Cưới lại

30/11/2015 - 07:38

PNO - Trên cõi đời này, nếu tất cả mọi thứ đều có hạn sử dụng, thì tình yêu cũng có “đát” nhất định...

Em bước vào tiệm in thiệp cưới, ngập ngừng: “Em đặt có 70 thiệp, in không chị?”. Bà chủ xởi lởi: “In chứ, bao nhiêu cũng in. Nhưng nếu ít quá thì cho chị xin thêm tiền khuôn”. “Là nhiêu chị?”. “Theo giá niêm yết, cộng thêm năm chục ngàn”. Em kín đáo thở phào vẻ nhẹ nhõm rồi xem mẫu thiệp.

Vừa xem vừa tâm sự: “Em ba mốt tuổi, hồi đó trẻ quá, yêu thì cưới chứ không tìm hiểu kỹ. Rồi hục hặc bạc tiền, rồi chửi bới khóc lóc. Rồi nhậu nhẹt bồ bịch và thôi nhau khi con mới đầy tháng. Nay con em học lớp 1, em mới cưới lại. Mà ba mẹ em nói, lần hai rồi, hay ho gì mà làm ì xèo, nên ông bà chỉ mời người lớn bằng miệng. Chồng bàn với em, đó là ý của cha mẹ. Nhưng chúng mình thương nhau thật tình, cũng phải có cái gì đó làm kỷ niệm. Vậy là hai đứa có vài chục bạn, in vài chục tấm thiệp”.

Bà chủ tiệm bảo, vậy lần này chúc mừng em đã tìm hiểu kỹ. Mà em đã quyết định sẽ ở bên chồng hay bên mình, rồi con em ở với ông bà ngoại hay theo em? Quan trọng là công việc của tụi em có đủ sống?

“Dạ rồi. Chồng em dễ thương lắm chị. Vì ảnh cũng dang dở một lần mà. Em phụ bếp quán cơm tấm, ảnh chạy bàn quán Ốc Đêm. Nhưng tụi em không ở bên nào hết. Thuê nhà trọ ở riêng, dành dụm tiền vài năm thì cất nhà trên đất ba mẹ em cho. Con em vẫn ở chung với vợ chồng em vì anh nói, bé đã phải xa vắng cha như con anh, thì sao bây giờ lại để bé vắng luôn cả mẹ”.

Cuoi lai
Ảnh minh họa: Internet

Bà chủ vui theo giọng nói đầy an nhiên của em. Rồi bà hỏi, vậy còn thời gian làm việc của em thế nào? Phải chăm sóc con và vun đắp tổ uyên ương mới cưới cũng quan trọng lắm đó.

Em cười: “Chồng em nói, gần quán tụi em làm có nhà trọ, cũng có lớp Anh văn trẻ em. Em đi làm từ một giờ chiều tới chín giờ đêm. Chồng làm từ năm giờ chiều tới hai giờ khuya. Con học bán trú, chiều bốn giờ rưỡi ảnh rước con xong thì cho bé nhảy qua lớp Anh văn, chín giờ em về rước. Cũng ổn hén chị?”. Bà chủ lại cười theo từng tia nắng hạnh phúc đang ngập tràn trong mắt em.

Em lại lựa chữ mút, các phụ liệu tranh, ảnh dán tường phục vụ cho đám cưới nhưng toàn yêu cầu màu đỏ: “Màu đỏ là màu may mắn phải không chị? Chồng em nói, ngày cưới tụi em sẽ đỏ rực sự may mắn cho tình duyên bền chặt”.

Ra về, em còn khẽ khàng dặn bà chủ tiệm: “Mai mốt tới lấy thiệp, nếu chồng em có đi chung, lỡ ảnh hỏi giá, chị nói giùm theo giá niêm yết thôi nghen, vụ tiền thêm để em lo. Vì ảnh làm cực nên tiết kiệm lắm”.

Cô bạn bước vào nhà hàng, bắt tay đôi tân hôn rồi nói khẽ vào tai cô dâu: “Tao dẫn theo đứa bạn “ăn chùa”. Nó là hàng xóm nhà chồng cũ của mày. Chồng cũ mày nói, mày hai con rồi, chó… cưới chứ ai cưới mà bày đặt đãi nhà hàng. Nó đi theo để làm chứng”.

Cô dâu cười rạng rỡ, nhưng lòng không giấu được một đoạn héo úa cho sáu năm chồng vợ cũ. Cô dâu và chồng cũ đến với nhau bằng tình yêu tuổi trẻ và sự… ngăn cấm của gia đình hai bên. Trong mắt cha mẹ cô, người thanh niên có gương mặt trắng như con gái nhưng mắt sâu, mặt choắt thì “không có hậu”, huống chi mấy năm nay không tìm được việc làm dù tốt nghiệp trường lớp như ai. Với gia đình anh, cô không “môn đăng hộ đối”.

Hai bờ “chiến tuyến” càng khiến cho đôi tim non lao vào nhau bằng hấp lực của ánh sáng, để… khẳng định mình. Mãi đến khi bụng cô gái tròn bốn tháng thì đám cưới cũng diễn ra. Lễ cưới khá to vì nhà chú rể là dân kinh doanh có máu mặt trong tỉnh.

Nhưng “trong ban mai đã có bóng chiều vàng” vì mẹ chồng ra điều kiện: rước dâu nhưng cô dâu không được đi cửa trước, không được lạy bàn thờ tổ tiên. Nhà gái “xuất chưởng” bằng cách không cho chụp ảnh cưới, vì trông cái mặt thằng rể là… thấy ghét.

Vậy mà họ cũng sống với nhau được sáu năm, đủ thời gian cho hai đứa con ra đời. Nhưng cùng thời gian đó, lương nhân viên cấp dưỡng trường mẫu giáo của cô phải nuôi hai con, còn chồng vẫn ngồi mâm trên cùng sơn hào hải vị với cha mẹ mình. Anh ta tha hồ xài tiền của cha mẹ cho các cuộc vui ngoài chồng ngoài vợ.

Trên cõi đời này, nếu tất cả mọi thứ đều có hạn sử dụng, thì tình yêu cũng có “đát” nhất định. Đỉnh điểm “hết đát” cho nợ duyên của mình là cô có thai ngoài tử cung, đối diện với sống chết, nhưng nhà chồng không một ai ngó tới. Chồng bận “giao hàng giùm mẹ” ở cách nhà 300 cây số. “Hàng” ấy, là cô gái mẹ chồng lựa cho chồng, từ ngày chưa cưới vợ. Hơn năm nay thì chồng cô… ngoan ngoãn nghe lời mẹ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI