giặt nhuộm theo hướng không tạo điều kiện cho cơ sở tái hoạt động hoặc chuyển đổi pháp nhân. Một cán bộ ngành môi trường cho biết, các cơ sở sản xuất nhỏ gây ô nhiễm tồn tại khá nhiều ở các huyện ngoại thành TPHCM, là một trong những tác nhân chính “bức tử” kênh rạch ở thành phố. Để xử phạt cơ sở gây ô nhiễm, phải lấy được mẫu, phân tích, nhưng các cơ sở này thường đối phó bằng cách xả thải ban đêm nên việc xử phạt không hề dễ dàng.
Những năm gần đây, nhiều địa phương ở TPHCM đang tính đến giải pháp di dời các cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp này không dễ thực thi. Chẳng hạn, để dẹp được 21 cơ sở giặt, nhuộm gây ô nhiễm ở P.Đông Hưng Thuận, Q.12, chính quyền địa phương đã mất nhiều năm trời, là do hầu hết các cơ sở không đủ năng lực tài chính cũng như không bảo đảm các điều kiện, yêu cầu về diện tích thuê đất (trung bình diện tích đất thuê tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 từ 5.000m2 trở lên, trong khi các cơ sở nhỏ lẻ chỉ cần thuê vài trăm đến 1.000m2).
Để giải quyết vướng mắc này, UBND H.Bình Chánh đã xây dựng “Chương trình giảm ô nhiễm môi trường”, trong đó sẽ xem xét, quy hoạch 20% quỹ đất trong khu công nghiệp mới tại xã Phạm Văn Hai hoặc đề nghị khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, khu công nghiệp An Hạ ưu tiên bố trí quỹ đất để di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh ô nhiễm và có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh di dời vào các khu công nghiệp.
Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá - chuyên gia về môi trường - đánh giá việc di dời các cơ sở ô nhiễm ở TPHCM giống như đối phó, không giải quyết được cái gốc của vấn đề. Để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm, cần phải có quy hoạch bài bản, những khu vực nào dành cho dân cư thì tuyệt đối không cho các cơ sở sản xuất hoạt động và ngược lại. Đối với những cơ sở ô nhiễm đang tồn tại trong khu dân cư, không chỉ phải di dời vào khu công nghiệp mà còn phải bắt buộc chuyển đổi công nghệ, không để xảy ra ô nhiễm nữa.
Chưa rõ nguồn ô nhiễm gây mù trời ở TPHCM
Khoảng từ ngày 12/12, tại TPHCM, xuất hiện tình trạng mù trời trên diện rộng, kéo dài suốt từ sáng đến chiều. Tuy nhiên, đến ngày 15/12, cơ quan chức năng vẫn chưa thông báo nguyên nhân của hiện tượng này. Trong những lần xảy ra tình trạng mù trời tương tự, khi trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, lãnh đạo Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường TPHCM (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) cho biết, do hệ thống quan trắc của thành phố còn mang tính thủ công nên không thể cung cấp kết quả tức thì về mức độ ô nhiễm trong những đợt mù trời và cũng không thể xác định nguồn ô nhiễm nào là chủ yếu gây ra tình trạng này.
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, cho rằng TPHCM nên đầu tư hệ thống quan trắc hiện đại và lắp đặt các trạm đo trên diện rộng mới đánh giá được đầy đủ mức độ ô nhiễm không khí. “Thường vào dịp cuối năm, khi TPHCM chuyển mùa, do sự chênh lệch về nhiệt độ cộng với tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng nên thường xuất hiện tình trạng mù trời trên diện rộng. Dù vậy, đến nay, chưa có đơn vị nào đưa ra những thông số môi trường cụ thể để xác định được ô nhiễm không khí trong những thời điểm này tăng hay giảm so với những lúc khác” - tiến sĩ Thuận nói thêm.
Tình trạng các cơ sở sản xuất đua nhau xả khói đen mù trời vào dịp cuối năm có góp phần làm gia tăng mức độ mù trời ở TPHCM hay không? Theo tiến sĩ Phạm Viết Thuận, về lý thuyết là có, nhưng để đưa ra kết luận chính thức, cần phải quan trắc, đánh giá một cách đầy đủ về số lượng đơn vị xả thải, mức độ ô nhiễm của các loại hình sản xuất, hướng gió…
Sơn Vinh - Hoài An