Lắm chiêu lừa
Anh N.V.G. (quê Nghệ An, tạm trú quận 8, TPHCM) kể, giữa tháng 12/2021, anh được một người bạn thân nhắn tin qua Facebook nhờ bình chọn giúp một cuộc thi dự kiến sẽ trao giải vào dịp cuối năm. Không mảy may nghi ngờ, anh G. đã truy cập vào đường link người bạn gửi và làm theo “hướng dẫn của chương trình”.
Chỉ vài phút sau đó, từ chính Facebook cá nhân của anh G. phát đi hàng loạt tin nhắn với nội dung mượn tiền bạn bè mà anh không hề hay biết. Một ngày sau đó, khi nhận được cuộc gọi của người thân, anh G. mới biết Facebook cá nhân của mình đã bị kẻ xấu chiếm đoạt để lừa đảo.
Anh G. chia sẻ: “Chiêu lừa này mới lạ ở chỗ các đối tượng gửi đường link bình chọn một nhãn hàng thời trang khá uy tín nên tôi không hề nghi ngờ. Khi phát hiện tài khoản Facebook mình bị chiếm đoạt, mượn tiền nhiều bạn bè, tôi liên lạc với đối tượng lừa đảo thì được yêu cầu phải gửi 1 triệu đồng vào tài khoản của người tên Le Quoc Nam thì họ mới trả lại Facebook”.
|
Cơ quan công an (bên phải) đang làm việc với một đối tượng phạm tội lừa đảo qua mạng |
Những ngày qua, ông Nguyễn Đăng Khoa (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) rất bức xúc vì liên tục bị các số thuê bao lạ gọi điện, xưng là Công an TP. Hà Nội thông báo ông đã dính vào một vụ án rửa tiền mà cơ quan chức năng đang điều tra. Do đã đọc được nhiều thông tin cảnh báo về các chiêu trò này, ông Khoa thường tắt máy, chặn cuộc gọi của các đối tượng. Tuy nhiên, cứ vài ngày, ông lại nhận được cuộc gọi của một đầu số khác xưng là: cảnh sát giao thông, nhân viên điện lực, bưu điện…
“Tôi nghĩ nhà mạng cần phải có giải pháp gì đó để ngăn chặn dứt điểm các cuộc gọi mạo danh này. Tôi may mắn có người thân làm bên ngành công an, được cảnh báo khá nhiều về chiêu trò này nên không bị mắc bẫy, nếu là người lớn tuổi hay ở thôn quê thì rất dễ bị lừa”, ông Khoa chia sẻ.
Không may mắn như ông Khoa, đầu tháng 12/2021, bà N.T.H. (67 tuổi, quê Cà Mau) đã bị kẻ lừa đảo giả danh “cán bộ điều tra của Công an TPHCM” lừa mất 140 triệu đồng tiền tiết kiệm. Sau khi dọa dẫm rằng bà H. có liên quan đến một vụ án ma túy, họ yêu cầu bà rút toàn bộ số tiền để chuyển vào tài khoản “cơ quan công an” để xác minh nguồn gốc số tiền. Lo sợ trước những lời đe dọa, bà H. đã rút hết 140 triệu đồng từ sổ tiết kiệm của mình để chuyển đến số tài khoản 1291000042xxxx có tên Hoang Khanh Chau. Khi việc chuyển tiền hoàn tất, nhóm người trên đã mất liên lạc.
Cuối năm, rất nhiều người dân nhận được các tin nhắn của hệ thống tự xưng là: ngân hàng, bảo hiểm xã hội, nhà mạng… có đính kèm một đường link dẫn đến trang web lừa đảo. Chỉ cần người dân mất cảnh giác, làm theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo thì tài khoản ngân hàng sẽ bị chiếm đoạt.
Chị Trần Thị Thu Thủy (nhân viên văn phòng ở Q.3, TP.HCM) kể, ngày 26/12, chị nhận được tin nhắn với nội dung: “Tài khoản của bạn đã mở dịch vụ tài chính toàn cầu phí dịch vụ hằng tháng 2,8 triệu đồng sẽ bị trừ trong 2 giờ. Nếu không phải bạn mở dịch vụ vui lòng nhấn vào xxxxbank.vn-me.top để hủy”.
Lo sợ bị trừ tiền, đã làm theo hướng dẫn nhưng thật may mắn là khi đến bước nhập mật khẩu tài khoản, chị Thủy quay sang hỏi người đồng nghiệp và được khuyên là nên gọi đến ngân hàng để tìm hiểu. “Tôi gọi đến ngân hàng thì biết đây là chiêu trò lừa đảo”, chị Thủy chia sẻ.
Công an hướng dẫn cách nhận biết các trò lừa qua mạng
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TPHCM, cho biết, hiện nay, tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, lừa đảo… chọn không gian mạng là địa bàn hoạt động. Các chiêu lừa đảo qua mạng sử dụng kịch bản mạo danh cơ quan công quyền, cơ quan nhà nước với thủ đoạn tinh vi hơn và gây thiệt hại cực kỳ lớn.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang chia sẻ: “Để ngăn chặn vấn đề này, theo tôi trước hết là giải pháp phòng ngừa. Lừa đảo qua mạng đã được cảnh báo rất nhiều nhưng trên thực tế ngày càng có thêm nhiều nạn nhân, số tiền thiệt hại ngày càng lớn. Tôi nghĩ công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý chưa tới, chưa đạt yêu cầu thực tế. Và đặc biệt, nhiều người dân cũng chưa nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa vấn đề này”.
Theo Phó giám đốc Công an TPHCM, không một cơ quan công quyền nào (công an, viện kiểm sát, thuế vụ, hải quan, tòa án…) làm việc qua mạng xã hội, qua điện thoại. Người dân cần hiểu theo nguyên tắc này, khi nhận các cuộc gọi giả mạo sẽ biết đây là chiêu trò lừa đảo và chủ động phòng tránh.
“Tôi nhấn mạnh lại, không bao giờ có lệnh bắt, quyết định khởi tố, quyết định tố tụng nào của công an, viện kiểm sát mà gửi qua Zalo, Facebook. Nhưng chỉ cần đối tượng gửi qua người dân đã sợ hãi, không dám tiết lộ với ai và bị lừa”, đại tá Nguyễn Sỹ Quang nói.
Thượng tá Phạm Văn Thành - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) - cho biết, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, lừa mua bán đất nền, dự án ma diễn ra trong nhiều năm gần đây. Thời điểm giãn cách xã hội, các đối tượng đã sử dụng, khai thác tối đa không gian mạng để đưa ra các thông tin không có thật. Trong bối cảnh này, người dân có nhu cầu đầu tư, nhưng ít tiếp cận được các kênh đầu tư, thông tin nên dễ bị lừa.
“Tôi cũng mong các cơ quan báo chí cần cảnh báo đến người dân là trước các thông tin chào bán dự án, thuốc điều trị COVID-19… cần tiếp cận nguồn thông tin chính thức từ cơ quan chức năng để tránh bị lừa”, thượng tá Phạm Văn Thành nói.
Theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang, cùng với công tác ngăn ngừa, đấu tranh, Công an TPHCM đang quyết liệt tham mưu, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước trong việc mở tài khoản ngân hàng. Hiện nay việc mở tài khoản ngân hàng rất dễ nên các đối tượng lợi dụng sim rác, chứng minh nhân dân giả, thuê chứng minh nhân dân… để mở thẻ. Điểm chung của các đối tượng lừa đảo qua mạng là sau khi nhận được tiền sẽ chuyển đi rất nhanh qua các ngân hàng. Do đó, cần ngăn ngừa là chính, sau khi các đối tượng đã kích hoạt chuyển tiền rồi sẽ rất khó ngăn chặn. |
Sơn Vinh