Cưới một nụ cười

16/03/2016 - 06:48

PNO - Miệng ông không còn xơn xớt tươi cười mỗi cuối tuần về nhà nữa, chỉ còn những lời càu nhàu, mắng mỏ, rằng nhà có đàn bà cũng như không.

Cuoi mot nu cuoi
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

1. Chuyện tối qua ở bệnh viện, kẻ gian nhân lúc cô Ba tôi ngủ say đã rạch túi lấy mất 12 triệu đồng, khiến cả nhà tôi thở dài xót xa. “Nghèo còn mắc eo”! Đó là tiền hàng cô vừa nhận của người ta, vào bệnh viện chăm con cũng phải mang theo vì không dám “nhờ” dượng Ba cất giùm.

Ngày trước, cô đã lỡ thì mới gặp dượng. Người đàn ông này đã qua một đời vợ, mấy đời bồ, đang phải nuôi hai con nhỏ và mẹ già tuổi bảy mươi. Nghe đâu vợ dượng chết vì ghen. Lúc ấy, cô Ba là thợ may, dượng là hàng xóm mới mua đất cất nhà sát rào. Dượng dắt hai con qua nhờ: “Cô coi may giúp tụi nó vài bộ quần áo đèm đẹp mặc cho giống người ta, tôi đàn ông đàn ang chẳng biết gì”.

Con gái dượng đã 14 tuổi mà gầy nhom như trẻ lên mười; thằng con trai lên tám cũng nhỏ thó như mới lên năm, cả hai đều nhem nhem, nhuốc nhuốc. Cô tôi mủi lòng, đã may không công, còn nhặt nhạnh vải thừa ghép cho thằng bé mấy cái quần đùi. Tìm hiểu thêm cô được biết, hàng ngày hai đứa ở nhà với bà nội, bà lại cụt một tay nên làm gì cũng khó. Ba chúng đi làm, cuối tuần mới về. Con chị đã nghỉ học, thằng em vừa lên lớp 2.

Tình cảm giữa bà chủ tiệm may và ông hàng xóm cứ lớn dần. Mỗi cuối tuần ông về đều mang cho cô tôi một phần cháo vịt nóng hôi hổi. Ông còn luôn miệng hỉ hả: “Nhà tôi có phước ba đời mới làm hàng xóm của cô. May mà có cô chứ không thì chẳng biết nhờ ai bảo ban các cháu”. Ông đã làm cho người phụ nữ tuổi chớm bốn mươi chưa một lần lên xe hoa ấy ngỡ mình đang là cứu tinh của gia đình ông. Để rồi không lâu sau, cô bằng lòng cột đời mình vào nụ cười (mà sau này cô gọi là xơn xớt) của ông hàng xóm.

Bốn mươi hai tuổi cô sinh con đầu lòng. Rủi thay, đứa con mắc chứng chậm phát triển do chuyển dạ kéo dài và can thiệp muộn. Có chồng rồi, thân cô như xẻ làm đôi, làm ba vì vừa chăm con nhỏ, vừa may đồ cho khách hàng, vừa lo cho mẹ chồng đã nằm liệt sau một lần té ngã. Cô đành đóng cửa tiệm may, xoay qua buôn bán trái cây, cực nhọc hơn nhưng cũng có đồng ra đồng vào lo cho gia đình.

Chồng cô giờ đã ngoài năm mươi. Ông bảo đó là lứa tuổi “đỉnh cao” của đàn ông, mà cô bây thì… Với lý lẽ đó, ông kiếm người đảm trách giùm cô tôi bổn phận làm vợ. Bao nhiêu tiền ông cũng mang cho bồ, thậm chí nhà dư cái bàn ủi, cái thùng búp sen cũng lấy đi.

Miệng ông không còn xơn xớt tươi cười mỗi cuối tuần về nhà nữa, chỉ còn những lời càu nhàu, mắng mỏ, rằng nhà có đàn bà cũng như không. Sao cái vòi nước chảy tùm lum không thay vòi khác? Sao cái khung sắt tay vịn nhà vệ sinh mục gãy không kêu thợ thay? Sao bà không dạy cái cục nợ này kêu ba gì hết vậy? Đi cả tuần thì thôi, về tới nhà thấy nó rúc vô góc nhìn tôi lấm lét là tôi oán bà lắm biết không? Đàn bà gì chỉ có ăn rồi đẻ mà cũng không xong!

Đứa con gái bệnh tật của cô nay đã tám tuổi. Mấy hôm nay cháu bị sốt xuất huyết. Cô đưa con vào viện rồi nhờ mấy đứa ghé coi em giùm. Ba ngày em nằm viện, sáu lượt anh chị họ chia nhau mỗi người nửa ngày vào chăm em. Tối hôm qua, cô có đơn hàng lớn, tám giờ tối còn phải đi ký hợp đồng, nhận chục triệu tiền cọc mang về thẳng bệnh viện ngủ trông con và bị… kẻ gian lấy mất. Cô mếu máo trả lời họ hàng đang xúm xít hỏi thăm: “Tiền viện phí chắc được miễn, cơm thì có cơm từ thiện, nhưng làm sao kiếm được chục triệu bù lại bây giờ?”.

2. Ông gần bảy mươi, tuổi của nhiều chiêm nghiệm nên thường bảo: “Biết ngày nay như vầy ngày đó tao không cưới bà ấy đâu. Tại hồi đó bà ấy có nụ cười đẹp như tiên”. Ngày đó của ông là thời chiến tranh. Con trai thì lo không chết “bên này” cũng chết vì ‘bên kia”; con gái thì sợ một phút xui rủi sẽ mất cả đời, nên chớm yêu thương là cha mẹ hai bên cho cưới ngay để “đâu yên đó”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI