Cuối năm, cảnh giác với nguy cơ cháy

26/12/2013 - 15:09

PNO - PN - Vụ cháy tiệm yên xe ở TP. Biên Hòa, Đồng Nai khiến năm người tử vong mới xảy ra tối 22/12 thì khuya 23/12, nhiều người tiếp tục giật thót vì một đám cháy lớn tại kho chứa kính ở Q.Tân Phú, TP.HCM, gây cúp điện trên diện rộng....

edf40wrjww2tblPage:Content

Cuoi nam, canh giac voi nguy co chay

Hẻm 115 Nguyễn Du Q.1

Từ nhà bít bùng …

Chúng tôi quay lại căn nhà trọ số 3489/10 Đoàn Văn Bơ, P.13, Q.4, nơi từng xảy ra vụ cháy khiến hàng chục sinh viên phải nhảy sang mái nhà dân bên cạnh để thoát nạn. Đã gần một tháng sau vụ cháy, căn nhà vẫn không được thiết kế thêm lối thoát hiểm và trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC)cần thiết. Một số sinh viên là nạn nhân của vụ hỏa hoạn ngày 1/12 đã hoảng sợ chuyển đi thuê nơi khác.

Nguyễn Minh T. (20 tuổi) nhớ lại: “Thời điểm xảy ra cháy vào khoảng 2g30 sáng, lửa bùng phát từ tầng trệt, khu vực để xe máy (nằm sát cửa chính), trong nhà trọ có khoảng 15 sinh viên. Phát hiện cháy, nhiều sinh viên lao xuống tầng trệt theo lối thang bộ ở giữa nhà nhưng xuống được tầng trệt thì con đường thoát duy nhất theo lối cổng chính đã bị lửa chặn lại. Những sinh viên này buộc phải rút lên các tầng trên, phá cửa ra ban công, trèo lên lan can nhảy sang mái tôn của nhà dân bên cạnh”. Vụ cháy đã khiến một nam sinh viên bị bỏng nặng, hai sinh viên nữ bị ngạt khói, bất tỉnh.

Cầu thang xoắn ốc bên ngoài căn nhà thường được thiết kế như lối thoát hiểm phụ khi có hỏa hoạn, nhưng với nhà trọ số 2/6H Trần Nhân Tôn, P.2, Q.10, cầu thang này lại là lối ra vào duy nhất của gần chục người. Bình thường, việc đi lại từ trên xuống dưới tầng trệt vốn đã rất bất tiện, nếu không may xảy ra hỏa hoạn, việc thoát hiểm càng khó khăn hơn.

Không chỉ tận dụng không gian, nhiều chủ nhà trọ còn tăng thu nhập bằng cách ngăn các phòng bằng ván ép mỏng dính, khiến cả căn nhà trở thành một kho chứa nguyên liệu dễ bắt lửa. Trong vai những người có nhu cầu thuê phòng trọ, chúng tôi đến xem phòng tại nhà 485 Lê Hồng Phong, Q.10. Diện tích rất hẹp nhưng trong nhà có đến năm phòng cho thuê với giá từ 1-1,5 triệu/phòng.

Theo cầu thang nhỏ nằm bên hông nhà, chủ nhà trọ dẫn chúng tôi lên tầng 2. Tại đây, các phòng được ngăn bằng ván ép tạm bợ. Trong phòng, nhiều đoạn dây điện đấu nối chằng chịt. Nhiều nhà trọ tại khu vực quanh cầu Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), các nhà trọ trên đường Phan Huy Ích (P.15, Q.Tân Bình), Phạm Văn Chiêu (P.14, Q.Gò Vấp)… còn tận dụng mút xốp, một loại vật liệu rất dễ cháy để gắn trên trần nhà chống nóng.

Cuoi nam, canh giac voi nguy co chay

Các hẻm “dễ cháy” trong khu phố Tây

Đến hẻm... đợi lửa

Tại khu vực hẻm 68, P.Tân Định, Q.1, hàng chục hộ dân còn mang cả bếp dầu, bếp than tổ ong, bếp gas mini ra ngoài hẻm nấu ăn khiến hẻm càng chật chội hơn và rất dễ gây hỏa hoạn. Theo phản ánh của bạn đọc gửi đến Báo Phụ Nữ, tại khu vực tổ 87 trong hẻm 68, cứ khoảng 2-3g sáng mỗi ngày, hàng chục bếp đồng loạt hoạt động để chuẩn bị đồ ăn đem ra chợ bán. Dù UBND phường đã nhiều lần tuyên truyền công tác PCCC nhưng tình trạng vẫn không biến chuyển. Trong khi đó, ở khu vực này là các con hẻm chỉ rộng từ 0,5-1m, nếu xảy ra hỏa hoạn, phải mất nhiều thời gian mới có thể kéo “vòi rồng” cứu hỏa vào được, lực lượng cảnh sát PCCC rất khó phản ứng nhanh ở con hẻm như mê cung này.

Với các khu dân cư tại “phố Tây” ngay trung tâm thành phố, ý thức PCCC của người dân gần như cũng không có. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các hẻm 216, 217, 104 đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, nhiều hộ dân mang cả vật dụng gia đình để tạm ra ngoài đường. Trong hẻm, các búi dây điện, dây cáp được câu mắc chằng chịt vắt ngang qua những ban công gỗ mục nát. Có hộ dân còn đem hẳn một kệ đựng nồi niêu xoong chảo, bếp gas, thùng đá ra ngoài hẻm cho tiện… nấu nướng. Sát đó, hộ dân liền kề sử dụng một tấm vải bạt ni lông căng ra che nắng không khác gì… đợi lửa.

Trên đường Nguyễn Du, P.Bến Thành, Q.1, tình trạng hẻm bị chiếm dụng, làm gia tăng nguy cơ hỏa hoạn cũng xảy ra. Hẻm 115 Nguyễn Du được công nhận là điểm văn hóa của khu phố nhưng vô cùng nhếch nhác. Một người dân trong khu vực phản ánh, trước đây hẻm có bề ngang 4m nhưng nay bị lấn chiếm chỉ còn 1,5m. Trong hẻm có gần chục căn nhà xây dựng tạm bợ sau chốt dân phòng, diện tích mỗi nhà khoảng 6-7m2. Do diện tích quá nhỏ nên mọi sinh hoạt như giặt đồ, nấu ăn được chuyển ra ngoài hẻm. Có hộ còn bán cơm bình dân bày ngổn ngang các loại bàn ghế, dù, xe đẩy, vật dụng buôn bán và thậm chí đặt luôn các bếp than để nấu nướng ra hẻm.

Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC Q.9 cho biết, gần đây ở Q.9 và Thủ Đức đã xảy ra nhiều vụ cháy trong khu dân cư. Tính từ ngày 24/10 đến nay đã có tám vụ cháy lớn nhỏ. Các vụ cháy trên đều do sự cố về điện. Xác định trong mùa hanh khô và các ngày lễ Tết sắp đến, thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, Phòng Cảnh sát PCCC Q.9 đã lập đoàn kiểm tra để kiểm tra các cơ sở trọng điểm, các cơ sở xen lẫn trong khu dân cư, cụm dân cư dễ gây cháy.

Đối với các địa điểm có nguy cơ cháy cao trên địa bàn Q.1 mà người dân phản ánh qua Báo Phụ Nữ, Trung tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Q.1 cho biết: “Chúng tôi sẽ nhanh chóng phối hợp với các phường có khu vực bị phản ánh nguy cơ xảy ra hỏa hoạn để kiểm tra, chấn chỉnh ngay”.

 Vinh Quốc 

Để phòng ngừa hỏa hoạn, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM khuyến cáo người dân phải kiểm soát chặt nguồn lửa, nguồn nhiệt, không để người già, trẻ em tiếp cận nguồn lửa, không bỏ đi làm việc khác khi đang đun nấu. Khi câu mắc, sử dụng điện phải nhờ người có chuyên môn thực hiện, cúp cầu dao điện trước khi đi khỏi nhà. Nếu gia đình đang mắc dây điện lộ thiên nên thay bằng các dây dẫn điện có vỏ bọc cách điện, đặt bên trong ống cách điện.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI