Cưới - Không tuổi nào là muộn

06/11/2016 - 11:30

PNO - Đám cưới chị, có thể nói là vui nhất từ trước tới nay ở khu phố này. Chị mặc xoa rê trắng tinh khôi và gương mặt hình như trẻ ra sau lớp phấn hồng.

Chị đến mời đám cưới, mời luôn tôi đi đưa dâu. Trời, cưới ở tuổi 42 hả chị? Có muộn lắm không?

Chị cười: không tuổi nào là muộn hết em à, nếu mình đã thật lòng với nhau.

Anh chị thật lòng với nhau thì hẳn rồi, vì đã đeo đẳng nhau mười mấy năm nay. Nhưng mà… cưới ở tuổi này thì đường con cái làm sao? Không con thì nuôi cháu chứ gì mà em lo! Tụi chị chỉ sợ ngày ngắn tháng hẹp, sẽ không được đàng hoàng chính thức ở bên nhau.

Cuoi - Khong tuoi nao la muon
Anh chị trong ngày cưới

Chị là chị Hai của bầy em ba đứa. Ba mất sớm, mẹ có mấy công vườn và cái xe trái cây di động ngoài chợ xã. Buôn bán thì mẹ lo, vườn thì phần chị. Mười bốn tuổi, chị đã biết thu xếp sao để vừa đi học vừa làm vườn. “Hên” là ba đứa em nghe lời chị răm rắp, đứa nào cũng biết xịt thuốc rầy, nhổ mì, cuốc đất…

Bàn tay lao động và sự bảo ban khéo léo của chị đã giúp gia đình có cuộc sống ổn định. Rồi em gái chị lần lượt đi lấy chồng. Mẹ chị bấy giờ không buôn bán nữa mà chỉ đi chùa. Bà đi hết chùa này tới chùa khác, nay làm công quả, mai cúng kiếng dâng trà dâng hoa. Bà bảo, cả đời cực nhọc rồi, giờ phải đi chùa để… cầu phước cho con cái.

Mẹ đi chùa, chuyện kinh tế gia đình chị vẫn phải lo. Vừa cái xe trái cây, vừa mấy công vườn bởi mấy cô em gái lấy chồng sinh con xong cũng hục hặc và lần lượt mang con về gửi chị để… tiếp tục tìm hạnh phúc mới.

Chị nuôi mấy cháu, cơm nước, áo quần, bảo ban học hành… Nhưng người chứ có phải là thần tiên gì đâu mà biến hóa ba đầu sáu tay để lo cho xuể. Rồi chị thuê anh, kiểu “thuê khoán”, tiền công ăn chia theo vụ. Để anh chăm sóc mảnh vườn vì bây giờ vườn không trồng cây hàng năm nữa, mà trồng cây lâu năm như nhãn, chôm chôm, sầu riêng.

Anh hơn chị hai tuổi, chưa một lần lấy vợ bởi “chắc tại nghèo quá nên không ai ưng”. Bữa đó anh đang cắt cành vườn nhãn kế bên nhà chị. Chị thì bón phân cho vườn bên mình. Sắp cuối đợt kích thích ra hoa rồi, nhưng mấy nay hai ba đứa cháu cứ bệnh mãi, chị không kịp bón phân cho đám cây. Trời bỗng dưng mưa. Mưa to quá, mớ phân cút gặp mưa là xem như “cá gặp nước” vì sẽ trôi rửa hết. Mình thì ngồi không nghỉ tay tránh mưa, bà hàng xóm thì lui cui một mình cũng tội nên anh đã dầm mưa giúp chị lấp phân vào gốc. Tàn cơn mưa, cả hai lạnh run nhưng cũng đủ phát sinh một mối cảm tình.

Cuoi - Khong tuoi nao la muon
Anh đang làm thuê ở một vườn bông thiên lý

- Chị thấy ảnh siêng quá, tự dưng dầm mưa đi làm giùm người chưa quen. Trả tiền công thì không lấy. Vậy rồi thương.

- Anh thì thấy tội nghiệp cô hàng xóm. Mắc mớ gì trời mưa không nghỉ. Mình là đàn ông, ngồi nhìn cũng ngại, nên làm phụ. Ai ngờ nợ mắc từ đó.

Đó là năm chị 34 tuổi.

Rồi chị thuê anh giữ vườn. Anh nói chắc giữ không xuể, vì hai héc-ta nhãn kế bên anh đã ký hợp đồng trước rồi. Chị bảo, hai héc-ta còn giữ được, thêm năm công nữa thì có là bao. Anh xem, em vừa buôn bán, vừa chăm cháu, vừa làm vườn thì…

Anh nhận lời, chăm luôn khoảnh vườn vì giáp ranh nhau. Vườn bên chị có sẵn căn nhà nhỏ, dành mấy lúc làm vườn nghỉ lại. Chị bảo anh thôi khỏi về nhà, cứ dọn luôn vào đấy mà ở. Anh thầm cảm ơn chị, bởi cha mẹ mất sớm, anh em tứ tán. Anh nào giờ theo bạn bè đi làm thợ hồ. Nay đây mai đó, ăn công trình, ngủ dưới giàn giáo. Nhưng rồi từ dạo té giàn tới nay không thể leo trèo nữa nên học công việc làm nhãn. Hạ tàn, xiết cành, bón phân, xịt dưỡng… nói thì nghe dễ vậy, chứ khi làm mà “huốt”, nhãn không ra hoa, hoặc toàn ra chà rồng thì xem như phải bắt đền cho chủ vườn cũng chẳng chơi.

Ngày đi làm, tối về nghỉ tạm nhà người bạn. Nhưng bạn còn có vợ bạn, con bạn. Nhà không khá giả gì, cưu mang nhau thế là tốt lắm. Nay có được căn nhà nhỏ bên vườn chị, anh an tâm có thế giới riêng cho mình.

Dù thỏa thuận lương ăn chia theo vụ, cơm nước tự túc. Nhưng chị thường xuyên mang thức ăn vào vườn cho anh. Lý do: “Nhà nấu nhiều quá, chắc mấy cháu ăn không hết”. Đàn ông ngoài ba mươi là anh thừa hiểu đó là tình ý của chị, chứ nấu dư gì mà một tuần dư đến năm ngày?

Khi tình cảm chín muồi. Đó là năm chị 36 tuổi. Anh cũng có lưng vốn, đủ làm sính lễ cưới xin. Thì mẹ chị không đồng ý! Bà bảo, anh đang làm công việc của “thợ mỏ” chứ yêu thương gì. Mà con mới 36 tuổi, bộ sợ ế hay sao lại ưng một kẻ bá vơ như vậy?

Anh tự ái, không nhận chăm vườn nhà chị nữa. Chị tất bật với bán buôn, các cháu, vườn tược mà còn phải năn nỉ mẹ, rằng tụi con thật lòng yêu thương nhau. Mẹ chị cười: “Để xem mẹ đúng hay con đúng”.

Tuy không làm vườn cho chị nữa, nhưng hai người vẫn không hề suy giảm tin yêu. “Mắc cười nhất là hẹn nhau đi chơi cũng phải nói dối mẹ. Ai đời gần 40 mà hẹn hò cứ cà thụt cà ló”.

Năm anh 38 tuổi, đã mua được cho mình hai công vườn, ngoài giờ đi làm thuê thì tự làm chủ lấy mình. Anh cố gắng như vậy, là cũng nhờ người chủ thương, ứng trước cho cả năm tiền lương để đủ mà mua vườn cho “nhạc mẫu tương lai” khỏi nghi kỵ anh là “thợ đào mỏ”. Nhưng mẹ chị, một lần nữa lại không đồng ý. Lý do: không có lý do gì hết, tại tự dưng nhìn cái mặt không ưa.

Năm chị 38, mẹ đã 76. Trong một buổi đi chợ bà bất ngờ bị té và nằm liệt vì chứng tai biến mạch máu não. Các em chị có về thăm rồi cũng đi xa bởi ai cũng bận chăm chút ngôi nhà của mình. Vậy là anh giang tay ra như một người con rể thực thụ. Giúp chị coi sóc vườn tược, nhà cửa, con cháu những ngày chị phải ở bệnh viện chăm mẹ.

Cuoi - Khong tuoi nao la muon
Chị và sạp trái cây di động

Ba tháng điều trị với ý niệm “còn nước còn tát”, nhưng bệnh tình của mẹ không thuyên giảm. Chị định bán mảnh vườn đưa mẹ ra nước ngoài chữa trị “để làm tròn chữ hiếu”. Anh không cho chị bán vườn, mà lặng lẽ gom hết tiền bạc của mình - số tiền anh dành dụm cưới vợ - để chuẩn bị đưa mẹ chị ra nước ngoài chữa trị. Nhưng sau khi trao đổi về hồ sơ bệnh án, bác sĩ nước ngoài cũng lắc đầu vì tuổi bệnh nhân đã cao, khả năng phục hồi kém, thời gian nằm bệnh đã dài…

Chị ngậm ngùi đưa mẹ về nhà chữa trị sau bốn tháng nằm viện.

Bà đã không qua khỏi sau một năm sống đời thực vật.

Ai có biết, một năm bà nằm đó, là hơn nửa thời gian anh bồng bế chăm lo từng chút, từ chuyện vệ sinh cá nhân. Anh nào giờ chỉ biết chăm sóc cây, nay đã thuần thục chăm sóc người bệnh từ việc cho ăn qua đường ống, thông đường thở lúc sặc và cả thay từng tấm tã…

Một năm sống đời thực vật nhưng cơ thể bà chưa bị một vết loét nào.

Một năm bà sống đời thực vật nhưng nhà không có mùi hôi người bệnh. Một năm bà sống đời thực vật nhưng nhà cửa, đất đai chưa bán mảnh nào.

Đó là công của anh. Anh gồng gánh như một người trụ cột gia đình.

Rồi bà mất. Khi chưa kịp gật đầu cho anh chị thành vợ thành chồng.

Mãn tang mẹ, chị quyết định làm đứa con “bất hiếu”: mẹ không đồng ý vẫn ưng anh. Mấy đứa cháu gần chục năm dài chị nuôi dưỡng, tất cả đều gọi anh là “Ba” chứ không phải là dượng Hai như vai vế. Có lẽ chúng cũng cảm phục trước tấm lòng anh.

Đám cưới chị, có thể nói là vui nhất từ trước tới nay ở khu phố này. Chủ dàn nhạc sống âm thanh nổi là bạn anh, tự nguyện chơi không công “để mừng mày hết ế”. Chị mặc xoa rê trắng tinh khôi và gương mặt hình như trẻ ra sau lớp phấn hồng.

Dù có muộn màng so với tuổi kết hôn nhưng cô dâu rạng rỡ như mặt trời buổi sớm vì anh chị đã dìu nhau qua bao giông bão cuộc đời.

Hoàng Cúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI